Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Argentina vào giai đoạn phức tạp

Dịch bệnh tại Argentina có xu hướng phức tạp khi khu vực Nam Bán cầu chuẩn bị bước vào mùa Đông khi mà khi hậu trở nên lạnh hơn giúp cho virus SARS-CoV-2 tồn tại và phát triển nhanh hơn.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Argentina vào giai đoạn phức tạp ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Buenos Aires, Argentina, ngày 8/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang có xu hướng nghiêm trọng hơn tại Argentina bất chấp lệnh cách ly xã hội bắt buộc đã áp dụng được 3 tuần trong bối cảnh khu vực Nam Bán cầu chuẩn bị bước vào mùa Đông khi mà khi hậu trở nên lạnh hơn giúp cho virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) tồn tại và phát triển nhanh hơn.

Theo thông báo của Bộ Y tế Argentina ngày 10/4, số ca tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 tại nước này đã lên tới 81 người, tăng thêm 12 trường hợp trong 24 giờ qua và là con số tử vong cao nhất trong ngày được ghi nhận cho tới thời điểm này, trong khi số trường hợp dương tính cũng tăng lên 1.894 người.

Chính phủ Argentina vẫn tiếp tục nỗ lực và kiên trì thực thi các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, cũng như gia tăng khả năng đáp ứng y tế khi số ca lây nhiễm vẫn tiếp tục gia tăng.

Hiện nay, quốc gia Nam Mỹ này đã huy động 106 trung tâm xét nghiệm trên cả nước tham gia vào quá trình xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm để có thể thực hiện sớm việc phân loại, cách ly và theo dõi y tế.

Trong tổng số gần 2.000 ca dương tính mà Argentina ghi nhận cho tới thời điểm này, có 785 trường hợp là các ca nhiễm bệnh từ nước ngoài, 641 trường hợp là những người tiếp xúc gần với các ca dương tính được xác định trước đó, trong khi số còn lại được coi là lây nhiễm cộng đồng vì chưa xác định được nguồn lây. Bộ Y tế Argentina cũng thông báo đã có 375 người đã được chữa khỏi và xuất viện.

Trước đó, các nhà khoa học thuộc Trung tâm quản lý các Phòng thí nghiệm và Viện nghiên cứu Y tế Dr. Carlos Malbrán (ANLIS) của Argentina đã giải mã thành công trình tự các bộ gien hoàn chỉnh của 3 bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, bước đi đầu tiên để đánh giá việc chủng virus phát tán trong nội địa sẽ hoạt động như thế nào.

Mặc dù tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp và nhiều khả năng chính phủ Argentina sẽ phải tiếp tục kéo dài lệnh cách ly xã hội bắt buộc cho tới hết tháng Tư, song dư luận nước này cũng bắt đầu tỏ ra lo ngại và cho rằng biện pháp này sẽ khiến cho nền kinh tế tiếp tục lún sâu vào suy thoái, vốn đã kéo dài suốt hai năm qua.

Tuy nhiên, Tổng thống Alberto Fernandez từng nhiều lần tuyên bố rằng nếu phải lựa chọn thì ông sẽ ưu tiên bảo vệ sức khỏe của người dân, còn vấn đề kinh tế vẫn đủ thời gian để Argentina hồi phục trong tương lai.

Mỹ Latinh cần đầu tư 405 tỷ USD để tránh nạn thất nghiệp do tác động của dịch COVID-19

Ngày 10/4, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Địa chính trị Mỹ Latinh (Celag) nhận định các quốc gia khu vực sẽ cần phải đầu tư khoảng 405 tỷ USD để tránh nguy cơ 271 triệu người mất việc làm do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra bởi chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2).

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Argentina vào giai đoạn phức tạp ảnh 2Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Santiago, Chile. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong một nghiên cứu của Celag do nhà kinh tế học người Ecuador Nicolas Oliva thực hiện, cơ quan này khẳng định để bảo vệ 271 triệu người lao động khỏi nguy cơ thất nghiệp trong bối cảnh khủng hoảng dịch bệnh, đồng nghĩa với việc các quốc gia Mỹ Latinh cần một khoản đầu tư 405 tỷ USD, tương đương bình quân 7,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của mỗi nước.

Ước tính trên do Đơn vị Phân tích Kinh tế của Celag đánh giá dựa trên cơ sở về ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về thu nhập lao động trong GDP đối với 20 quốc gia Mỹ Latinh, bao gồm cả lương và nguồn thu nhập hỗn hợp liên quan đến công việc.

Nghiên cứu của Celag cũng nhấn mạnh, nếu các quốc gia cần hành động ngay lập tức với một khoản đầu tư cần thiết sẽ tốt hơn là để một khi nền kinh tế “chìm xuống” sẽ cần rất nhiều năm để có thể khôi phục lại.

Tất cả những chi phí xã hội và kinh tế đó có thể cao hơn chi phí tài chính được cho là chiếm 7% GDP, nhưng có thể hỗ trợ nền kinh tế trong vòng 3 tháng và tránh cho nền kinh tế chìm xuống mức không tưởng từ trước tới nay.

Nghiên cứu này cũng khẳng định quy mô của sự sụp đổ xã hội do dịch bệnh gây ra tới nay là chưa thể lường trước, và dự báo “nếu chúng ta hành động rụt rè và trì hoãn” thì rủi ro đối với bất ổn xã hội sẽ tăng theo cấp số nhân.

Trong khi đó, ILO cùng ngày cũng báo động về số người mất việc làm tại khu vực Mỹ Latinh vì dịch COVID-19 đã lên tới con số 14 triệu người, đồng thời khuyến cáo chính phủ các nước trong khu vực cần áp dụng các biện pháp bảo toàn công việc, thúc đẩy hoạt động kinh doanh và bảo vệ thu nhập của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục