Thông cáo báo chí số 14, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Theo Chương trình, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và đây là ngày chất vấn đầu tiên của Quốc hội tại kỳ họp.
Thông cáo báo chí số 14, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV ảnh 1Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực y tế. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Thứ Tư, ngày 10/11/2021, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 3, Đợt 2 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Theo Chương trình, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và đây là ngày chất vấn đầu tiên của Quốc hội tại kỳ họp.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi.

Buổi sáng, Quốc hội nghe Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu mở đầu phiên chất vấn.

Sau đó, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực y tế.

[Chủ tịch Quốc hội: Các đại biểu thẳng thắn, đi đến cùng các vấn đề]

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, Công an, Tài chính cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Trong quá trình chất vấn, đã có 32 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 6 đại biểu tranh luận; trong đó, các đại biểu tập trung chất vấn về những vấn đề sau: công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua và chiến lược phòng, chống dịch, chiến lược vaccine trong thời gian tới; nguyên nhân để dịch COVID-19 bùng phát đợt 4 gây tổn thất nặng nề; trách nhiệm tham mưu của Bộ Y tế trong công tác dự báo, tham mưu các kịch bản, phương án thích ứng với diễn biến tình hình dịch, việc triển khai chiến lược vaccine, nguyên tắc phân bổ công bằng vaccine, các ý kiến liên quan đến rủi ro tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi; công tác quản lý giá xét nghiệm COVID-19.

Các đại biểu cũng chất vấn về tình trạng lợi ích nhóm trong hoạt động nhập khẩu bộ kit test xét nghiệm; thời điểm vaccine trong nước được cấp phép và đưa vào sử dụng; việc kết hợp áp dụng y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị COVID-19.

Chế độ, chính sách, công tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực ngành y tế, nhất là nhân lực chất lượng cao; tình trạng chảy máu nguồn nhân lực y tế do áp lực công việc cũng như chế độ, chính sách chưa được phù hợp.

Đánh giá việc khám, điều trị của đội ngũ y, bác sỹ khu vực công, khi đồng thời tham gia hành nghề tại khu vực tư; giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến và các vùng miền, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa; lộ trình thông tuyến khám, chữa bệnh chất lượng, khám sàng lọc, giải pháp nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng; việc phân cấp, quản lý đối với hệ thống trung tâm y tế cấp huyện, cấp xã.

Các giải pháp nâng cao năng lực quản trị của người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là những bác sỹ chuyển từ hoạt động chuyên môn thuần túy sang làm công tác quản lý.

Thông cáo báo chí số 14, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV ảnh 2Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Các đại biểu còn chất vấn về chủ trương xã hội hóa lĩnh vực y tế; trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc xảy ra các sai phạm trong ngành y tế; các giải pháp để triển khai thực hiện đồng bộ Nghị quyết của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 và Quyết định của Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế.

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục nghe Bộ trưởng Bộ Y tế và các thành viên Chính phủ có liên quan trả lời chất vấn.

Sau đó, Quốc hội nghe Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực y tế và cho biết Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về vấn đề chất vấn, đưa ra những mục tiêu, yêu cầu thời hạn để Chính phủ, Bộ trưởng và các Bộ, ngành liên quan triển khai, các cơ quan của Quốc hội giám sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cử tri và nhân dân theo dõi, đánh giá việc thực hiện.

Quốc hội ghi nhận đánh giá cao và biểu dương lực lượng y tế, những chiến sỹ áo trắng cùng với các lực lượng tuyến đầu trong suốt gần 2 năm qua, đặc biệt trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, không quản ngại gian khổ và hy sinh, đã cùng với toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là các lực lượng tuyến đầu cống hiến hết mình cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe và tính mạng của Nhân dân.

Đồng thời đề nghị Bộ Y tế sớm tham mưu cho Chính phủ ban hành Chiến lược tổng thể về kiểm soát dịnh COVID-19 trong điều kiện thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả và linh hoạt đối với dịch bệnh, không để xảy ra vấn đề bị động, lúng túng, bất ngờ trên cơ sở nâng cao năng lực phân tích, đánh giá, dự báo và xây dựng các kịch bản, phương án đối phó phù hợp...

Sau đó, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công an tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung chất vấn về những nội dung sau: công tác bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng trẻ mồ côi do tác động của dịch COVID-19; bất cập trong chính sách hỗ trợ đối với nghệ sỹ, diễn viên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Các đại biểu chất vấn về hiệu quả, mức độ tiếp cận đối với các chính sách đã triển khai và các chính sách trong thời gian tới để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; tình trạng “phát nhầm” và “nhận nhầm” tiền hỗ trợ tại một số địa phương.

Đồng thời, giải pháp đào tạo nghề, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động; chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc; tình hình dự báo, liên kết thị trường lao động; chính sách thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần; giải pháp hỗ trợ tạo việc làm cho lao động nữ, lao động khuyết tật trong thời gian tới... cũng là những vấn đề đại biểu quan tâm.

Các đại biểu còn tập trung chất vấn đề vấn đề điều chỉnh lương hưu đối với những người nghỉ hưu trước năm 1995; thực trạng, giải pháp cho vấn đề xâm hại trẻ em; việc giải quyết quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi hết kết dư.

Áp dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý các gói hỗ trợ cho người lao động; chính sách hỗ trợ đối tượng yếu thế; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện cứu trợ, thiện nguyện bảo đảm đúng chế độ, chính sách…

Theo chương trình, thứ Năm, ngày 11/11/2021, Quốc hội sẽ tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn về 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo; kế hoạch và đầu tư.

Phiên chất vấn được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục