Thực hiện đồng bộ các giải pháp cho mục tiêu miễn dịch cộng đồng

Bộ Chính trị, Chính phủ, Bộ Y tế cùng các bộ, ngành liên quan, các tổ chức... cùng đồng lòng thực hiện nhiều biện pháp nhằm sớm có nguồn vaccine chất lượng để sử dụng rộng rãi nhất cho người dân.
(Ảnh: TTXVN phát)
(Ảnh: TTXVN phát)

Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, cùng với thực hiện 5K và các biện pháp: phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị, việc có vaccine để thực hiện bao phủ tiêm chủng cho người dân là giải pháp cực kỳ quan trọng giúp chống dịch hiệu quả; nhanh chóng đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.

Vì vậy, Bộ Chính trị, Chính phủ, Bộ Y tế cùng các bộ, ngành liên quan, các tổ chức, cá nhân... đã cùng đồng lòng thực hiện nhiều biện pháp nhằm sớm có nguồn vaccine đảm bảo chất lượng để sử dụng rộng rãi nhất cho người dân.

Nỗ lực tạo nguồn vaccine

Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam (từ tháng 2/2020) đến nay, nước ta đang trong làn sóng lây nhiễm thứ 4 (bắt đầu từ ngày 27/4/2021). Làn sóng này được đánh giá là dài ngày nhất, gây ảnh hưởng nặng nề nhất, với số ca nhiễm mới hiện lên tới hơn 233.000 ca.

Ngay từ khi dịch bùng phát, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đã sớm dự báo, chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống dịch, trong đó có triển khai chiến lược vaccine với 3 nội dung lớn: Tiếp cận và mua vaccine nhiều nhất, nhanh nhất có thể; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine trong nước; thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí cho người dân trên diện rộng, để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng, từ đó ngăn chặn việc lây lan nhanh chóng của SARS-CoV-2.

Cả 3 nội dung đều được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, có tính thống nhất cao trong ý chí, hành động, tạo được sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện 6 loại vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 gồm: vaccine Astra Zeneca, vaccine Sputnik, vaccine Pfizer, vaccine Vero Cell, vaccine Spikevax (tên khác là COVID-19 Vaccine Moderna) và Vaccine Janssen.

Để có được nguồn vaccine nhanh chóng với số lượng lớn, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành liên quan cùng hơn 90 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã cùng triển khai mạnh mẽ công tác “ngoại giao vaccine” để vận động các đối tác, các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ và tạo điều kiện cho Việt Nam mua vaccine phòng COVID-19.

[Hơn 13,2 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm tại Việt Nam]

Kết quả, cho đến nay, các nước, các tổ chức quốc tế và các đối tác đã cam kết cung ứng cho Việt Nam 150 triệu liều vaccine thông qua đàm phán mua và viện trợ. Theo thống kê của Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế, cơ chế COVAX tài trợ cho Việt Nam 38,9 triệu liều; Nhật Bản viện trợ 2 triệu liều; Trung Quốc đã viện trợ 500.000 liều và sẽ xem xét viện trợ thêm trong thời gian tới; Nga đã tặng 1.000 liều vaccine Spunik và đồng ý cung cấp cho Việt Nam tối đa 20 triệu liều trong năm 2021.

Việt Nam cũng đã ký hợp đồng mua 31 triệu liều Pfizer; Công ty cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC) đã ký hợp đồng đặt mua 30 triệu liều vaccine với Astra Zeneca; 5 triệu liều được Moderna ủy quyền cho Công ty Zuellig Pharma ký kết với các đơn vị tại Việt Nam… Ngoài ra, Cuba, Anh, Đức, Australia, Ấn Độ và một số nước khác cũng có những cam kết cụ thể với Việt Nam.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp cho mục tiêu miễn dịch cộng đồng ảnh 1Tiếp nhận 1,5 triệu liều vaccine Moderna phòng COVID-19 hôm 25/7. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ tháng 2 đến ngày 6/8, Việt Nam đã tiếp nhận và phân bổ hơn 19,3 triệu liều vaccine COVID-19. Trong đó, có gần 12 triệu liều vaccine của AstraZeneca được cung ứng từ ba nguồn, gồm: Hợp đồng đặt mua của VNVC, viện trợ giữa Chính phủ các nước và Cơ chế Covax. Số vaccine này chiếm 64% tổng nguồn cung vaccine trên cả nước.

Để có nguồn tài chính cho việc mua vaccine, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nguồn kinh phí dự kiến mua và tiêm vaccine phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người là khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng, trong đó 21 nghìn tỷ đồng để mua vaccine; 4,2 nghìn tỷ đồng để vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm.

Bên cạnh đó, Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19 đã được thành lập. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đến người dân... đều đồng lòng bằng mọi hình thức đóng góp vào quỹ.

Tính đến 17h ngày 11/8, Quỹ đã tiếp nhận được hơn 8,5 nghìn tỷ đồng. Việc ủng hộ cho Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19 là dịp khơi dậy lòng yêu nước. Mỗi đóng góp dù nhỏ nhất cũng giúp toàn thể người dân Việt Nam sớm tiếp cận được với nguồn vaccine chất lượng cao. Bởi ai ai cũng hiểu rằng, giờ đây việc phòng, chống đại dịch COVID-19 không chỉ là của Chính phủ còn là trách nhiệm của toàn dân.

Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vaccine trong nước

Bên cạnh việc đẩy mạnh vận động viện trợ, đàm phán mua vaccine từ bên ngoài, Việt Nam cũng tập trung tìm kiếm các cơ hội hợp tác, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine nhằm đảm bảo nguồn cung lâu dài trong nước, tiến tới khả năng có thể tự chủ vaccine phòng COVID-19.

Hiện Việt Nam có 3 đơn vị, doanh nghiệp trong nước đã ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ liên quan đến vaccine phòng COVID-19 với các đối tác của Nga, Mỹ, Nhật Bản. Các đơn vị, doanh nghiệp đang trong quá trình sản xuất, thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam, nếu thuận lợi từ cuối năm 2021 sẽ bắt đầu sản xuất.

Đối với vaccine nội địa, hiện có hai ứng viên đang thử nghiệm lâm sàng gồm: Vaccine Nanocovax của Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen và vaccine Covivac của Viện Vaccine và sinh phẩm y tế Nha Trang.

Trong đó, vaccine Nanocovax hiện là vaccine tiềm năng nhất tại Việt Nam. Nanocovax  được sản xuất theo công nghệ protein tái tổ hợp. Đây là công nghệ được sử dụng trong sản xuất nhiều loại vaccine cúm khác trên thế giới. Hiện Nanocovax đang triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên 13.000 tình nguyện viên theo 2 pha 3a va 3b.

Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, ngày 2/8, Công ty Nanogen báo cáo kết quả phân tích mẫu máu ngày thứ 42 của 1.000 tình nguyện viên pha 3a cho thấy, 100% người tiêm vaccine Nanocovax có kháng thể trung hòa Surrogate trên ngưỡng 30%; 99.2% đối tượng chuyển đổi huyết thanh của kháng thể IgG kháng Protein S gấp 4 lần.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp cho mục tiêu miễn dịch cộng đồng ảnh 2Việt Nam thử nghiệm lâm sàng vaccine NANO COVAX phòng COVID-19. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Hiện tại, vaccine Nanocovax đang hoàn tất mũi 2 cho 12.000 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng pha 3b dự kiến hoàn tất trước ngày 15/8.

Hội đồng đạo đức đã thống nhất nghiệm thu kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, giữa giai đoạn 2 vaccine Nanocovax. Bước đầu, các chuyên gia đánh giá, vaccine an toàn, có tính sinh miễn dịch khá tốt, đặc biệt ở hàm lượng 25mcg.

Vaccine Nanocovax còn có ưu điểm khác là điều kiện bảo quản rất thuận lợi khi có thể bảo quản trong nhiệt độ tủ lạnh thông thường từ 2-8 độ C.

Trước đề nghị cấp phép sử dụng vaccine Nanocovax trong tình huống khẩn cấp của Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Y tế nghiên cứu, chỉ đạo, đề xuất theo thẩm quyền việc cấp phép và sử dụng vaccine Nanocovax theo hướng rút gọn, cắt giảm các thủ tục hành chính nhưng phải bảo đảm quy trình chặt chẽ.

Nếu vượt qua thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với kết quả tốt, được Hội đồng đạo đức quốc gia chấp thuận, Nanocovax sẽ được xem xét để cấp phép trong tình trạng khẩn cấp.

Là vaccine thứ 2 ở Việt Nam được Bộ Y tế cho phép tiêm thử nghiệm lâm sàng trên người (sau vaccine Nanocovax của Công ty Nanogen), Vaccine COVIVAC của Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC) đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.

Hiện nhóm nghiên cứu đã tiến hành khám sàng lọc, chọn ra 375 tình nguyện viên đủ điều kiện để tiến hành tiêm thử nghiệm với 2 nhóm liều 3mcg và 6 mcg và vaccine AstraZeneca (thay vì giả dược như lần 1).

Dự kiến, thời gian khám sàng lọc sẽ khoảng 6 ngày. Đến ngày 18/8 sẽ tiến hành tiêm thử nghiệm mũi 1 của giai đoạn 2 - bắt đầu thời gian nghiên cứu, dự kiến kết thúc tiêm mũi 2 vào ngày 20/9/2021.

Thời gian dự kiến gửi mẫu làm xét nghiệm miễn dịch là trong tháng 10/2021; báo cáo kết quả giữa kỳ, chọn 1 mức liều vaccine Covivac chuyển sang giai đoạn 3 vào cuối tháng 11/2021. Sáu tháng sau tiêm mũi 2 sẽ kết thúc nghiên cứu giai đoạn 2.

Trước đó, tại Bộ Y tế, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đã họp đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giữa kỳ giai đoạn 1 vaccine COVID-19 Covivac. Theo đó, vaccine này được đánh giá an toàn, dung nạp tốt, có tính sinh miễn dịch trên tất cả các liều thử nghiệm trên 120 người tình nguyện tại Trường Đại học Y Hà Nội.

Việc hai loại vaccine “Made in Việt Nam” đang từng bước vượt qua các giai đoạn thử nghiệm là một tin vui cho nỗ lực chống dịch của Việt Nam suốt gần 2 năm qua.

Việc sản xuất được vaccine trong nước sẽ giúp Việt Nam chủ động trong công tác phòng, chống dịch; góp phần giúp Chính phủ thực hiện mục tiêu  tiêm chủng cho khoảng 70% dân số, đưa nước ta đạt miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022 và hướng tới mục tiêu xa hơn là xuất khẩu vaccine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục