Theo báo Liên hợp buổi sáng, vào ngày 1/3, khi bình luận về ngành công nghiệp đất hiếm, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin Trung Quốc Tiêu Á Khánh nhấn mạnh tình trạng “cạnh tranh ác ý, đua nhau ép giá” đã khiến cho đất hiếm của Trung Quốc không bán được giá “hiếm,” mà chỉ bán được giá “đất.”
Cùng ngày, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cũng đã công bố “Điều lệ quản lý đất hiếm” (Bản thảo lấy ý kiến đóng góp), khiến cho giá cổ phiếu của các doanh nghiệp đất hiếm Trung Quốc tăng mạnh.
Ngoài ra, ông Tiêu Á Khánh còn nói rằng đất hiếm là một tài nguyên mang tính chiến lược, việc ban hành điều lệ chủ yếu căn cứ vào nhu cầu thị trường và chiến lược phát triển dài hạn về đất hiếm, cũng như những vấn đề tồn tại trong quá trình phát triển thực tế.
Nguồn cung quyết định giá cả
Liệu đất hiếm có thể bán với giá thương mại như kỳ vọng của ông Tiêu Á Khánh hay không?
Theo các chuyên gia kinh tế, một mặt hàng muốn bán với giá cao thì nhu cầu phải lớn và nguồn cung phải ít.
Đất hiếm là cách gọi chung của 17 nguyên tố kim loại như Scandi (Sc), Yttri (Y), Lantan (La), Neodymi (Nd)…, được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như quân sự và quốc phòng, công nghệ thông minh, năng lượng mới…, đóng vai trò quan trọng và nhu cầu lớn, nên điều đó là điều hiển nhiên.
Về phương diện nguồn cung, hàm lượng đất hiếm trên toàn cầu không hề khan hiếm.
[Ngành công nghiệp Mỹ ra sao khi Trung Quốc ngừng xuất khẩu đất hiếm?]
Theo ước tính của Cục Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), trữ lượng đất hiếm của Trung Quốc đứng đầu thế giới, chiếm 37%, thứ hai là Brazil và Việt Nam (đều chiếm 18%), sau đó là Nga, Ấn Độ, Australia và Mỹ.
Về phương diện chuỗi sản xuất, số liệu báo cáo khảo sát nguyên tố đất hiếm do USGS công bố năm 2017 cho thấy bắt đầu từ cuối thập niên 1990 Trung Quốc đã kiểm soát khoảng 90% sản lượng đất hiếm toàn cầu, địa vị độc quyền được thể hiện rõ.
Điều 8 “Điều lệ quản lý đất hiếm” (Bản thảo lấy ý kiến đóng góp) của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc quy định: thực hiện quản lý chỉ số tổng hợp đối với việc khai thác, luyện tách đất hiếm, đồng thời nhấn mạnh có thể áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế hoặc đình chỉ hoạt động khai thác và luyện tách đất hiếm nhằm bảo vệ tài nguyên tự nhiên và môi trường sinh thái.
Điều này có nghĩa là một khi quy định này được thực hiện thì những vấn đề tồn tại trước đây trong ngành công nghiệp đất hiếm Trung Quốc như cơ chế quản lý không kiện toàn, sản xuất tự phát hoặc dư thừa, hủy hoại môi trường sinh thái… sẽ được quản lý nghiêm ngặt.
Từ đó sẽ làm tăng chi phí sản xuất và chế biến đất hiếm, thúc đẩy giá đất hiếm tăng lên.
Hơn nữa, do ngành xử lý đất hiếm của các nước khác quá phụ thuộc vào Trung Quốc, nên vai trò định giá của Trung Quốc trong chuỗi sản xuất vẫn khó được thay thế trong ngắn hạn.
Theo thông tin của Thời báo chứng khoán Trung Quốc, mặc dù chỉ tiêu hạn ngạch đất hiếm của Trung Quốc được nới lỏng đáng kể, nhưng vẫn cần thời gian để giải phóng, nguồn cung tăng hạn chế.
Trong khi đó, nhu cầu tiếp tục gia tăng dẫn đến tình trạng cung-cầu chênh lệch, giá đất hiếm có triển vọng tiếp tục tăng. Điều này có lợi cho các doanh nghiệp sản xuất và tinh luyện đất hiếm ở thượng nguồn có thuộc tính tài nguyên.
Ảnh hưởng chính trị quốc tế
Tuy nhiên, không có nền kinh tế tách rời khỏi chính trị, đồng thời cũng không có nền chính trị tách rời khỏi kinh tế.
Với tư cách là sản phẩm đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng và công nghệ, đất hiếm cũng trở thành một trong những tiêu điểm quan trọng của cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung.
Năm 2010, Trung Quốc từng hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản khiến cho giá đất hiếm toàn cầu tăng mạnh, đồng thời cũng thúc đẩy các nước khác như Mỹ, Nhật Bản… bắt đầu quan tâm đến vấn đề phụ thuộc vào Trung Quốc về đất hiếm.
Năm 2019, trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung, một số chuyên gia phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ sử dụng đất hiếm làm quân bài mặc cả.
Ngày 20/2, Bloomberg dẫn một nguồn tin tin cậy nhấn mạnh Chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc hạn chế xuất khẩu các công nghệ chế biến và tinh chế đất hiếm, làm công cụ dự trữ chính sách để phòng ngừa tái bùng phát cuộc chiến thương mại.
Cuối tháng Hai, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh cho các bộ phận phụ trách kinh tế và an ninh quốc gia của mình đánh giá chuỗi cung ứng đất hiếm của Mỹ để giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trước đó, năm 2020 Bộ Quốc phòng Mỹ đã ký hợp đồng với Công ty khai thác đất hiếm Lynas của Australia, xây dựng nhà máy chế biến và tách đất hiếm nặng ở bang Texas, đưa hoạt động gia công và tinh chế đất hiếm quay trở lại Mỹ.
Ai sẽ định giá đất hiếm?
Phát biểu ngày 1/3 của Bộ trưởng Tiêu Á Khánh về giá đất hiếm ám chỉ Trung Quốc muốn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo về giá đất hiếm.
Tuy nhiên, kết quả một cuộc khảo sát vào năm 2020 của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Mỹ cho thấy, mặc dù hiện nay Trung Quốc vẫn chi phối hoạt động sản xuất và tinh chế đất hiếm toàn cầu, ưu thế đang dần thu hẹp. Điều này có nghĩa là quyền định giá đất hiếm của Trung Quốc cũng sẽ bị suy yếu tương đối.
Cùng với việc các nước khác, bao gồm Mỹ bắt đầu đẩy mạnh hoạt động sản xuất đất hiếm, tỷ trọng sản xuất đất hiếm toàn cầu của Trung Quốc đã giảm từ mức 97,7% vào năm 2010 xuống còn 62,9% trong năm 2019.
Năm 2019, Reuters từng dẫn lời cựu chuyên gia về chuỗi cung ứng của Lầu Năm Góc nói rằng Mỹ bắt đầu tích trữ đất hiếm và các sản phẩm có liên quan từ năm 2010, từng bước làm giảm năng lực định giá đất hiếm của Trung Quốc.
Mặt khác, CSIS cũng dự báo Trung Quốc có thể sẽ trở thành nước nhập khẩu ròng đất hiếm vào khoảng năm 2025 do việc mở rộng thị trường nội địa của Trung Quốc.
Việc ứng dụng rộng rãi của đất hiếm đã xác định ngành công nghiệp này vẫn sẽ là thị trường của bên bán trong thời gian tới. Do đó, mặc dù sản lượng đất hiếm ở các khu vực bên ngoài Trung Quốc tăng lên, nhưng cùng với việc nhu cầu của Trung Quốc và toàn cầu mở rộng nên giá đất hiếm sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, “đắt chứ không rẻ.” Và thị trường vẫn là người cuối cùng quyết định giá đất hiếm./.