TP.HCM tạo "bộ mặt" tươi sáng cho tuyến kênh sau 20 năm chờ đợi

Dự án cải tạo tuyến kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên dự kiến khởi công cuối tháng 2, nhằm chống úng ngập cho diện tích 14.900ha, kỳ vọng tạo bộ mặt tươi sáng về môi trường, giao thông ở TP.HCM.
TP.HCM tạo "bộ mặt" tươi sáng cho tuyến kênh sau 20 năm chờ đợi ảnh 1Một số đoạn dọc kênh Tham Lương đã hình thành đường bêtông khá rộng. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai dự án cải tạo tuyến kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên dài hơn 30km, chạy xuyên tâm theo trục Bắc- Nam thành phố.

Cùng với cải tạo kênh, dự án hình thành hai tuyến đường ven kênh tổng chiều dài hơn 60km, kỳ vọng tạo ra "bộ mặt" tươi sáng về môi trường, giao thông cho tuyến kênh sau 20 năm chờ đợi.

Chờ “bộ mặt” mới

Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư.

Đây là giai đoạn 2 (gọi tắt là dự án xây dựng hạ tầng kênh Tham Lương) của dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên thực hiện từ năm 2002.

Dự án được triển khai dọc theo kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên, đi qua địa bàn Quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh với tổng mức đầu tư khoảng 8.200 tỷ đồng.

Trong số đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 874 tỷ đồng; chi phí xây dựng khoảng 6.967 tỷ đồng.

Theo Quyết định của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đây là dự án hạ tầng mang tính chất phục vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; đồng thời làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố trong tương lai.

[TP.HCM: Triều cường vượt mức báo động 3, nhiều tuyến đường ngập sâu]

Dự án nhằm tiêu thoát nước mưa, chống úng ngập cho diện tích 14.900ha của khu vực và các khu vực khác có liên quan; chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường khu vực dự án, tăng cường năng lực giao thông cho trục Bắc-Nam.

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho biết dự án sẽ xây dựng tuyến kè bờ kênh tổng chiều dài tuyến 63,11km; nạo vét kênh với chiều dài tuyến kênh 31,46km, bề rộng đáy kênh từ 30m trở lên đoạn từ cảng Phú Định đến cầu Trường Đai và trên 40m đoạn từ cầu Trường Đai đến sông Sài Gòn.

TP.HCM tạo "bộ mặt" tươi sáng cho tuyến kênh sau 20 năm chờ đợi ảnh 2Nhiều đoạn trên tuyến kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên khá nhỏ hẹp do cỏ mọc um tùm. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Cùng với cải tạo tuyến kênh, dự án sẽ hình thành đường giao thông hai bên bờ kênh với tổng chiều dài 63,41km, bề mặt đường rộng từ 7-12m (chủ yếu là 12m), vỉa hè rộng trên 3m.

Dự án cũng xây dựng 12 bến thuyền và 3 cầu giao thông dọc tuyến; các nút giao thông cùng các công trình thoát nước, chiếu sáng, cây xanh.

Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Quản lý dự án xây dựng hạ tầng kênh Tham Lương, cho biết khi dự án xây dựng hạ tầng kênh Tham Lương hoàn thành sẽ có hai tuyến đường chạy dọc theo kênh, song song với Quốc lộ 1, đi xuyên suốt 7 quận huyện của thành phố.

Các tuyến đường này sẽ giúp cải thiện tình hình giao thông trong khu vực, nhất là hạn chế xe ôtô cá nhân, xe tải nhỏ lưu thông ra Quốc lộ 1. Cùng với phát triển đường thủy, tuyến đường sẽ tạo trục giao thông liên kết vùng, kết nối từ tỉnh Long An lên các tỉnh miền Đông.

“Dù vậy, chúng ta cũng không nên quá kỳ vọng dự án sẽ mang lại nguồn “nước xanh” ngay lập tức cho kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên, mà đó là quá trình dài kết hợp với các dự án khác (các dự án nhà máy xử lý nước thải). Tuy nhiên, dự án cải tạo kênh sẽ là “xương sống” để triển khai các dự án liên quan hiệu quả,” ông Tùng chia sẻ.

Mặt bằng thuận lợi

Ghi nhận tại khu vực cầu Chợ Cầu, nối giữa Quận 12 và Gò Vấp, tuyến kênh Tham Lương hiện có nguồn nước sậm màu, nhiều khu vực lòng kênh khá nhỏ hẹp, cỏ mọc um tùm. Nhiều khu vực rác đọng lại hai bên bờ kênh gây ô nhiễm môi trường, bốc lên mùi hôi thối.

TP.HCM tạo "bộ mặt" tươi sáng cho tuyến kênh sau 20 năm chờ đợi ảnh 3Nhiều khu vực kênh Tham Lương bị xả rác gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Trên hai bờ kênh Tham Lương hiện khá thông thoáng, phần lớn là mặt bằng trống. Một số đoạn đã có đường bêtông dân sinh khá rộng, trong khi phần lớn là đường đất nhỏ, đường mòn.

Chỉ tay dọc theo tuyến kênh, bà Nguyễn Thị Hạnh (ngụ phường 14, Gò Vấp) cho biết hầu hết mặt bằng hai bên kênh đã được người dân bàn giao từ lâu. Người dân ở đây đã mong chờ dự án triển khai từ lâu để có đường đẹp, kênh sạch hơn.

Trong khi đó, là người sinh sống lâu năm tại phường Đông Hưng Thuận (Quận 12), bà Nguyễn Thị Búp chia sẻ, năm 2002, địa phương thông báo dự án cải tạo kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên, gia đình bà đã nhường 600m2 đất cho dự án.

Nhiều năm trôi qua, con kênh vẫn ô nhiễm, hai bên bờ kênh cỏ mọc đầy, nhiều người xả rác, tiểu tiện ra kênh… rất mất vệ sinh. "Tôi chỉ mong dự án sớm thực hiện giai đoạn 2. Khi con kênh sạch, có đường thông thoáng, hy vọng gia đình tôi có thêm sinh kế mới trên khu vực này," bà Búp hi vọng.

Dự án xây dựng hạ tầng kênh Tham Lương được thực hiện từ nguồn vốn đầu tư công, trong đó vốn ngân sách Trung ương 4.000 tỷ đồng, vốn ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh 4.200 tỷ đồng. Hiện nay, việc đền bù giải phóng mặt bằng chỉ còn khu vực trên địa bàn Quận 12, quận Gò Vấp.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, việc đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án xây dựng hạ tầng kênh Tham Lương đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tập trung thực hiện hoàn thành từ nguồn ngân sách thành phố thuộc dự án Tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên (giai đoạn 1).

Hiện còn một phần diện tích thuộc bờ trái kênh Tham Lương (đoạn từ cầu Trường Đai ra đến sông Sài Gòn), phạm vi từ ranh phía ngoài của tuyến đê bao bờ hữu ven sông Sài Gòn (ranh phía bờ kênh) trên địa bàn phường 15 (quận Gò Vấp) và các phường An Phú Đông, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, Thới An (Quận 12), sẽ thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng trong giai đoạn thực hiện của dự án này.

Phần diện tích này sẽ được đền bù tại dự án xây dựng hạ tầng kênh Tham Lương tổng diện tích đất thu hồi khoảng 12,5ha, trong đó diện tích đất Quận 12 khoảng 10,1ha và Gò Vấp khoảng 2,4ha. Số hộ bị ảnh hưởng là 166 hộ.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, dự án liên quan tới 7 quận huyện của thành phố. Tuy nhiên, hiện có thuận lợi là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đã được thực hiện phần lớn trước đây nên chi phí thấp.

Dự án có 10 gói thầy xây lắp, thì hiện đã đấu thầu và lựa chọn nhà thầu được 9 gói thầu (đã có mặt bằng). Dự kiến cuối tháng 2 sắp tới, dự án sẽ được khởi công với mục tiêu hoàn thành trong năm 2025.

Trước đó, dự án Tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên (giai đoạn 1) đã thực hiện giải phóng mặt bằng; thi công nạo vét kênh thông tuyến dòng chảy; đắp bờ đất hai bên kênh; xây dựng các cửa xả thoát nước tại một số các rạch nhánh.

Diện tích thu hồi đất đã thực hiện trong giai đoạn 1 là 153,5ha; tổng số hộ bị ảnh hưởng 3.212 hộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục