Tiềm năng du lịch Đền Bờ ở Hòa Bình còn bỏ ngỏ

Đến với Đền Bờ, du khách chỉ nặng phần lễ, còn phần hội hầu như chưa có hoạt động gì; trong khi còn nhiều giá trị văn hóa dân gian.
Lễ hội Đền Bờ ở tỉnh Hòa Bình được tổ chức từ ngày 7 tháng Một và kéo dài tới hết tháng Ba Âm lịch.

Từ khi khai hội đến nay, đã có hàng vạn lượt du khách hành hương tới Đền Bờ, đặc biệt vào những ngày nghỉ cuối tuần, lượng du khách tăng đột biến, tàu thuyền đậu kín các bến cảng Bích Hạ ở xã Thái Thịnh, thành phố Hòa Bình, bến Thung Nai ở xã Thung Nai, huyện Cao Phong.

Đi lễ Đền Bờ, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên giữa mênh mông sông nước, giữa những hòn đảo lớn nhỏ lô nhô, xung quanh là các bản làng của người dân tộc Mường, Dao… tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình thơ mộng, ví như một Vịnh Hạ Long trên núi.

Sự gắn kết giữa thiên nhiên và tín ngưỡng đã khiến cho bất cứ du khách nào khi hành hương đến Đền Bờ cũng dễ dàng tìm được sự bình yên, thư thái trong tâm hồn. Khi đến đây, dường như mọi lo toan của cuộc sống thường ngày tan biến hết, thay vào đó là sự tĩnh tại, thanh thản trong tâm hồn mỗi người.

Thác Bờ xưa là đoạn sông Đà chảy qua khu vực chờ Bờ, thuộc xã Hào Tráng (nay là xã Thung Nai, huyện Cao Phong và xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc). Thác Bờ xưa còn gọi là thác Vạn Bờ, được tạo bởi hàng trăm mỏm đá lớn nhỏ nhấp nhô như đàn voi khổng lồ giữa dòng sông Đà gầm thét ồn ào, sinh ra một kỳ khu hiểm lộ.

Theo sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn chép rằng: “Đường sông - tức sông Đà - thác ghềnh hiểm trở gồm 83 thác có tiếng, mà Vạn Bờ là thác nguy hiểm thứ nhất”. Khi công trình thủy Hòa Bình đắp đập ngăn dòng sông Đà, thì Thác Bờ cũng chìm sâu dưới đáy hồ.

Theo truyền thuyết dân gian, vào khoảng năm 1430-1432, vua Lê Lợi niên hiệu Thuận Thiên đem quân đi dẹp loạn giặc Đèo Cát Hãn ở Mường Lễ, Sơn La. Khi vua Lê Lợi kéo quân đến khu vực Thác Bờ thì thấy giữa dòng nước xoáy phía trước là một thác nước hiểm trở xô bọt trắng trời, với muôn vàn mỏm đá lởm chởm nên đoàn quân không thể tiến lên được.

Lúc bấy giờ ở xã Hào Tráng có cô gái người dân tộc Mường tên là Đinh Thị Vân và cô gái người dân tộc Dao (không rõ tên) ở xóm Mó Nẻ, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc đứng lên vận động trai tráng trong bản lên rừng xẻ ván, đóng thuyền độc mộc, kêu gọi nhân dân chặt nứa kết thành bè mảng, góp lương thực, thực phẩm cho nhà vua nuôi quân và chở giúp quân sỹ qua Thác Bờ đi đánh giặc. Về sau khi hai bà mất, hai bà thường hiển linh và giúp đỡ mọi người mỗi khi vượt qua thác ghềnh hiểm trở. Từ đó nhân dân đã phong cho hai bà là bà chúa Thác Bờ. Vua đã ban chiếu chỉ cho dân trong vùng lập đền thờ hai bà.

Trải qua nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính, hiện nay Đền Thác Bờ tọa lạc trên dải đất của hai huyện Đà Bắc và Cao Phong, tỉnh Hoà Bình.

Đền Thác Bờ phía tả ngạn nằm trên đỉnh đồi Hang Thần có tổng diện tích trên một hécta, thuộc xóm Phố Bờ, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc. Từ dưới bến thuyền du khách phải leo qua hơn 100 bậc sau đó theo một triền dốc thoải là vào đến khu vực đền. Qua nhiều lần trùng tu đền được xây dựng lại vào ngày 15/4/1993 với kiến trúc như hiện nay. Gồm 3 gian, mái đền bằng bêtông cốt thép, được thiết kế theo kiểu vòm cuốn. Hiện nay tại di tích này còn lưu giữ được một quả chuông đồng được đúc vào tháng Hai, năm Thành Thái thứ sáu (1895).

Đền Bờ phía hữu ngạn toạ lạc trên sườn đồi Sầm Lông, thuộc xóm Đền, xã Thung Nai, huyện Cao Phong. Trước đây Đền Thác Bờ được xây dựng, ngay dưới chân Thác Bờ với nguyên vật liệu chỉ là tranh tre, nứa lá.

Năm 1979 công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình trên Sông Đà được khởi công xây dựng. Do nước dâng cao, ngôi đền đã phải di rời lên sườn núi ngay cạnh bờ sông, qua nhiều lần tu sửa đến năm 2000, ngôi đền được nâng cấp xây dựng khang trang như hiện nay.

Đi lễ Đền Bờ xong, du khách đi tàu thăm Động Đền Bờ, một di tích đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là di tích danh thắng quốc gia từ năm 2009. Động hang nước này có chiều sâu tới hơn 100m. Lòng động gập ghềnh, nhấp nhô chỗ rộng, chỗ hẹp, nơi rộng nhất tới 20m. Đặc biệt, tạo hóa ban tặng dàn đàn đá, dàn cồng chiêng Mường với vẻ đẹp tuyệt mỹ.

Do nhiều yếu tố khách quan từ những thập niên 50 của thế kỷ trước cho đến nay, lễ hội Đền Thác Bờ chưa được chính quyền địa phương tổ chức phục dựng lại. Các chủ đền là người địa phương đứng ra huy động công đức để trùng tu, xây dựng Đền và hang động. Mấy năm gần đây, một số tư nhân nắm bắt cơ hội làm ăn, kết hợp khai thác du lịch tâm linh với du lịch sinh thái hồ Hòa Bình để đón khách.

Đến với Đền Bờ, du khách chỉ nặng phần lễ, còn phần hội hầu như chưa có hoạt động gì; trong khi các bản mường ven hồ còn tiềm ẩn nhiều giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của người Mường, người Dao bản địa vẫn chưa được kết nối thành tour du lịch.

Cũng do còn thả nổi, phó mặc cho tư nhân quản lý Đền Bờ, nên việc đầu tư, tôn tạo còn chắp vá, tùy tiện. Trông rất phản cảm khi các ông chủ đền cho xây dựng sân chơi thể thao cầu lông, tennis ngay cạnh khu vực lễ bái tôn nghiêm. Việc đưa các loại tượng Phật, thánh thần đa tôn giáo vào thờ cúng trong đền, trong động cũng làm giảm ý nghĩa của việc thờ hai bà Chúa Thác Bờ./.

Nhan Sinh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục