Thế giới có thể bỏ lỡ mục tiêu khí hậu về rừng vào năm 2030

Theo các chuyên gia, không thể giới hạn nhiệt độ trung bình của Trái Đất chỉ tăng thêm 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp nếu con người không chấm dứt được nạn chặt phá rừng.
Thế giới có thể bỏ lỡ mục tiêu khí hậu về rừng vào năm 2030 ảnh 1Một khoảng rừng nhiệt đới Amazon ở bang Rondonia, Brazil bị tàn phá ngày 15/9/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo một đánh giá mới đây của giới khoa học, nạn phá rừng trên toàn cầu đã có dấu hiệu chững lại trong năm 2021, song thế giới vẫn có nguy cơ bỏ lỡ mục tiêu khí hậu quan trọng này vào năm 2030 nếu không tiếp tục hành động khẩn cấp.

Đánh giá do tổ chức tư vấn quốc tế Climate Focus thực hiện và công bố ngày 24/10.

Thống kê cho thấy diện tích rừng bị con người tàn phá trong năm 2021 đã giảm 6,3% sau khi một số quốc gia, đặc biệt là Indonesia, đã ghi nhận tiến bộ trong việc ngăn chặn nạn chặt phá rừng.

Tuy nhiên, gần 7 triệu ha rừng đã bị mất đi và tình trạng phá hoại các khu rừng mưa nhiệt đới, vốn sở hữu hệ sinh thái đa dạng và có khả năng hấp thụ nhiều khí CO2 nhất, chỉ giảm 3%.

Lượng khí CO2 không được hấp thu do các cây bị chặt phá tương đương với lượng khí phát thải của cả Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản cộng lại.

Theo các chuyên gia, không thể giới hạn nhiệt độ trung bình của Trái Đất chỉ tăng thêm 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp nếu con người không chấm dứt được nạn chặt phá rừng.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở Glasgow (Anh) năm ngoái, 145 quốc gia đã cam kết ngăn chặn nạn phá rừng vào cuối thập niên này.

Tình trạng rừng bị phá và suy thoái là nguyên nhân gây ra khoảng 10% lượng khí thải carbon toàn cầu.

Các chuyên gia đánh giá rằng dựa trên các xu hướng hiện nay, tuyên bố của các nhà lãnh đạo tại COP26 về việc chấm dứt nạn phá rừng  sẽ "vô nghĩa" giống như cam kết mà các nước đưa ra tại COP20 về việc xóa sổ nạn phá rừng đến năm 2020.

Lý giải cho điều này, các nhà khoa học nhấn mạnh có rất ít sự rõ ràng hoặc minh bạch trong các biện pháp được triển khai để ngăn chặn nạn phá rừng trong khi ngân sách được cấp để thực hiện chủ trương này chỉ ở mức 1% tổng chi phí cần thiết.

[LHQ kêu gọi các nước đề ra những mục tiêu khí hậu tham vọng hơn]

Theo bà Erin Matson thuộc tổ chức Climate Focus, nỗ lực ngăn chặn nạn phá rừng chỉ ở mức khiêm tốn, thậm chí chỉ là tạm thời. Nhiều nước còn loại bỏ dần hoặc rút lại các biện pháp bảo vệ rừng.

Bản đánh giá cũng chỉ rõ quốc gia có diện tích rừng bị tàn phá lớn nhất trong năm 2021 là Brazil khi chính phủ của Tổng thống Jair Bolsonaro thúc đẩy mạnh mẽ chính sách phát triển kinh tế.

Trong khi đó, bà Fran Price, thuộc Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), cảnh báo không có cách nào để đạt được mục tiêu về mức tăng 1,5 độ C hoặc đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học mà không ngăn chặn nạn chặt phá rừng và chuyển đổi rừng.

Theo bà, đã đến lúc cần có sự lãnh đạo táo bạo với những giải pháp táo bạo.

Thống kê của các nhà khoa học cho thấy tại 4 trong số 5 quốc gia có diện tích phá rừng lớn nhất - Brazil, Bolivia, Cộng hòa Dân chủ Congo và Paraguay, nạn phá rừng đã gia tăng vào năm 2021. Tuy nhiên, những tiến bộ hiếm hoi được ghi nhận tại một số nước cho thấy mục tiêu ngăn chặn nạn phá rừng vào năm 2030 vẫn có thể thực hiện được.

Tại Indonesia, quốc gia duy nhất giảm được diện tích rừng bị phá hằng năm trong suốt 5 năm qua, và nước láng giềng Malaysia, diện tích rừng bị phá đã giảm khoảng 25% vào năm 2021.

Do đó, châu Á nhiệt đới là khu vực duy nhất đang trên đà đạt mục tiêu xóa sổ nạn phá rừng vào năm 2030.

Nỗ lực ngăn chặn nạn chặt phá rừng để trồng cacao ở Côte d'Ivoire và Ghana đã giúp tỷ lệ rừng bị phá ở hai nước này lần lượt giảm 47% và 13%, trong khi các vườn quốc gia mới và các biện pháp chống khai thác rừng trái phép đã giúp Gabon giảm 28% diện tích rừng bị phá.

Khu vực Mỹ Latinh nhiệt đới, Mexico, Venezuela, Colombia và Guatemala cũng báo cáo tình trạng chặt phá rừng giảm trong năm 2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục