Thầy cô “chấm điểm” đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia 2018

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố đề thi tham khảo kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Các giáo viên đã có những nhận định, đánh giá về đề thi, nhằm giúp học sinh có định hướng ôn tập tốt hơn.
Thầy cô “chấm điểm” đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia 2018 ảnh 1(Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN)

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 sẽ diễn ra vào tháng Sáu tới. Các giáo viên đã có những nhận định, đánh giá về đề thi, nhằm giúp học sinh có định hướng ôn tập tốt hơn.

Môn Toán: 40% câu hỏi khó và rất khó

Nhận xét về đề thi minh họa, thầy Nguyễn Quốc Chí, giáo viên có rất nhiều năm luyện thi của Hệ thống giáo dục trực tuyến tuyensinh247.com, cho rằng, đề thi không chỉ có bài tập vận dụng mà còn có rất nhiều câu hỏi lý thuyết và cả ứng dụng thực tế. Điều này đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức và có hiểu biết rộng. 

Nội dung thi đều được chia đều, hỏi rất chi tiết, sâu sắc với nhiều ý tưởng lẫn kiến thức khác nhau. Đề có mở rộng nội dung lớp 11 nhưng kiến thức chính vẫn là chương trình lớp 12.

Đề thi có tính phân hóa cao với 30% câu hỏi khó và 10% câu hỏi rất khó. Phân hóa mức độ rõ ràng như vậy nên có thể đánh giá được đúng năng lực của từng học sinh. 

Những câu mang tính chất vận dụng cao có thể rơi bất kỳ vào một mảng kiến thức nào nên đòi hỏi học sinh phải ôn tập rất kỹ và sâu.

[Lộ trình chính thức về các kỳ thi THPT, tuyển sinh đại học từ 2018]

Thầy Chí cho rằng, để có thể làm tốt đề thi năm nay, học sinh cần phải nắm chắc kiến thức cả lớp 11 và 12. Ngoài ra, học sinh phải thật bình tĩnh, suy nghĩ sáng suốt khi làm bài, không được để bản thân quá áp lực dẫn đến việc làm bài không tốt.

Môn Lịch sử: Chương trình lớp 12 chiếm 70%

Là một giáo viên lịch sử với nhiều năm kinh nghiệm, cô giáo Lê Thị Thu, giáo viên trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành nhận định đề thi minh họa môn Lịch sử vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố là một đề hay, khoa học. Đề thi bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, nhằm phân loại chất lượng học sinh. 

Đề gồm 40 câu hỏi, chủ yếu tập trung ở chương trình lớp 12 với 32 câu, chiếm 80%. Chương trình lớp 11 có 8 câu, chiếm 20%. Nội dung phần lịch sử thế giới có 12 câu, chiếm 30%. Lịch sử Việt Nam có 28 câu, chiếm 70%.

Cô Thu cho biết, năm 2017, đề thi nằm trọn trong chương trình lớp 12, nhưng năm nay lại mở rộng sang lớp 11 nên rất nhiều học sinh lo lắng liệu đề thi có khó không, nội dung thi được đặt trọng tâm vào phần kiến thức nào.

Tuy nhiên, với đề thi minh họa này đã giúp các em bớt hoang mang và đề ra chiến thuật ôn thi khoa học, hợp lý nhất. Kiến thức lớp 11 của đề tương đối cơ bản, chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản thì học sinh sẽ giải quyết dễ dàng. 

Thầy cô “chấm điểm” đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia 2018 ảnh 2Học sinh ôn lại bài trước khi bước vào phòng thi (Ảnh: TTXVN)

Môn Văn: Cấu trúc đề thi không đổi

Nhận xét về đề thi minh họa môn Ngữ văn, cô Phạm Thu Phương, giáo viên trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành cho rằng, tuy có mở rộng chương trình sang lớp 11 nhưng về cơ bản, cấu trúc đề thi môn Ngữ văn không khác các năm trước. 

Đề gồm hai phần là đọc hiểu và làm văn. Phần đọc hiểu chiếm 30%, phần làm văn chiếm 70% tổng số điểm bài thi.

Cũng tương tự như đề thi các năm trước đó, phần đọc hiểu sẽ được dẫn một ngữ liệu thuộc lĩnh vực xã hội và có 4 câu hỏi đi kèm theo từng mức độ, từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Ngữ liệu với các câu hỏi trong đề vừa sức với học sinh. 

Đối với câu hỏi số 1 của phần này, học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức về các phương thức biểu đạt là có thể đưa ra câu trả lời chính xác. Với câu hỏi số 2, số 3, học sinh cần đọc kỹ lại thông tin trong bài ngữ liệu để tìm câu trả lời.

Riêng câu hỏi 4, các em có thể đưa ra những suy nghĩ riêng của mình nhưng cần phù hợp với những chuẩn mực đạo đức, pháp luật.

Phần làm văn bao gồm có 2 câu hỏi.

Một là câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận xã hội được rút ra từ ngữ liệu của phần đọc hiểu, với dung lượng 200 chữ (không quá một mặt giấy A4), chiếm 20% tổng điểm phần làm văn.

Vấn đề nghị luận thường gần gũi và thiết thực với học sinh, yêu cầu học sinh có những hiểu biết sâu rộng về vấn đề nghị luận, cần biết kết hợp các thao tác lập luận để tạo lập văn bản. 

Câu hỏi còn lại của phần làm văn là câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận văn học, chiếm 50% trên tổng số điểm bài thi. Tuy nhiên, so với các đề năm trước, đề nghị luận văn học năm nay đã có thêm kiến thức lớp 11.

Kiến thức lớp 11 chiếm 30% trong câu nghị luận văn.

Cô Phương cho rằng, xét về mức độ, so với đề thi năm trước, đề nghị luận ở đề thi minh họa năm nay khó hơn.

[Bộ Giáo dục công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia 2018]

Học sinh muốn làm tốt đề này không chỉ cần nắm vững những kiến thức cơ bản, thành thạo kỹ năng tạo lập văn bản nghị luận văn học mà còn cần phải tư duy tổng hợp để bài viết chính xác và phong phú. 

Với một kết cấu đề như vậy, cô Phương cho rằng một việc quan trọng là học sinh cần phân bố thời gian hợp lý để làm bài. Thời gian luôn tỷ lệ thuận với dung lượng viết và điểm số từng câu. 

Cụ thể, với 120 phút của môn Ngữ văn, phần đọc hiểu, thí sinh cần dành 20 phút để làm bài. Câu 1 phần làm văn cần dùng 20 phút. 80 phút còn lại nên dành trọng cho câu nghị luận văn học.

“Phân bố thời gian hợp lý cũng là bí quyết để có bài thi tốt,” cô Phương nói.

Môn Hóa: Tính phân hóa chưa cao

Thầy Phạm Thanh Tùng, giáo viên Hệ thống giáo dục trực tuyến tuyensinh247.com, cho rằng đề thi môn Hóa chưa có tính phân loại cao, nhất là ở mảng lý thuyết.

“Cơ cấu đề thi minh họa cho thấy mức câu hỏi dễ chiếm 50% của đề. Những câu hỏi này, học sinh không phải suy nghĩ quá nhiều để tìm ra đáp án. Mức độ câu khó để phân loại học sinh có khoảng 8 câu cuối của đề, chiếm 20%. Khoảng 30% câu hỏi còn lại là mức độ trung bình khá,” thầy Hùng nhận định.

Xét về kết cấu nội dung, đề thi phân bố đều vào các phần, tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12. Phần hóa vô cơ chiếm 55%, phần hóa học hữu cơ chiếm khoảng 45%.

Với đề minh họa như vậy, thầy Tùng cho rằng học sinh cần học chắc và bám sát kiến thức trong sách giáo khoa Hoá học lớp 12, chương trình cơ bản. Trong quá trình học kiến thức Hóa học lớp 12, nếu phần kiến thức nào cần sử dụng kiến thức thuộc chương trình hóa học lớp 11 thì cần chủ động xem lại các phần kiến thức thuộc lớp 11.

"Để đạt điểm tối đa, học sinh cần lưu ý đến một số dạng câu hỏi khó hoặc câu hỏi gây tranh cãi như: dạng bài đếm phát biểu đúng sai, dạng bài về giá trị gần đúng nhất, dạng bài về thí nghiệm thực hành, dạng bài liên quan đến thực tế cuộc sống," thầy Tùng chia sẻ./.

Đánh giá của học sinh, giáo viên về đề thi minh họa. (Nguồn: VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục