Trung Đông đang thay đổi theo cách đầy bất ngờ

Theo Liên hợp buổi sáng mới đây, các liên minh ở toàn bộ khu vực Trung Đông đang thay đổi theo cách đầy bất ngờ, chủ yếu là do sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Iran thúc đẩy
Trung Đông đang thay đổi theo cách đầy bất ngờ ảnh 1Cơ sở sản xuất của công ty dầu mỏ quốc gia Aramco của Saudi Arabia. (Nguồn: ft.com)

Theo Liên hợp buổi sáng mới đây, các liên minh ở toàn bộ khu vực Trung Đông đang thay đổi theo cách đầy bất ngờ. Đối với một khu vực dường như luôn thấp thỏm giữa chiến tranh và hòa bình, cục diện mới xuất hiện đồng nghĩa với vấn đề gì?

Sự thay đổi hiện nay chủ yếu là do sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Iran thúc đẩy. Các quốc gia vùng Vịnh Persian lo ngại đồng minh lâu dài của mình là Mỹ không sẵn sàng sử dụng các biện pháp cần thiết để ngăn cản sự trỗi dậy của Iran, do đó bên cạnh tiếp xúc với Iran, những nước này còn thiết lập quan hệ an ninh sâu hơn với Israel.

Bên cạnh đó, quan hệ mật thiết từ trước đến nay giữa các cường quốc khu vực là Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng đang trở nên ngày càng căng thẳng.

Tuy nhiên, Iran không phải là nhân tố duy nhất. Ở khu vực phía Đông Địa Trung Hải, nguồn dự trữ năng lượng được phát hiện trong 10 năm qua ở vùng biển của Israel, Cyprus và Ai Cập khiến cho những kẻ thù từ trước đến nay xích lại gần nhau. Mặc dù quan hệ chính trị giữa Jordan và Israel căng thẳng, song hai nước vẫn đạt được một thỏa thuận mua bán khí đốt tự nhiên có thời hạn 15 năm.

Ngay cả Ai Cập có nguồn khí đốt tự nhiên phong phú cũng nhập khẩu khí đốt từ Israel (điều này trái ngược với tình hình 10 năm trước đây, khi đó Ai Cập cung ứng 40% khí đốt tự nhiên cho Israel), hy vọng nâng cao hình ảnh của Ai Cập với tư cách là đầu mối trung chuyển năng lượng. Các cường quốc năng lượng như UAE và Qatar… cũng mua cổ phần các mỏ khí đốt tự nhiên ở Địa Trung Hải, mục đích là để vượt qua kênh đào Suez. 

Hiện nay, một cộng đồng năng lượng phía Đông Địa Trung Hải đang hình thành: Năm 2019, Diễn đàn khí đốt tự nhiên Đông Địa Trung Hải (EMGF) thường niên lần thứ nhất được tổ chức ở Cairo. Năm 2020, diễn đàn này trở thành một tổ chức phi chính phủ với các thành viên khác nhau, bao gồm Cyprus, Ai Cập, Hy Lạp, Israel, Italy, Pháp, Jordan và chính quyền Palestine.

[Bất đồng tạm lắng, “bão khủng hoảng vẫn chưa tan trên Vùng Vịnh] 

Hiện có quan điểm cho rằng điều này sẽ thúc đẩy sự xuất hiện của một liên minh chính trị-kinh tế ở Đông Địa Trung Hải. Thoạt nghe có vẻ viển vông, nhưng việc một liên minh an ninh năng lượng cho ra đời một cộng đồng chiến lược khu vực không phải là điều chưa có tiền lệ: Cộng đồng kinh tế châu Âu ra đời từ Cộng đồng Than Thép châu Âu vào thập niên 1950.

Israel có đầy đủ lý do để tiếp tục đẩy sâu quan hệ với các đối tác hợp tác ở Đông Địa Trung Hải. Hy Lạp hiện cho phép lực lượng không quân Israel vào không phận của mình diễn tập để đổi lấy khí đốt tự nhiên, công nghệ quốc phòng và thông tin tình báo quân sự của Israel.

Tháng 4/2020, Hy Lạp đã tổ chức một cuộc tập trận đa quốc gia, trong đó máy bay chiến đấu của UAE và Israel bay cùng nhau. Israel có thể thực hiện chiều sâu chiến lược ở Đông Địa Trung Hải, nơi mà nước này chưa bao giờ đạt được ở khu vực Trung Đông.

Hy Lạp đã tham gia vào hai nhóm lợi ích chống lại Thổ Nhĩ Kỳ: Một nhóm là hợp tác với Cyprus và Ai Cập, nhóm còn lại là kết liên minh với Cyprus và Israel.

Tháng 1/2020, liên minh Hy Lạp-Cyprus-Ai Cập đồng ý xây dựng một tuyến đường ống chuyển khí đốt tự nhiên từ Đông Địa Trung Hải sang châu Âu để giảm bớt sự phụ thuộc của Liên minh châu Âu (EU) vào Nga về nguồn cung khí đốt tự nhiên. Từ trước đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ luôn tìm cách định vị mình là trung tâm của các hành lang năng lượng giữa Đông Địa Trung Hải và châu Âu, do đó điều này là một thông tin vô cùng tồi tệ đối với Thổ Nhĩ Kỳ.  

Mối quan hệ đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) giữa Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu đã trở nên xấu đi. Mùa Hè năm 2020, tàu của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến vào vùng biển tranh chấp giữa đảo Rhode và đảo Kastelorizo của Hy Lạp, khiến Hy Lạp dường như điều chuyển tất cả lực lượng hải quân đến khu vực này, và một lực lượng đặc nhiệm hải quân Pháp cũng tham gia hỗ trợ. Rất may sau đó Thủ tướng Đức Angela Merkel đã can thiệp để tránh được một cuộc xung đột lớn. 

Trung Đông đang thay đổi theo cách đầy bất ngờ ảnh 2Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sự việc đã tồi tệ đến mức Thổ Nhĩ Kỳ dường như không còn khả năng gia nhập EU. Nỗ lực tìm mọi cách để phát huy vai trò chiến lược lớn hơn ở khu vực Trung Đông của nước này cũng vấp phải trở ngại. Năm 2019, khi Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ Libya được quốc tế công nhận do Thủ tướng Abdul Hamid Dbeibah lãnh đạo ký một thỏa thuận để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế Libya theo các quy định của luật biển, một trong những mục đích của Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm đảm bảo bất cứ dự án nào của EMGF ở khu vực này đều không thể loại trừ Thổ Nhĩ Kỳ ra ngoài. 

Nói rộng hơn, Libya đã trở thành chiến trường của cuộc đối đầu ý thức hệ, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar cùng ủng hộ Dbeibeh - đồng minh cũ của Tổ chức anh em Hồi giáo (Ikhwān Muslimūn) và phong trào Salafi, Ai Cập và UAE lại ủng hộ nguyên soái Khalifa Haftar - Tư lệnh quân đội quốc gia Libya. Nga cũng kề vai sát cánh với lực lượng nổi dậy của tướng Khalifa Haftar ở Libya, với tư các là một trong những chiến lược khu vực vừa liên quan đến năng lượng vừa liên quan đến địa chính trị. 

Nga sở hữu 30% cổ phần mỏ khí đốt tự nhiên ngoài khơi Zohr của Ai Cập, cũng như 20% cổ phần của một công ty liên doanh thăm dò khai thác khí đốt tự nhiên Liban. Ngoài ra, Nga còn có được đặc quyền một lượng khí đốt tự nhiên lớn từ chính quyền ủy nhiệm ở Syria, đồng thời giam gia vào các dự án dầu mỏ và khí đốt tự nhiên ở Kurdistan thuộc Iraq. Tuyến đường ống TurkStream vận chuyển khí đốt tự nhiên đến Thổ Nhĩ Kỳ cũng được khởi động vào năm ngoái.

Nga hy vọng duy trì sự phụ thuộc của EU về khí đốt tự nhiên, đồng thời thiết lập một hành lang khí đốt tự nhiên mới thông đến Đông Nam Âu. Tuy nhiên, mối đe dọa mà Nga gây nên đối với lợi ích cốt lõi của phương Tây vẫn có thể kiểm soát. Mặc dù Nga là một thế lực không thể xem nhẹ ở Đông Địa Trung Hải, nhưng việc Nga thiếu năng lực kinh tế và quân sự cần thiết để thực hiện vai trò thống trị khu vực là điều không thể tranh cãi. 

Rốt cuộc, dù việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan đã làm dấy lên sự lo lắng của đồng minh vùng Vịnh Persian, nhưng Mỹ vẫn là lực lượng quân sự chủ yếu của Trung Đông, đồng thời cũng là bên bảo đảm không thể thiếu cho sự ổn định của khu vực. Mỹ và các nước đồng minh đang ở vị trí đặc biệt, có thể tấn công các nước lớn tìm cách thay đổi hiện trạng từ Iran, Thổ Nhĩ Kỳ cho đến Nga…, vừa có thể đảm bảo tự do hàng hải ở Đông Địa Trung Hải. 

Tuy nhiên, đối đầu trực tiếp chỉ gây nên sự hỗn loạn, hơn nữa có thể dẫn đến hậu quả tai hại. Ngược lại, với tư các là nước quan sát viên của EMGF, Mỹ nên tận dụng địa vị đặc biệt của mình để thuyết phục EMGF và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận tạm thời, bảo lưu con đường trở thành thành viên EMGF của Thổ Nhĩ Kỳ, cuối cùng tham gia thăm dò và chia sẽ lợi ích. Tóm lại, Mỹ cần triển khai thực hiện chính sách ngoại giao cân bằng ở Đông Á, ngăn chặn xảy ra xung đột giữa “bạn và thù” (cùng là đồng minh của Mỹ, nhưng lại là kẻ thù của nhau)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục