Thái Nguyên đứng thứ 4 về số người có HIV: Điểm đen cần khắc phục

Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu với hơn 60.600 trường hợp có HIV, Hà Nội hơn 27.000 trường hợp, Hải Phòng hơn 12.500 trường hợp. Thái Nguyên đứng thứ tư trên toàn quốc với 10.219 người có HIV.
Thái Nguyên đứng thứ 4 về số người có HIV: Điểm đen cần khắc phục ảnh 1Bệnh nhân điều trị HIV tại một cơ sở y tế. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Thái Nguyên hiện nay đứng thứ ba trên toàn quốc về tỷ lệ người nhiễm HIV/10.000 dân và đứng thứ 4 toàn quốc về số người nhiễm HIV sau Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng.

Đây là một “điểm đen” về công tác phòng chống HIV/AIDS, cần khắc phục trong thời gian tới.

Thông tin trên được tiến sỹ Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS đưa ra trong buổi làm việc của Bộ Y tế giám sát tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu y tế - dân số tại tỉnh Thái Nguyên diễn ra ngày 29/7.

Dịch bệnh ngày càng phức tạp

Tại buổi giám sát, ông Nguyễn Vy Hồng - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên cho hay, thực hiện Chương trình mục tiêu y tế dân số trong giai đoạn từ 2016-2020, hệ thống y tế dự phòng từ tỉnh đến huyện, xã được củng cố và ngày càng hoàn thiện. Công tác phòng chống dịch được thực hiện chủ động và thường xuyên, do đó nhiều năm qua không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ mắc và chết của trẻ em do các bệnh truyền nhiễm đã giảm hẳn.

[Đề xuất giá giường bệnh tối đa 4 triệu đồng mỗi ngày ở bệnh viện công]

Các dịch bệnh nguy hiểm như dịch SARS, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, dịch cúm A/H1N1, H5N1, H7N9, Ebola, MERS-CoV được chủ động phòng ngừa, không để xảy ra và lan rộng. Các dự án trong Chương trình mục tiêu y tế, dân số được triển khai có hiệu quả.

Tuy nhiên, tình hình diễn biến các dịch bệnh ngày càng phức tạp, mô hình bệnh tật đã có nhiều thay đổi so với trước. Sự xuất hiện của một số bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm mới cùng với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm như huyết áp, tiểu đường, ung thư, tâm thần, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…

Đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm 2019, số người nhiễm HIV mới phát hiện thêm là 69, tăng so với cùng kỳ 2018 (64 người). Ông Hồng lý giải, số người được phát hiện tăng lên do được sự hỗ trợ kinh phí của các dự án phòng chống HIV/AIDS do Quỹ Toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ... Vì vậy, số người được sàng lọc, xét nghiệm phát hiện bệnh được nhiều hơn.

Tích luỹ đến nay, số người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn toàn tỉnh Thái Nguyên là 10.219 người, số người còn sống là 6.721 người.

Tiến sỹ Hoàng Đình Cảnh cho hay, số trường hợp mắc HIV cộng dồn ở 3 tỉnh cao nhất trên toàn quốc gồm: Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu với hơn 60.600 trường hợp, Hà Nội hơn 27.000 trường hợp, Hải Phòng hơn 12.500 trường hợp. Với con số trên, Thái Nguyên đứng thứ tư trên toàn quốc.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên phân tích, số người nhiễm HIV trên địa bàn toàn tỉnh cao do đây là khu vực tập trung nhiều các mỏ quặng công nghiệp và thời gian gần đây nhiều khu công nghiệp đưa vào hoạt động khiến số lượng người từ nhiều nơi tập trung về… Bên cạnh đó, số người mắc tệ nạn xã hội cao, đặc biệt là nghiện ma tuý, mại dâm và nhiễm HIV/AIDS, trong khi các nguồn lực can thiệp còn hạn chế.

Thái Nguyên đứng thứ 4 về số người có HIV: Điểm đen cần khắc phục ảnh 2

Về bệnh dại, các ca đến tiêm phòng dại tăng hơn cùng kỳ năm trước, còn trường hợp tử vong do bệnh dại và bệnh do nhiễm liên cầu lợn trên địa bàn tỉnh.

Tại tỉnh Thái Nguyên có nhiều trường hợp phải tiêm vắcxin/huyết thanh để phòng và điều trị dự phòng bệnh dại do bị chó nghi dại cắn. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2017 có 9.547 người; 2018 có 10.920 người; 6 tháng 2019 có 6.244 người phải tiêm vắcxin/huyết thanh phòng bệnh dại.

Năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 3 trường hợp tử vong do bệnh dại, trong 6 tháng 2019 có 2 trường hợp. Trước tình hình trên, ngành y tế đã báo cáo Uỷ ban Nhân dân tỉnh triển khai kịp thời các biện pháp xử lý, giảm thiểu số ca mắc; chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn biết cách phòng bệnh.

Nhiều khó khăn về kinh phí

 Về công tác phòng bệnh, theo báo cáo của Sở Y tế Thái Nguyên, thời gian qua, ngành y tế đã triển khai quản lý, điều trị bệnh tăng huyết áp được triển khai rộng rãi và hiệu quả tại tuyến xã. Đến hết tháng 6/2019, có 113/180 xã (62%) triển khai quản lý điều trị tăng huyết áp. Tỷ lệ bệnh nhân tăng huyết áp được quản lý trên địa bàn tỉnh đạt 76%, tỷ lệ bệnh nhân được quản lý tại tuyến xã là 48%, tỷ lệ bệnh nhân quản lý điều trị đạt huyết áp mục tiêu là 57%.

Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên cũng chỉ rõ, thời gian qua, có nhiều thay đổi trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Y tế - dân số giai đoạn 2016-2020; kinh phí chuyển về muộn; các kế hoạch, hướng dẫn chưa kịp thời dẫn đến triển khai gặp nhiều khó khăn; kinh phí Trung ương giải ngân chậm, không đạt 100%.

Thái Nguyên đứng thứ 4 về số người có HIV: Điểm đen cần khắc phục ảnh 3Ông Nguyễn Công Sinh - Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính phát biểu tại buổi giám sát hoạt động của Chương trình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đặc biệt, một số hướng dẫn nội dung, định mức chi, mục chi nguồn Trung ương trong chương trình mục tiêu y tế - dân số chưa thực sự phù hợp với thực tế và nhu cầu của địa phương nên khó vận dụng, dẫn đến có kinh phí, có nhu cầu nhưng không giải ngân được (Chương trình Lao, Tâm Thần, Dân số…)

Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ các tỉnh thực hiện Chương trình Mục tiêu Y tế - dân số giai đoạn 2016 – 2020. Có cơ chế chính sách phù hợp nâng cao thu nhập cho cán bộ y tế làm công tác quản lý, cán bộ y tế phường, thị trấn, y tế thôn bản...

Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục hướng dẫn thực hiện các nội dung chi hỗ trợ từ nguồn kinh phí Trung ương và địa phương trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế-dân số.

Ông Nguyễn Công Sinh - Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính, Trưởng đoàn giám sát của Bộ Y tế cho hay, giai đoạn 2016-2019, dịch bệnh không để xảy ra dịch lớn, ngành y tế của tỉnh đã hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kế hoạch và nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong Chương trình mục tiêu y tế- dân số hằng năm và trong giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, tỉnh đã đầu tư ngân sách khá lớn – điều này ít tỉnh đạt được và cần tiếp tục duy trì trong giai đoạn tới.

Trong giai đoạn tới, ông Sinh cho rằng, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục chỉ đạo các đơn vị đầu mối lồng ghép các nhiệm vụ, cộng tác viên ở tuyến xã với các chương trình chăm sóc sức khoẻ ở tuyến y tế cơ sở để làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân, ưu tiên quản lý sức khoẻ và quản lý bệnh mãn tính ở cộng đồng.

Bên cạnh đó, ngành y tế của tỉnh cần chú ý, phải có định hướng về đặc điểm tình hình, chuyển đổi cơ cấu khi tình hình dịch tễ của dịch bệnh thay đổi và đưa ra những phương hướng trong giai đoạn 2021-2015./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục