Ngày 21/12, Trung Quốc đã phản đối một yêu cầu của Mỹ đưa 10 tàu biển được cho là chở hàng cấm từ Triều Tiên vào danh sách đen của Liên hợp quốc, nhấn mạnh Bắc Kinh cần thêm thời gian để đánh giá biện pháp này.
Trong số 10 tàu nói trên có tàu chở dầu Lighthouse Winmore và tàu chở hàng Kai Xiang mang cờ Hong Kong (Trung Quốc), cùng bốn tàu chở dầu và chở hàng là Ul Ji Bong 6, Rung Ra 2, Sam Jong 2 và Rye Song Gang của Triều Tiên. Nếu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chấp thuận yêu cầu của Mỹ, các tàu trên sẽ bị cấm cập cảng trên toàn thế giới.
Sau khi Ủy ban trừng phạt Triều Tiên đặt ra hạn chót để các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra sự phản đối yêu cầu này vào ngày 21/12, Trung Quốc đã phản hồi và cho biết nước này cần thêm thời gian để nghiên cứu yêu cầu của Washington. Đề xuất của Mỹ sẽ được xem xét thông qua vào ngày 28/12.
Động thái trì hoãn của Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh Mỹ đã trình một dự thảo nghị quyết về các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó cấm Triều Tiên xuất khẩu lương thực, máy móc, thiết bị điện tử, và các loại khoáng sản. Cụ thể, theo văn kiện này, các quốc gia được phép thu giữ, kiểm tra và phong tỏa bất kỳ tàu thuyền nào bị cho là chuyên chở những hàng hóa bị cấm đối với Triều Tiên khi tàu thuyền đó cập cảng, hay ở trong vùng lãnh hải của họ.
Ngoài ra, Mỹ cũng muốn áp đặt lệnh cấm đối với gần 90% lượng xuất khẩu các sản phẩm xăng dầu đã được tinh chế sang Triều Tiên. Dự kiến, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tiến hành bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết này trong ngày 22/12.
[Mỹ lưu hành dự thảo nghị quyết mới của HĐBA về trừng phạt Triều Tiên]
Trước đó, hồi tháng 10, Ủy ban Trừng phạt Triều Tiên đã đưa vào "danh sách đen" bốn tàu chở than, hải sản và quặng sắt từ Triều Tiên. Đây là những mặt hàng Bình Nhưỡng bị cấm xuất khẩu theo các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Đến nay, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng các cường quốc trên thế giới đã áp đặt nhiều nghị quyết trừng phạt để ngăn chặn Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân và tên lửa. Các lệnh cấm bao gồm cấm vận vũ khí, cấm xuất khẩu những mặt hàng như than, dệt may, hải sản, quặng và một số khoáng sản khác. Các biện pháp trừng phạt nhằm cắt đứt nguồn kinh phí cho chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng và gây sức ép buộc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngồi vào bàn đàm phán.
Trong diễn biến liên quan, Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố nước này đã trở thành một quốc gia chiến lược có khả năng gây ra một mối đe dọa hạt nhân "đáng kể" đối với Mỹ.
Trong một tuyên bố bằng tiếng Anh được KCNA đăng tải, ông Kim Jong-un "đã nhấn mạnh rằng không ai có thể phủ nhận sự tồn tại của Triều Tiên, đất nước đã nhanh chóng nổi lên thành một quốc gia chiến lược có khả năng gây ra một mối đe dọa đáng kể đối với Mỹ." Bên cạnh đó, ông Kim Jong-un cũng khẳng định sức mạnh hạt nhân phát triển nhanh chóng của Triều Tiên "đang gây ảnh hưởng lớn" trong cộng đồng quốc tế.
Tuyên bố trên được ông Kim Jong-un đưa ra trong bài phát biểu khai mạc một cuộc họp của Đảng Lao động Triều Tiên hôm 20/12. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên hồi tháng trước khẳng định đã hoàn thành việc vũ trang hạt nhân sau khi tiến hành phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà Bình Nhưỡng tuyên bố có thể đưa toàn bộ lãnh thổ Mỹ vào tầm bắn./.