Thành phố Hồ Chí Minh: Bất ngờ xuất hiện mưa đá lúc giữa trưa

Vào đầu giờ chiều 12/6, Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện mưa dông, riêng các khu vực quận Tân Bình, Tân Phú xuất hiện mưa đá với đường kính hạt mưa khoảng 1-1,5mm, trận mưa kéo dài hơn 40 phút rồi dứt.
Thành phố Hồ Chí Minh: Bất ngờ xuất hiện mưa đá lúc giữa trưa ảnh 1Một cây xanh bật gốc trên đường Gò Dầu, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú. (Nguồn: tuoitre.vn)

Sau nhiều ngày nắng nóng oi bức, ngày 12/6, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh bất ngờ xuất hiện mưa dông kèm sấm chớp, đặc biệt tại một số khu vực còn xuất hiện hiện tượng mưa đá.

Theo các chuyên gia thời tiết, hiện tượng này không phải là hiếm trong mùa mưa tại miền Nam.

Theo ghi nhận, đầu giờ chiều 12/6, Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện mưa dông diện rộng với lưu lượng trung bình 20-30mm. Nhiệt độ dao động tại thành phố là 28-30 độ C.

Đáng chú ý, các khu vực quận Tân Bình, Tân Phú xuất hiện mưa đá với đường kính hạt mưa khoảng 1-1,5mm. Mưa kéo dài hơn 40 phút rồi dứt.

Chị Hà Huỳnh Hồng Hạnh, ngụ ở quận Bình Tân cho biết, khoảng 14 giờ chị thấy trời tối đen, có tiếng sấm chớp nên nghĩ là sắp mưa dông.

Nhưng ngay sau đó chị nghe tiếng lộp độp lớn rơi trên mái nhà nên mở cửa ra xem thì phát hiện đang có mưa đá. Viên đá khoảng 0,5cm, mưa đá tại khu vực chị ở kéo dài khoảng 5-7 phút thì dừng.

[Từ 13-15/6, vùng núi Bắc Bộ đề phòng lũ quét, sạt lở đất]

Tại đường Gò Dầu, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, một cây xanh bật gốc đổ ra đường. May mắn cây trên không đổ trúng người đi đường. Khu vực này cũng xuất hiện mưa đá, đa số các hạt như nước đá có kích thước nhỏ hơn đầu ngón tay út.

Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, việc xuất hiện mưa dông sau nhiều ngày nắng nóng là do mây dông phát triển mạnh, gây mưa rào kèm dông lốc ở hầu hết địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là tại huyện Bình Chánh và quận Bình Tân, quận 10, quận 8, quận 5 cùng nhiều tỉnh, thành khác ở Nam Bộ như Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu…

Chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan nhận định, hiện tượng mưa đá trong mùa mưa không quá hiếm ở Nam Bộ; mùa mưa những năm trước đều xảy ra hiện tượng này.

Lý giải nguyên nhân, bà Lê Thị Xuân Lan cho biết, chủ yếu là do mây đối lưu phát triển mạnh; hơn nữa, tuần qua, Nam Bộ liên tiếp nhiều ngày nắng oi, mưa muộn nên gây ra hiện tượng mây đối lưu nhiệt.

“Độ dày của mây đối lưu phát triển lên cao đến 5-6km, khi lên càng cao, ổ mây càng lạnh. Các hạt nước trong đám mây đến đỉnh sẽ đông thành nước đá. Hạt đá di chuyển lên-xuống trong đám mây cho đến khi đạt độ lớn đủ để thắng được lực trọng trường thì rơi xuống đất. Các hạt rơi từ chân mây xuống đất chính là mưa đá,” bà Lan giải thích.

Dự báo đêm 12/6 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Nam Bộ có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to; đêm có mưa rào và giông vài nơi. Gió Tây Nam cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, nhiều nơi có mưa đá và gió giật mạnh, người dân hạn chế ra ngoài đường khi mưa.

Về thời tiết trong vài ngày tới, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết chủ đạo vẫn là mây thay đổi, ngày nắng nóng. Chiều tối có mưa rào và giông vài nơi, có nơi mưa vừa, mưa to. Trong cơn giông cần đề phòng sét, mưa đá, gió giật mạnh và lốc xoáy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục