Tiền Giang, Long An, Đà Nẵng nỗ lực chống dịch bằng các biện pháp mạnh

Các địa phương Tiền Giang, Long An, Đà Nẵng áp dụng nhiều biện pháp mạnh hơn để phòng chống COVID-19 như giãn cách xã hội, lập chốt kiểm soát, kiểm soát ra vào thành phố.
Tiền Giang, Long An, Đà Nẵng nỗ lực chống dịch bằng các biện pháp mạnh ảnh 1Kiểm tra giấy tờ người ra vào xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Các địa phương Tiền Giang, Long An, Đà Nẵng áp dụng nhiều biện pháp mạnh hơn để phòng chống COVID-19 như giãn cách xã hội, lập chốt kiểm soát, kiểm soát ra vào thành phố.

Tiền Giang nỗ lực thu hẹp "vùng đỏ," lan tỏa "vùng xanh"

Các địa phương tiếp tục tập trung đánh giá sát tình hình, đề ra các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo mục tiêu thu hẹp “vùng đỏ,” lan tỏa “vùng xanh” là chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo diễn ra chiều 20/8.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh lưu ý trong quá trình thực hiện, lãnh đạo các địa phương cần xác định rõ tiến độ, phương pháp tiến hành lấy mẫu, các điều kiện phục vụ công tác lấy mẫu; công tác bảo vệ, mở rộng “vùng xanh.”

Bên cạnh đó, các ngành liên quan và các địa phương cần khẩn trương thực hiện công tác chi trả cho các đối tượng thuộc diện hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ; các chế độ đối với lực lượng tuyến đầu chống dịch; công tác quản lý, theo dõi F1, quản lý người về từ vùng dịch, việc kiểm soát các ổ dịch nguy cơ…

Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Tiền Giang, qua gần 5 ngày (từ ngày 16/8 đến 20/8), tình hình dịch trên địa tỉnh đã được kiểm soát, số ca mắc mới trong cộng đồng bắt đầu giảm dần.

Các địa phương đang tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời triển khai thực hiện xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 trên diện rộng với mục tiêu kiểm soát được dịch trước 25/8.

Tính đến ngày 20/8, tổng số ca mắc COVID-19 là 6.992 ca. Đến nay đã có 3.175 ca khỏi bệnh. Các cơ sở y tế trong tỉnh đang điều trị 3.175 ca.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Mỹ Tho, trong hai ngày 18 và 19/8, chiến dịch tầm soát cộng đồng đã phát hiện tổng cộng 280 mẫu gộp dương tính ở ấp, khu phố nguy cơ rất cao. Trong đó, khu vực 1 có 157 mẫu gộp dương tính và khu vực 2 có 123 mẫu gộp dương tính.

Long An thiết lập trạm, chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Long An Nguyễn Văn Út cho biết, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương đã tập trung triển khai các mặt công tác phòng, chống dịch COVID- 19, đặc biệt, trong việc tổ chức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và đã đạt được nhiều kết quả bước đầu.

[Long An triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ “3 mũi chiến lược”]

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được kiêm soát, chưa quyết liệt và hiệu quả chưa được như mong muốn. Tỉnh vẫn còn xảy ra tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong.” Ý thức phòng, chống dịch của người dân ở một số nơi vẫn còn chưa nghiêm. Tình trạng người dân ra đường vẫn còn số lượng lớn...

Triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 86 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID -19, trong đó, yêu cầu Long An phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị các sở ngành, huyện, thị, thành phố trong tỉnh thiết lập trạm, chốt 24/24 giờ (kể cả thứ Bảy và Chủ nhật) để kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, cấp tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các chốt, trạm kiểm soát do Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ra quyết định thành lập trước đây. Cấp huyện thành lập chốt trên cơ sở phân chia, nếu có hai tuyến liên huyện, mỗi huyện chủ trì một chốt.

Trường hợp có một tuyến liên huyện, lực lượng của hai huyện thống nhất phối hợp, triển khai thực hiện và lựa chọn vị trí đặt chốt thích hợp. Tuyệt đối không được đặt hai chốt đối diện, liền kề nhau trên cùng một tuyến đường liên huyện.

Cấp xã chỉ thiết lập một hoặc hai chốt đi vào, một hoặc hai chốt đi ra riêng biệt kiểm soát chặt 24/24 giờ. Tất cả các đường phụ, lối mở, hẻm ra - vào xã đều phải “phong tỏa cứng,” không cho ra - vào kể cả người và phương tiện.

Ngoài các trạm, chốt có định, các ngành chức năng tỉnh thành lập các Tổ tuần tra lưu động thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát việc triển khai thực hiện Chỉ thị 16 tại các địa phương theo phân cấp quản lý; tuần tra, kiểm soát, phát hiện ngăn chặn kịp thời các trường hợp người dân ra đường không đúng quy định; đảm bảo trật tự, an toàn trên các |tuyến đường giao thông.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An giao Sở Công Thương, Lao động-Thương binh và Xã hội cung ứng hàng hóa thiết yếu, đảm bảo phục vụ nhu cầu cho người dân bên trong các chốt kiểm soát; triển khai các chính sách hỗ trợ thiết thực bằng tiền, lương thực, thực phẩm để người dân yên tâm “ở tại chỗ,” tuân thủ quy định phòng chống dịch; không để bất kỳ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở.

Đà Nẵng sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp chống dịch mạnh trong giai đoạn tiếp theo

Chiều 20/8, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch thành phố Đà Nẵng họp bàn về các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.

Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị, các quận, huyện chủ động, xác định vùng nguy cơ để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Các ban điều hành phòng, chống dịch tại các phường, xã cần bổ sung thêm lực lượng của Chi hội Phụ nữ nhằm hỗ trợ người dân trong việc đặt hàng, mua thực phẩm.

Tiền Giang, Long An, Đà Nẵng nỗ lực chống dịch bằng các biện pháp mạnh ảnh 2Người dân đến xét nghiệm chấp hành nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế tại điểm xét nghiệm trên địa bàn quận Hải Châu, Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Theo Bí thư Thành ủy, ngày mai (21/8), thành phố cho giao hàng công nghệ (shipper) hoạt động trở lại, với điều kiện những nhân viên giao hàng này phải được tiêm vaccine và được xét nghiệm trước khi hoạt động; trong khi hoạt động phải mặc đồ bảo hộ, đeo găng tay như nhân viên y tế, thực hiện việc sát khuẩn trong những lần giao hàng.

Về việc triển khai test nhanh COVID-19 ở chốt ra vào thành phố, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: “Đà Nẵng đang vừa tổ chức xét nghiệm phát hiện F0 trong thành phố, đồng thời có biện pháp ngăn chặn lây nhiễm từ ngoài vào. Chỉ cần 1 ca mắc COVID-19 bên ngoài vào thành phố, công sức và chi phí của thành phố bỏ ra đều vô nghĩa. Vì vậy, thành phố phải ngăn chặn từ xa, việc test nhanh COVID-19 các phương tiện vào thành phố phải chi ra số tiền không nhỏ, tuy nhiên không thể không làm được.”

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay, trong 5 ngày qua, thành phố cơ bản đạt được những mục tiêu quan trọng, bước đầu đánh giá được tình hình dịch bệnh trên toàn địa bàn. Đặc biệt, thành phố đã kịp phát hiện, tách các F0 ra khỏi cộng đồng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố nêu rõ: “Ngày 21/8, Ủy ban Nhân dân thành phố có quyết định mới để thực hiện trong giai đoạn tiếp theo, khi Đà Nẵng hết thời gian thực hiện Quyết định 2788/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố, nhưng tinh thần các biện pháp vẫn như Quyết định 2788/QĐ-UBND. Trong đó, quyết định mới sẽ có biện pháp, hướng dẫn về chăm lo đời sống người dân, an sinh xã hội.”

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội bám sát nguồn hàng của doanh nghiệp, Trung ương để phân bổ cho người dân. Kể từ ngày 23/8, tất cả phương tiện vào thành phố phải đăng ký trước với Sở Thông tin và Truyền thông.

Theo báo cáo, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng cung cấp, tính từ 13 giờ ngày 19/8 đến 13 giờ ngày 20/8, thành phố ghi nhận 167 trường hợp mắc COVID-19.

Trong đó, 61 trường hợp đã được cách ly tập trung, 51 trường hợp cách ly tại nhà, 12 trường hợp trong khu phong tỏa, 43 trường hợp chưa được cách ly. Như vậy tính từ ngày 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 2.464 trường hợp mắc COVID-19.

Trong ngày 20/8, thành phố đã lấy mẫu xét nghiệm cho 120.680 lượt người; thực hiện cách ly, giám sát 3.483 trường hợp F1 và 5715 trường hợp F2; đang điều trị 1471 bệnh nhân, 78 bệnh nhân công bố khỏi bệnh và xuất viện; các quận huyện đã xử phạt 26 trường hợp có hành vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch với số tiền là 127 triệu đồng.

Đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân quận Hải Châu cho hay, quận đang ở nguy cơ cao, qua đợt xét nghiệm lần 1 (từ ngày 16/8), quận đã phát hiện nhiều ca mắc COVID-19 từ cộng đồng.

Quận Hải Châu đánh giá, đến lần xét nghiệm lần thứ 3 số ca mắc sẽ giảm sâu. Hiện quận có một số khu vực có vùng đỏ dịch bệnh, như phường Hòa Cường Nam, Thuận Phước. Vì vậy, quận sẽ tổ chức xét nghiệm toàn bộ người dân trong khu vực này./.

Tình hình dịch bệnh tại Tiền Giang đến 18h ngày 20/8:

- Số ca nhiễm: 6.035 

- Số ca tử vong: 160 

- Số tiêm chủng: 280.529 liều

Tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng đến 18h ngày 20/8:

- Số ca nhiễm: 3.225 

- Số ca tử vong: 49 

Tình hình dịch bệnh tại Long An đến 18h ngày 20/8:

- Số ca nhiễm: 17.047 

- Số ca tử vong: 215 

- Số tiêm chủng: 392.746 liều

Toàn quốc:

- Số ca nhiễm: 312.611

- Số ca tử vong: 7.150; Trong đó TP.HCM: 5.759 ca; Thủ đô Hà Nội: 33 ca

- Số ca khỏi bệnh: 120.059

- Số tiêm chủng: 15.922.537 liều

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục