TP. HCM siết chặt tín dụng cho bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM yêu cầu các tổ chức tín dụng quản lý chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động bất động sản, chuyển tiền thu được từ bất động sản ra nước ngoài.
TP. HCM siết chặt tín dụng cho bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reatimes)

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn quản lý chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, hạn chế cấp vốn cho đầu tư bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố về việc triển khai ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường bất động sản thành phố ổn định, lành mạnh.

Cụ thể, cơ quan này yêu cầu các tổ chức tín dụng quản lý chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động bất động sản, chuyển tiền thu được từ bất động sản ra nước ngoài; đồng thời, thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở của người dân. Hạn chế tín dụng cho đầu tư bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ bất động sản.

Yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh dòng vốn cho thị trường bất động sản trong những tháng đầu năm nay có dấu hiệu tăng nóng và Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp có những chỉ đạo về kiểm soát dòng vốn chảy vào lĩnh vực này qua kênh tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp.

Trong tháng 4/2022, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cũng đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, bao gồm bất động sản, dự án BOT và BT, trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng yêu cầu các ngân hàng tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật…

[Kiến nghị xem xét tiếp tục cho đấu giá các lô đất ở Thủ Thiêm]

Trước đó, một số ngân hàng thương mại cũng có động thái tạm dừng cho vay mới đối với lĩnh vực bất động sản như Sacombank, Techcombank…

Chẳng hạn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn-Thương Tín (Sacombank), lãnh đạo ngân hàng đã có văn bản yêu cầu giám đốc khu vực, giám đốc chi nhánh và trưởng phòng giao dịch không cấp tín dụng cho các giao dịch bất động sản mới kể từ ngày 23/3 đến hết ngày 30/6/2022. Quy định này không áp dụng đối với cán bộ nhân viên và người thân mua, xây, sửa bất động sản để ở.

Theo ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Sacombank, ngay cả trong điều kiện room tín dụng dồi dào, Sacombank vẫn kiểm soát dòng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, do lĩnh vực này tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro và phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Còn hiện tại, room tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp đầu năm còn khá ít, nên ngân hàng càng phải siết chặt hơn dòng tín dụng vào bất động sản để ưu tiên vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

"Sacombank sẽ ưu tiên tập trung cấp tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất. Trong số đó, ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như xuất khẩu, dịch vụ, logistics… Điều này đảm bảo mục tiêu hoạt động của ngân hàng và định hướng của Ngân hàng Nhà nước," ông Tuệ cho biết.

Tuy vậy, lãnh đạo Sacombank cũng chia sẻ, trường hợp người dân thực sự có nhu cầu vay vốn để sửa chữa nhà, mua nhà với khoản vay nhỏ thì ngân hàng vẫn sẵn sàng giải ngân.

TP. HCM siết chặt tín dụng cho bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng ảnh 2Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Thực tế, kể từ tháng 10/2021 khi Thành phố Hồ Chí Minh mở cửa kinh tế sau một thời gian dài “đóng băng” để phòng chống dịch COVID-19, nhu cầu vốn để phục hồi của các doanh nghiệp là khá lớn. Điều này được thể hiện qua hoạt động cấp tín dụng diễn ra khá sôi động, đặc biệt trong 4 tháng đầu năm nay.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, dự ước đến cuối tháng 4/2022, dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt trên 3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với cuối năm 2021. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm trước đây.

“Tín dụng 4 tháng đầu năm tăng trưởng cao, chủ yếu do nhu cầu vốn cho phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng, kinh tế thành phố phục hồi nhanh; trong đó tín dụng bằng VND chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ tín dụng (chiếm 93%) và tăng trưởng 7,6% so với cuối năm 2021," ông Lệnh cho biết.

Trong khi đó, định hướng của Ngân hàng Nhà nước về tín dụng năm 2022 ở mức 14% và có thể được điều chỉnh linh hoạt tùy tình hình thực tế. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng thương mại hiện đã cạn room tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp hồi đầu năm. Do đó, việc quản lý chặt dòng vốn chảy vào bất động sản và siết tín dụng vào phân khúc bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng được cho là rất cần thiết, trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất vẫn đang thiếu vốn để phục hồi sau đại dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục