Trung Quốc khuyến khích người dân tiêm vaccine bằng phiếu giảm giá

Người dân tại quận Đại Hưng ở thủ đô Bắc Kinh sẽ được nhận phiếu giảm giá từ 8-30 Nhân dân tệ nếu họ đồng ý tiêm 2 mũi vaccine và có thể sử dụng những phiếu này tại các siêu thị trong quận Đại Hưng.
Trung Quốc khuyến khích người dân tiêm vaccine bằng phiếu giảm giá ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 14/3/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tại Trung Quốc, giới chức trách đang tìm cách khuyến khích người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 bằng các hình thức ưu đãi.

Theo đó, người dân tại quận Đại Hưng ở thủ đô Bắc Kinh sẽ được nhận phiếu giảm giá nếu họ đồng ý tiêm 2 mũi vaccine. Quận Đại Hưng, với dân số khoảng 1,8 triệu người, đã bắt đầu triển khai chiến dịch trên từ ngày 24/3.

Những người tham gia tiêm chủng sẽ được nhận phiếu giảm giá có trị giá từ 8 Nhân dân tệ (NDT - tương đương 1,23 USD) đến 30 NDT và những phiếu này có thể sử dụng tại các siêu thị trong quận Đại Hưng.

Các nhà chức trách cho hay hơn 200 triệu NDT (30,7 triệu USD) đã được phân bổ qua những phiếu giảm giá này. 

Thống kế của tờ Beijing Daily cho thấy hơn 73% người dân ở quận Đại Hưng từ 18 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19.

Theo số liệu chính thức, sản lượng vaccine ngừa COVID-19 mỗi ngày tại Trung Quốc đã lên mức hơn 5 triệu liều/ngày, gấp 3 lần so với mức 1,5 triệu liều/ngày ghi nhận hồi đầu tháng 2.

Tại Cuba, với các loại vaccine ngừa COVID-19 bào chế trong nước, nước này kỳ vọng đến tháng 8 tới, hơn 50% dân số nước này được tiêm chủng.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình nhà nước, bà Ileana Morales, Vụ trưởng Vụ Sáng kiến công nghệ và khoa học thuộc Bộ Y tế Cuba, cho hay nước này đặt mục tiêu đến tháng 8 tới sẽ tiêm chủng cho hơn 6 triệu người dân.

Cụ thể, giữa tháng 6 và tháng 7, Cuba có thể bắt đầu tiêm chủng cho gần 2,2 triệu người người cao tuổi cũng như các nhân viên y tế và người có bệnh nền.

Trung Quốc khuyến khích người dân tiêm vaccine bằng phiếu giảm giá ảnh 2Vaccine ngừa COVID-19 Soberana 2 do Cuba sản xuất. (Ảnh: New York Times)

Bà Morales cho biết thêm các nhà sản xuất vaccine ngừa COVID-19 trong nước có thể đăng ký xin cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Trung tâm Kiểm soát dược phẩm, thiết bị và thiết bị y tế quốc gia.

Hiện tại, Cuba đang tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với hai loại vaccine do nước này bào chế là Soberana 2 và Abdala với các tình nguyện viên tại thủ đô La Habana và một số tỉnh miền Đông như Santiago de Cuba, Guantanamo và Granma.

Nếu thành công, đây sẽ là hai vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được bào chế tại khu vực Mỹ Latinh.

Với dân số hơn 11 triệu người, Cuba đang nỗ lực kiềm chế số ca mắc mới COVID-19, sau khi nước này mở cửa trở lại các sân bay quốc tế và kỳ nghỉ lễ Giáng sinh năm ngoái.

Theo Bộ Y tế Cuba, đến tháng 5 tới, khoảng 1,7 triệu người dân thủ đô La Habana, nơi là tâm dịch tại đảo quốc này, sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 như một phần trong một nghiên cứu. Cuba đặt mục tiêu đến cuối năm nay, mọi người dân sẽ được tiêm chủng. 

Trong ngày 23/3, Cuba đã ghi nhận thêm 4 ca tử vong do COVID-19 và 774 ca mắc mới, nâng tổng số ca tử vong và ca lây nhiễm tại nước này lên lần lượt 401 và 68.250 ca.

[Campuchia tiêm vaccine COVID-19 miễn phí cho công nhân dệt may]

Trong khi đó, từ ngày 1/4 tới, Uzbekistan sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19, sử dụng vaccine AstraZeneca. Người cao tuổi, người khuyết tật, nhân viên chăm sóc y tế, nhân viên ngành giáo dục và lực lượng chấp pháp là những đối tượng được tiêm vaccine đầu tiên.  

Tuần trước, Uzbekistan đã tiếp nhận lô vaccine AstraZeneca đầu tiên gồm 660.000 liều trong khuôn khổ chương trình  COVAX theo sáng kiến của Tổ chức Y tế Thế giới và đang đợi tiếp nhận thêm 1,5 triệu liều vaccine cùng loại.

Ngoài ra, nước này đang đàm phán để mua 1 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga và sử dụng thêm vaccine của công ty dược phẩm Anhui Zhifei Longcom (Trung Quốc). 

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt cho biết Australia đang tìm cách tăng cường năng lực sản xuất vaccine ngừa COVID-19 trong nước.

Trước đó, ngày 23/3, Cơ quan Quản lý sản phẩm trị liệu (TGA) của nước này đã phê duyệt 4 lô vaccine AstraZeneca đầu tiên được sản xuất trong nước, với tổng cộng 832.000 liều, để cung cấp trên toàn quốc, giúp Australia không phụ thuộc vào nguồn cung vaccine từ nước ngoài.

Một khi đạt 100% công suất, công ty CSL của Australia có thể sản xuất 1 triệu liều/tuần. Cho đến nay, hơn 312.000 người dân Australia đã được tiêm chủng và nước này có kế hoạch phân phối hơn 500.000 liều trong những tuần tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục