Thành phố Hồ Chí Minh: Rác thải xả tràn lan, chưa có chế tài xử lý

Rác thải bị vứt bừa bãi không đúng quy định ở những nơi không có đơn vị quét dọn, thu gom thường xuyên hoặc quét dọn không xuể chiếm khối lượng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Thành phố Hồ Chí Minh: Rác thải xả tràn lan, chưa có chế tài xử lý ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Việc xả rác bừa bãi ở nơi công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, làm mất mỹ quan đô thị và là một trong những nguyên nhân gây tắc cống, ngập nước mỗi khi mưa lớn.

Rác thải tràn lan trên nhiều tuyến đường

Hiện nay, mỗi ngày, Thành phố Hồ Chí Minh thu gom, vận chuyển và xử lý gần 9.000 tấn rác thải sinh hoạt. Đây là lượng rác thải để đúng nơi quy định, có lực lượng thu gom thường xuyên.

Bên cạnh đó, rác thải bị vứt bừa bãi không đúng quy định ở những nơi không có đơn vị quét dọn, thu gom thường xuyên hoặc quét dọn không xuể cũng chiếm khối lượng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đời sống người dân.

Dễ dàng nhận thấy rác thải được vứt một cách vô tội vạ ở nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố. Đường Lý Thái Tổ đoạn từ đường 3 tháng 2 đến vòng xoay Ngã sáu cộng hòa có rất nhiều rác thải trên mặt đường và trên vỉa hè. Mỗi khi có gió lớn, rác thải bay tứ tung và tấp vào nhà dân hai bên đường.

Đáng chú ý, khu vực phía trước cổng Bệnh viện Nhi đồng 1 có nhiều rác thải, phần lớn là túi nilon, ly nhựa, hộp xốp đựng thực phẩm do thân nhân người bệnh vứt lại.

[TPHCM tổ chức ngày hội thu hồi, tái chế rác thải điện tử nguy hại]

Tương tự, các tuyến đường tập trung nhiều cửa hàng kinh doanh ở Quận 10, Quận 11 như Hòa Hảo, Bà Hạt, Nhật Tảo, Tạ Uyên, Hà Tôn Quyền, Phó Cơ Điểu, Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt cũng có nhiều rác thải do người dân hoặc các cửa hàng kinh doanh vứt ra đường, nhiều nơi rác thải bị gió thổi gom lại thành cụm nhỏ dưới lề đường.

Tại các tuyến đường lớn như Điện Biên Phủ, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Nguyễn Tri Phương, Trần Phú, rác thải cũng bị vứt đầy dưới lòng đường và trên vỉa hè.

Chị Dương Thị Hồng Nga, nhân viên vệ sinh Công ty Dịch vụ Công ích Quận 1, cho biết một số tuyến đường trên địa bàn quận có nhiều rác thải do người dân vứt ra đường, nhiều lúc chị vừa quét xong một đoạn đường, khi quay trở lại để lấy dụng cụ người dân đã xả rác ra khu vực vừa được quét sạch sẽ. Việc vứt rác bừa bãi như vậy là do thói quen của người dân, nếu được tuyên truyền và xử lý nghiêm hành vi xả rác sẽ hạn chế được tình trạng này.

Theo đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, công ty bố trí công nhân quét rác 2 lần mỗi ngày tại quận Bình Tân và Tân Phú.

Các công nhân này thường phải làm quá giờ để dọn lượng rác thải lớn bị vứt bừa bãi ra đường. Bên cạnh đó, công ty cũng phải bố trí thêm công nhân dọn rác ngoài thời gian quét rác quy định bởi lượng rác thải bị vứt ra đường quá nhiều.

Thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp

Giáo sư-tiến sỹ khoa học Lê Huy Bá, giảng viên Viện Khoa học công nghệ và Quản lý Môi trường, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tình trạng rác thải được xả một cách bừa bãi như hiện nay phần lớn là do ý thức của người dân. Ý thức kém cùng với thói quen tùy tiện nên nơi nào cũng trở thành nơi có thể xả rác.

Việc xả rác xuống kênh, rạch hoặc đổ trộm rác thải ở những khu vực không có đơn vị thu gom, xử lý khiến rác thải càng gây ô nhiễm môi trường và tắc nghẽn dòng nước. Bên cạnh đó, các chế tài phát hiện và xử lý hành vi xả rác bừa bãi của cơ quan chức năng, các địa phương chưa chặt chẽ khiến việc xả rác bừa bãi càng trở nên trầm trọng.

Giáo sư-tiến sỹ khoa học Lê Huy Bá đề xuất điều cần thiết là tăng cường các hoạt động tuyên truyền có hiệu quả để nâng cao ý thức vệ sinh môi trường cho người dân, làm cho mọi người hiểu rằng hành vi xả rác là trái với quy định pháp luật và cần siết chặt các chế tài, công tác xử lý đối với hành vi này.

Việc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xả rác đã được quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, hạn chế nên chưa cải thiện được tình hình vi phạm về vệ sinh nơi công cộng.

Nhằm xử lý triệt để tình trạng xả rác bừa bãi, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đoàn thể, chính quyền cơ sở tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định cho người dân.

Sở cũng đã tổ chức tập huấn, phổ biến quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó có hành vi xả rác nơi công cộng cho cán bộ các quận, huyện, phường, xã trên địa bàn thành phố.

Để có căn cứ xử lý hành vi vi phạm về môi trường, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang lắp đặt thêm hệ thống camera ở các khu vực công cộng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Sở đã gửi văn bản đến các cơ quan chức năng nhằm lấy ý kiến góp ý về giải pháp tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng.

Bên cạnh đó, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính vệ sinh nơi công cộng cho Đội Quản lý trật tự đô thị và Đội Thanh tra xây dựng trên các địa bàn, cho phép các đơn vị được sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera an ninh, camera giao thông để lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục