TTVN qua SEA Games 27: Thách thức nâng tầm

Thể thao Việt Nam qua SEA Games 27: Thách thức nâng tầm

SEA Games vẫn là sân chơi vừa sức với thể thao nước nhà và vấn đề quan trọng được đặt ra sau kỳ Đại hội này là mục tiêu cũng như phương thức đầu tư của TTVN cho SEA Games. 
Thể thao Việt Nam qua SEA Games 27: Thách thức nâng tầm ảnh 1Điền kinh vẫn trông cậy vào những gương mặt kỳ cựu như Vũ Thị Hương (Nguồn: TTXVN)

Giành 73 huy chương vàng (HCV), 86 huy chương bạc (HCB) và 86 huy chương đồng (HCĐ), xếp vị trí thứ ba trên bảng tổng sắp huy chương, Đoàn Thể thao Việt Nam đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu HCV tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games lần thứ 27 diễn ra từ ngày 11 đến 22/12 ở Myanmar. 

Tuy nhiên, từ thành công cũng như thực tế thi đấu tại đấu trường khu vực đang đặt ra những thách thức và đòi hỏi nâng tầm với thể thao nước nhà. 

Thành công... 

Với thành phần gồm 750 thành viên, trong đó có 519 vận động viên (VĐV), Đoàn Thể thao Việt Nam tham gia tranh tài ở 29 trong tổng số 33 môn thể thao tại SEA Games 27 với mục tiêu giành từ 70 HCV trở nên để xếp thứ ba trong bảng tổng sắp huy chương.

Mục tiêu này được giới chuyên môn trong nước đánh giá là vừa sức nếu xét thực lực về chuyên môn, mặc dù nhiều môn và nhiều nội dung thế mạnh không có trong chương trình thi đấu chính thức của Đại hội.

Tuy nhiên, cũng phải tới ngày thi đấu áp chót, chỉ tiêu Vàng của Đoàn thể thao Việt Nam mới trở thành hiện thực khi sức cạnh tranh ở SEA Games này được xem là lớn hơn rất nhiều so với các kỳ Đại hội trước. Nếu đoàn thể thao Thái Lan sớm vượt lên để chiếm ngôi đầu bảng thì Myanmar với lợi thế chủ nhà cùng nhiều môn thế mạnh có trong chương trình thi đấu, cũng giành được số HCV nhiều nhất trong lịch sử tham dự SEA Games của nước này.

Ngoài ra, Đoàn thể thao Indonesia với dàn VĐV đồng đều trưởng thành từ SEA Games 2011, đã tạo sức cạnh tranh cho cuộc đua vào tốp 3 đến những ngày thi đấu cuối cùng.

Vượt qua sức ép đua tranh và cả sự thiên vị nhiều khi của trọng tài, thành công của thể thao Việt Nam mang đậm dấu ấn của các môn thế mạnh và đặc biệt là những môn cơ bản. Điền kinh lần đầu tiên giành được tới 10 HCV SEA Games; Bơi cũng để lại dấu ấn với 5 HCV; Vật khẳng định vị trí số 1 với 10 HCV; Bắn súng dù khó khăn cũng vượt gấp đôi chỉ tiêu Vàng với 7 chức vô địch cá nhân và đồng đội...

Trong số 28 môn mà thể thao Việt Nam có huy chương thì 14 môn có HCV và quan trọng hơn, số môn có trong chương trình thi đấu của Asian Games và Olympic chiếm đa số. Thành công chung của đoàn thể thao Việt Nam còn mang đậm dấu ấu của những gương mặt trẻ, những nhân tố quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho Asian Games 2014 và đặc biệt là Asian Games 2019 sẽ diễn ra tại Việt Nam. 

Đó là nữ kình ngư 17 tuổi Nguyễn Thị Ánh Viên với 3 HCV, 2 kỷ lục SEA Games; là Lâm Quang Nhật, nhà vô địch cự ly 1.500m nam mới ở tuổi 16; là Thạch Kim Tuấn 19 tuổi với tấm HCV cùng 2 kỷ lục SEA Games ở hạng 56kg môn cử tạ nam. 

Nhưng chưa trọn... 

Vượt chỉ tiêu HCV, thể thao Việt Nam có một kỳ SEA Games nữa thành công nếu xét trên góc độ thành tích. 

Nhưng cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng sức tác động của thành công đó với dư luận xã hội là chưa lớn mà rõ nhất là thất bại của môn bóng đá nam.

Về phía lãnh đạo ngành thể dục thể thao và cả Trưởng đoàn thể thao Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, ông Lâm Quang Thành trong các lần trao đổi với báo chí đã cho biết quá trình chuẩn bị cho SEA Games 27 của đội tuyển U23 Việt Nam năm nay còn nhiều bất cập trong bối cảnh bóng đá chuyên nghiệp gặp khó khăn. 

Thất bại của bóng đá nam còn xuất phát từ thực lực về chuyên môn, con người mà rõ ràng nếu không thay đổi cung cách quản lý, đầu tư thì khó tạo được sự chuyển biến theo hướng tích cực.

Không chỉ bóng đá nam làm buồn lòng người hâm mộ, còn nhiều đội tuyển khác như bóng chuyền, cầu lông, đua thuyền... cũng chưa thực sự vượt lên được chính mình, thua sút về đẳng cấp so với đối thủ.

Ngay cả các môn dù có Vàng như Pencak silat, Karatedo, Muay, ngoài yếu tố bị trọng tài xử ép thì một điều đáng lo ngại là nội lực của các VĐV ta đang có dấu hiệu tụt lại và thiếu sức bật cần thiết.

Bên cạnh đó, ngoài những nguyên nhân khách quan, sức ép quá lớn để hoàn thành chỉ tiêu, việc thiếu thông tin về đối thủ, cộng cả tâm lý thi đấu của không ít tuyển thù còn yếu... chính là nguyên nhân khiến thể thao Việt Nam mất nhiều tấm HCV, dù đã nằm trong dự kiến và cần phải được ngành thể thao sớm rút kinh nghiệm nghiêm túc và thẳng thắn mổ xẻ. 

Thách thức nâng tầm... 

Qua SEA Games 27, sân chơi thể thao số 1 của khu vực Đông Nam Á tiếp tục bộc lộ nhiều bất cập về chuyên môn, nhưng quả thật, đây vẫn là sân chơi vừa sức với thể thao nước nhà và vấn đề quan trọng được đặt ra sau kỳ Đại hội này là mục tiêu cũng như phương thức đầu tư của thể thao Việt Nam cho SEA Games.

SEA Games cần phải trở thành "bàn đạp" cho thể thao Việt Nam nâng tầm chuyên môn, tiếp cận mặt bằng châu lục và thế giới, thay vì tốn kém đầu tư chỉ để đạt được mục tiêu huy chương hay thứ hạng.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Lâm Quang Thành đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm: "Trong tương lai, thể thao Việt Nam cần phải xem xét lại việc tham dự SEA Games nếu vẫn tốn kém. Có thể chúng ta vẫn sẽ tham gia Đại hội thể thao khu vực, nhưng một số môn thể thao sẽ phải chuyển giao cho các địa phương đầu tư chuẩn bị, còn ngành thể thao chỉ tập trung đầu tư mạnh cho các nội dung Olympic”. 

Nếu tiến hành theo cách đầu tư này thì đây sẽ là bước chuyển mình quan trọng nữa của thể thao Việt Nam, bởi chỉ có những môn thể thao cơ bản nhất mới là thước đo chuẩn xác nhất cho sự phát triển của bất kỳ một nền thể thao nào. Với thể thao Việt Nam hiện nay, thách thức gần là Asian Games lần thứ 8 diễn ra tại Incheon (Hàn Quốc) vào năm 2014 và chỉ 5 năm sau đã là kỳ Asian Games đầu tiên được tổ chức trên sân nhà mà ở đó, mục tiêu sớm được vạch ra - giành khoảng 10 HCV để đứng trong tốp 10 châu Á. 

Để đạt được mục tiêu đó thì ngay từ bây giờ, cuộc chuẩn bị lớn phải bắt đầu. Bắt đầu ngay từ cả thành công lẫn thất bại tại SEA Games 27./. 

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục