Trí thức người Việt ở châu Âu vững tin vào cơ hội phát triển đất nước

Các trí thức người Việt ở châu Âu tin tưởng cùng với việc thực hiện triệt để công tác phòng chống tham nhũng, niềm tin của nhân dân vào Đảng ngày càng được củng cố và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Trí thức người Việt ở châu Âu vững tin vào cơ hội phát triển đất nước ảnh 1Không gian Trung tâm Hội nghị Quốc gia, nơi tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. (Ảnh: TTXVN)

Các sinh viên, nghiên cứu sinh và kỹ sư người Việt Nam đang học tập và làm việc tại Bỉ, Thụy Sĩ và Luxembourg đánh giá cao những thành tựu mà đất nước đạt được trong 5 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Họ cùng có chung nhận định nhờ những thành quả ấy, vị thế Việt Nam trên thế giới ngày càng được bạn bè quốc tế đánh giá cao và đất nước đang có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai, dù trước mắt vẫn còn nhiều thách thức.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại châu Âu về sự kiện Đại hội XIII của Đảng, những trí thức này đều đề cao thành tựu của Việt Nam trong việc hội nhập và phát huy vai trò trên trường quốc tế, đặc biệt là hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2020 đầy khó khăn và đảm nhận cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021.

Việt Nam cũng đã tham gia ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được quốc tế đánh giá cao, thể hiện tinh thần cam kết hội nhập.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) đã đi vào thực thi, tạo ra cơ hội mới để giao thương trực tiếp với các nước trong Liên minh châu Âu (EU), thể hiện quyết tâm của Việt Nam thực hiện chủ trưởng đa phương hóa quan hệ quốc tế.

Việt Nam cũng tích cực tham gia các nhóm nước hành động chống lại tình trạng biến đổi khí hậu.

Anh Mai Tuấn Đạt, kỹ sư một công ty hàng không vũ trụ của Bỉ, đánh giá nhờ việc thực hiện Đổi mới và chuyển đổi mô hình kinh tế từ năm 1986, kinh tế Việt Nam giữ mức tăng trưởng cao trong khu vực nhiều năm liên tiếp.

Trong 5 năm qua, kinh tế Việt Nam hội nhập sâu với các nước khu vực trên nhiều lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và khoáng sản. Nhiều mặt hàng chuyển từ hướng nhập siêu sang xuất siêu, trong khi vẫn đáp ứng được nhu cầu cao trong nước.

[Kiều bào gửi niềm tin vào quyết sách đúng đắn, sáng suốt của Đảng]

Với khả năng chống chịu tốt của nền kinh tế tự chủ trong nước, cùng sự chỉ đạo kịp thời từ các cấp lãnh đạo, Việt Nam đã giảm thiểu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và là một trong rất ít các nước duy trì được mức tăng trưởng dương năm 2020 - kết quả mà Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thừa nhận.

Anh Mai Tuấn Đạt cho rằng với những thành quả đạt được trong 5 năm qua cùng với xu thế dịch chuyển kinh tế sau đại dịch, Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh việc phát triển các khu công nghiệp mới, tạo công ăn việc làm và nâng cao GDP.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đứng trước thách thức để lựa chọn đúng hướng phát triển bền vững trong tương lai, đảm bảo chủ quyền biển đảo thông qua đối thoại trong khi vẫn đảm bảo hợp tác hòa bình và vì sự phát triển chung của khu vực, đồng thời cải cách và tăng cường khả năng thích nghi để duy trì sự cạnh tranh trên trường quốc tế trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng.

Anh Ngô Chánh Đức, nghiên cứu sinh tại trường Đại học Luxembourg cũng nhấn mạnh công tác phòng chống dịch COVID-19 và chính sách trong thời kỳ “bình thường mới” đã giúp Việt Nam vượt qua cơn đại khủng hoảng đang diễn ra trên toàn cầu.

Nhờ những thành quả đó mà vị thế Việt Nam trên thế giới đang được đánh giá cao. Cùng với việc thực hiện triệt để công tác phòng chống tham nhũng, niềm tin của nhân dân vào Đảng ngày càng được củng cố và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Anh Đức vui mừng nhận định cộng đồng Việt Nam tại Bỉ nói riêng và châu Âu nói chung sẽ có những cơ hội mới để tiếp cận các sản phẩm, đặc biệt là nông sản Việt Nam; cũng như có nhiều cơ hội mới trong các mối quan hệ hợp tác giữa hai khu vực.

Tuy nhiên, nghiên cứu sinh này cũng cho rằng đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu suy giảm và kinh tế toàn cầu bị suy thoái mạnh mẽ khiến kinh tế Việt Nam cũng không thể tránh khỏi chịu tác động xấu.

Nền kinh tế đang phát triển nhanh cũng đang tạo ra nhiều bất cập cần giải quyết một cách có hiệu quả, ví dụ như sự chênh lệch giàu nghèo. Bên cạnh đó là các thách thức ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, dẫn tới những diễn biến thời tiết cực đoan có thể xảy ra trong thời gian tới.

Trí thức người Việt ở châu Âu vững tin vào cơ hội phát triển đất nước ảnh 2Các trí thức Việt Nam ở nước ngoài tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước sẽ tiếp tục phát triển. (Ảnh: TTXVN)

Anh Đặng Văn Thương, nghiên cứu sinh tại trường Đại học Liège của Bỉ đánh giá cao sự phát triển trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ của đất nước, trong đó nổi bật là chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tạo nhiều cơ chế, chính sách về phát triển, quản lý khoa học và công nghệ, thúc đẩy đi tắt đón đầu trong cuộc Cách mạng Công nghệ lần thứ tư.

Anh chia sẻ cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ mong muốn Đảng và Nhà nước quan tâm hơn nữa đến kiều bào ở nước ngoài, thường xuyên tổ chức gặp mặt, thông tin tình hình trong nước cũng như quan tâm đến vấn đề bảo hộ công dân, có chính sách thu hút trí thức, doanh nhân Việt kiều về làm việc, đầu tư tại Việt Nam, hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho Việt kiều

Trong khi đó, nghiên cứu sinh ngành dược thuộc Đại học KU Leuven của Bỉ Trương Anh Cơ bày tỏ quan tâm đến các vấn đề hội nhập thương mại tự do sau EVFTA và cơ hội đầu tư tại châu Âu, các nghị định chung (song phương và đa phương) về chính sách thuế, an sinh và công bằng xã hội, các chính sách hợp tác cấp quốc gia giữa Việt Nam và Bỉ, khu vực Benelux (Bỉ-Hà Lan-Luxembourg) và EU. 

Nhiệm kỳ XII đã đánh dấu cột mốc quan trọng khi EVFTA được ký kết, cho thấy mối quan tâm của Đảng, chính phủ đối với khu vực EU. Là những người đang sinh sống và học tập tại "trái tim châu Âu," các nghiên cứu sinh và kỹ sư người Việt Nam bày tỏ mong muốn Đại hội Đảng XIII sẽ đưa ra chủ trương phát huy hiệp định EVFTA cũng như phát triển mối quan hệ song phương với EU.

Từ Thụy Sĩ, bạn Lê Thị Nhung, hiện đang theo học trường Gilon Institute of Higher Education, kỳ vọng Đại hội lần này sẽ xác định con đường phát triển phù hợp với những mục tiêu và đặc thù Việt Nam và xu thế thế giới cho giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội sâu rộng dựa vào nội lực, kết hợp với hợp tác quốc tế, trong đó có lực lượng trí thức ở nước ngoài. Dù tình hình COVID-19 khiến cuộc sống khó khăn, Nhung cũng như các trí thức trẻ Việt Nam ở châu Âu luôn vững tin vào tương lai đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục