'Tây Ninh phải giảm tối đa F0 không triệu chứng chuyển biến nặng'

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng tỷ lệ 36% F0 không triệu chứng chuyển sang có triệu chứng tại Tây Ninh là quá cao, trong khi tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 3%.
'Tây Ninh phải giảm tối đa F0 không triệu chứng chuyển biến nặng' ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 1 (tại Khu công nghiệp Thành Thành Công, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh). (Ảnh: Diệp Trương/TTXVN)

"Chiến lược quan trọng hàng đầu hiện nay là Tây Ninh phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội để giảm F0; giảm tối đa tỷ lệ F0 không triệu chứng chuyển sang triệu chứng nhẹ, từ nhẹ chuyển nặng."

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh về công tác phòng, chống dịch ngày 10/8.

Phải xác định vùng an toàn, nguy cơ cao và nguy cơ rất cao

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Tây Ninh là tỉnh biên giới, có giao thương chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận nên nguy cơ dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng rất cao.

Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Tây Ninh đã rất nỗ lực, có nhiều sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch. Cùng với các tỉnh, thành phố phía Nam, Tây Ninh đã bước sang tuần thứ 3 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, góp phần kiểm soát người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương có dịch trở về các địa phương khác.

Tương tự các địa phương khác, Tây Ninh không thể kéo dài thời gian giãn cách xã hội mà phải có giải pháp phù hợp để từng bước, sớm quay trở lại trạng thái bình thường mới.

"Tây Ninh phải nỗ lực làm nghiêm hơn nữa, phát động nhân dân cố gắng chịu vất vả thêm một thời gian ngắn để quay lại bình thường mới, tránh để dịch kéo quá dài," Phó Thủ tướng chia sẻ.

Song song với mũi truy vết, khoanh vùng, dập dịch, hiện nay, các địa phương đang tập trung khoanh và giữ chặt những “vùng xanh” an toàn. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian này, Tây Ninh phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, trước hết phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để nắm tất cả những người từ nơi khác về, xử lý nghiêm người không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực.

Bên cạnh đó, Tây Ninh cần tổ chức hệ thống theo dõi, quản lý, giám sát y tế cộng đồng để trợ giúp kịp thời cho người dân vùng dịch về các vấn đề y tế.

Trong công tác xét nghiệm, các lực lượng kết hợp nhuần nhuyễn giữa xét nghiệm nhanh, xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp, mẫu đại diện để sàng lọc cộng đồng; bóc tách F0 nhanh ra khỏi những ổ dịch đậm đặc; sàng lọc tại các bệnh viện… Cùng với hướng dẫn của Bộ Y tế, lực lượng phòng, chống dịch của Tây Ninh phải vận dụng sáng tạo, khẩn trương, hiệu quả, tiết kiệm.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong tuần tới, Tây Ninh thực hiện xét nghiệm phù hợp để xác định những vùng đã an toàn, nguy cơ cao và nguy cơ rất cao.

Qua kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại một số tỉnh phía Nam, Phó Thủ tướng lưu ý Tây Ninh tổ chức hệ thống điều trị trên cơ sở hướng dẫn tháp 3 tầng của Bộ Y tế, trong đó cần chú trọng đến việc tiếp nhận, điều trị F0 không triệu chứng tầng 1.

'Tây Ninh phải giảm tối đa F0 không triệu chứng chuyển biến nặng' ảnh 2Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Diệp Trương/TTXVN)

Tại đây, các F0 chưa được coi là người bệnh, được quản lý chặt để không tiếp xúc, không lây ra cộng đồng; được chăm sóc dinh dưỡng, cung cấp thuốc bổ, khuyến khích vận động, nâng cao sức khỏe; từ đó, giảm bớt tỷ lệ chuyển sang có triệu chứng hoặc chuyển nặng. Đồng thời, các lực lượng khẩn trương hướng dẫn người dân nhận biết các dấu hiệu, triệu chứng để báo cho nhân viên y tế chuyển lên tầng trên.

“Tỷ lệ 36% F0 không triệu chứng chuyển sang có triệu chứng tại Tây Ninh là quá cao. Trong khi tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 3%. Phải khẩn trương tổ chức lại để giảm tỷ lệ này xuống," Phó Thủ tướng nêu rõ đồng thời yêu cầu không chỉ tăng đơn thuần số lượng giường bệnh tại các cơ sở điều trị tầng 2 mà phải khẩn trương lắp đặt hệ thống ôxy tập trung, máy thở dòng cao (HFNC)…

Khó khăn về nhân lực, trang thiết bị y tế

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết từ ngày 1/6 đến nay, Tây Ninh đã ghi nhận 3.078 ca mắc COVID-19, truy vết gần 14.000 trường hợp F1, tập trung chủ yếu ở thị xã Trảng Bàng và huyện Dương Minh Châu.

Toàn tỉnh có 14 cơ sở y tế tham gia điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, hơn 900 y, bác sỹ với khoảng 3.440 giường, chia thành 3 tầng điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tây Ninh đang thiết lập các bệnh viện dã chiến đáp ứng yêu cầu điều trị theo kịch bản 5.000-10.000 ca mắc. Năng lực xét nghiệm toàn tỉnh đạt gần 2.500 mẫu đơn/ngày, thời gian tới có thể nâng lên gần 3.300 mẫu đơn/ngày.

[Đồng Nai, Trà Vinh, Tây Ninh đẩy nhanh tiến độ triển khai tiêm vaccine]

Tuy nhiên, Chủ tịch tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết để đáp ứng khả năng điều trị ở mức có 5.000 ca F0, Tây Ninh đang thiếu khoảng 1.000 y, bác sỹ; khoảng 350 máy thở chức năng cao, 230 máy thở xâm nhập và không xâm nhập, 140 máy lọc máu liên hoàn, 17 hệ thống ECMO, 83 hệ thống ôxy dòng cao HFNC… Hiện, trên địa bàn tỉnh có 158 doanh nghiệp đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” với khoảng 26.000 lao động.

“Khó khăn lớn nhất của Tây Ninh hiện nay là số bệnh nhân tăng quá nhanh, năng lực các bệnh viện dã chiến quá tải, năng lực điều trị còn nhiều hạn chế, thiếu chuyên môn, trang thiết bị điều trị COVID-19… Đặc biệt, năng lực xét nghiệm chưa đáp ứng được yêu cầu xét nghiệm sàng lọc, nhất là xét nghiệm khẳng định," ông Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh.

Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện Dã chiến số 1 (tại Khu công nghiệp Thành Thành Công, thị xã Trảng Bàng) và Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, Sở Y tế Tây Ninh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục