Thái Nguyên lần đầu áp dụng thành công kỹ thuật ECMO cứu người bệnh

Thái Nguyên: Lần đầu áp dụng thành công kỹ thuật cao ECMO cứu sống ngư

Bệnh nhân đã kết thúc ECMO sau 7 ngày điều trị và rút ống nội khí quản vào ngày thứ 8; hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, không cần thở oxy, nói chuyện và sinh hoạt bình thường.
Thái Nguyên: Lần đầu áp dụng thành công kỹ thuật cao ECMO cứu sống ngư ảnh 1Bác sỹ Chuyên khoa I Phạm Văn Khang, Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân TVD sau khi hồi phục. (Ảnh: TTXVN phát)

ECMO là kỹ thuật cao nhất trong chuyên ngành hồi sức cấp cứu người bệnh và phương pháp này lần đầu tiên được đội ngũ bác sỹ của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên áp dụng thành công ở một bệnh nhân.

Đó là bệnh nhân T.V.D sinh năm 1999, trú tại xã Phúc Tân, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Bệnh nhân khi ở nhà có biểu hiện đau bụng, sốt cao theo từng cơn, đau tức ngực trái và khó thở. Sau khi điều trị tại Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên, bệnh nhân đã được chuyển sang Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên từ ngày 10/8 vừa qua trong tình trạng suy hô hấp, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, nhịp tim chậm với tần số 30 lần/phút, bụng chướng nhiều.

Các bác sỹ đã chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi ARDS, viêm cơ tim cấp và viêm túi mật hoại tử, tiên lượng rất xấu.

Với tinh thần khẩn trương, quyết tâm cứu sống người bệnh, các bác sỹ thuộc Khoa Hồi sức Tích cực chống độc, Khoa Nội tim mạch, Khoa Ngoại tiêu hóa gan mật, Khoa Gây mê hồi sức… đã tiến hành hội chẩn để đưa ra phương án xử lý cấp cứu và điều trị tối ưu nhất. Theo đó, bệnh nhân đã được đặt nội khí quản, thở máy, dùng kháng sinh, duy trì thuốc trợ tim vận mạch, đặt máy tạo nhịp tạm thời cấp cứu vì nhịp tim của bệnh nhân quá chậm, sau đó tiến hành mổ cấp cứu cắt túi mật hoại tử và đặt dẫn lưu ổ bụng.

[Công bố Quyết định xếp hạng đối với Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên]

Tình trạng bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn nặng. Các bác sỹ đã tiến hành lọc máu liên tục, đặt huyết áp động mạch xâm lấn. Tuy nhiên, sau 2 ngày, tình trạng phổi của bệnh nhân diễn biến xấu hơn, không đáp ứng với thở máy. Các bác sỹ đã chỉ định dùng hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO) cho bệnh nhân.

Kết quả sau 5 ngày sử dụng ECMO và 6 lần lọc máu liên tục cùng nhiều biện pháp hồi sức khác, tình trạng bệnh nhân đã được cải thiện rõ rệt. Bệnh nhân đã kết thúc ECMO sau 7 ngày điều trị và rút ống nội khí quản vào ngày thứ 8. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, không cần thở oxy, nói chuyện và sinh hoạt bình thường.

Bác sỹ Chuyên khoa I Phạm Văn Khang, Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, là người trực tiếp thực hiện kỹ thuật ECMO cho bệnh nhân chia sẻ: “Trong thời gian chống dịch tại tỉnh Long An, chúng tôi đã thực hiện thành công kỹ thuật ECMO để cứu sống người bệnh mắc COVID-19. Tại tỉnh Thái Nguyên, đây là ca bệnh đầu tiên áp dụng kỹ thuật này và đã thành công.”

Áp dụng kỹ thuật ECMO vào quá trình điều trị bệnh nhân không đơn giản, đòi hỏi đội ngũ bác sỹ cần có hiểu biết sâu sắc về bệnh học và nhạy bén trong xử lý các tình huống, mới có thể đưa ra các quyết định đúng, kịp thời. Hơn nữa, kỹ thuật này phải tiến hành ở nơi có điều kiện đồng bộ về máy móc, trang thiết bị và con người.

Thành công này của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã trang bị cho đội ngũ y bác sỹ thêm kiến thức chuyên môn trong sử dụng trang thiết bị hiện đại, từ đó đáp ứng các nhiệm vụ phức tạp trong quá trình điều trị người bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục