Ngày 20/6, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hối thúc các bên nỗ lực hết sức nhằm đảm bảo duy trì Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, qua đó cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine và các nông sản khác từ các cảng ở Biển Đen.
Trong tuyên bố, ông Guterres cũng kêu gọi các bên đẩy nhanh hoạt động, khi đề cập đến việc tàu thuyền hạn chế ra vào các cảng biển của Ukraine, cũng như xu hướng giảm nguồn cung các thực phẩm thiết yếu ra thị trường toàn cầu.
Tuyên bố của ông Guterres nhấn mạnh Liên hợp quốc cam kết ủng hộ việc thực thi cả sáng kiến và bản ghi nhớ để xuất khẩu lương thực và phân bón, bao gồm cả amoniac, từ Nga và Ukraine ra thị trường thế giới một cách an toàn.
[Nga cảnh báo thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen có thể không được gia hạn]
Theo ông Guterres, điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh mùa thu hoạch ngũ cốc mới đang bắt đầu tại Ukraine và Nga.
Tháng 7/2022, Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine - nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.
Trong khuôn khổ sáng kiến, Nga và Liên hợp quốc đã ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới, trong khi Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc về xuất khẩu thực phẩm và phân bón an toàn từ Ukraine qua Biển Đen.
Thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn và theo lần gia hạn mới đây nhất vào ngày 18/5, thỏa thuận sẽ hết hiệu lực vào ngày 17/7 tới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây cho biết Nga đang xem xét rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen, đồng thời cáo buộc phương Tây không thực hiện các cam kết với Moskva.
Xuất khẩu lương thực qua Biển Đen đã giảm từ mức cao nhất 4,2 triệu tấn vào tháng 10/2022 xuống còn 1,3 triệu tấn vào tháng 5, mức thấp nhất kể từ khi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen có hiệu lực./.