Từ chiến lược "ngược dòng" tới bước đi thận trọng của Thụy Điển

Giới chuyên gia nhìn nhận sự đảo ngược về chiến lược chống dịch của Thụy Điển ở thời điểm hiện nay xuất phát từ những “bài học phũ phàng” khi chính phủ của Thủ tướng Stefan Lofven chậm trễ hành động.
Từ chiến lược "ngược dòng" tới bước đi thận trọng của Thụy Điển ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Stockholm, Thụy Điển. (Ảnh: THX/TTXVN)

Việc Chính phủ Thụy Điển quyết định hoãn cho tới tháng 6 kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng chống dịch COVID-19 được xem là một động thái khá bất ngờ, khi mà phần lớn các nước châu Âu khác đang dần mở cửa trở lại.

Đây là lần thứ hai trong năm nay, Chính phủ của Thủ tướng Stefan Löfven hoãn kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế. Bước đi thận trọng của Thụy Điển được đánh giá là một sự thay đổi lớn so với thời điểm đại dịch xuất hiện ở châu Âu hơn 1 năm trước.

Khi đó, tiêu chí chống dịch của Thụy Điển là hướng tới "miễn dịch cộng đồng" tự nhiên mà không áp dụng bất kỳ biện pháp hạn chế, phong tỏa hay giãn cách xã hội nào nhằm ngăn ngừa sự lây lan của virus SARS-CoV-2 như hầu hết các nước khác trên thế giới.

Nhiều chuyên gia đã gọi mô hình đối phó với COVID-19 mà quốc gia trên bán đảo Scandinavia này thực hiện thời điểm đó là "chiến lược ngược dòng.”

Làn sóng dịch đầu tiên bùng phát ở châu Âu cuối tháng 2 năm ngoái, 4 quốc gia trên bán đảo Scandinavia, gồm Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch và Phần Lan, cũng là những nước phát triển hàng đầu thế giới, không tránh khỏi các ca lây nhiễm.

Chiến lược chống COVID-19 của các nước này khác nhau, nhưng duy nhất ở Thụy Điển, các quán bar, trường học vẫn mở cửa, người dân vẫn thoải mái uống càphê trên đường phố và phong tỏa chỉ là khuyến nghị không bắt buộc.

Giới chức Thụy Điển cho rằng phong tỏa bắt buộc là không bền vững và cách hành động tốt nhất là khuyến nghị cách ly xã hội tự nguyện, nói cách khác là trông chờ người dân tự giác.

[Dịch COVID-19: Áp lực gia tăng tại nhiều bệnh viện của Thụy Điển]

Đây là cách tiếp cận tương tự những gì nước Anh lựa chọn ban đầu, trước khi chuyển sang phong tỏa hoàn toàn. Trong khi đó, cả Na Uy, Đan Mạch và Phần Lan đều là những nước châu Âu đầu tiên tiến hành phong tỏa khi dịch bệnh bùng phát.

Ba tháng sau, khi các quốc gia Scandinavia khác chứng kiến số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 giảm, con số này ở Thụy Điển lại gia tăng. Đến đầu tháng 6/2020, hơn 4.500 người ở Thụy Điển đã tử vong do COVID-19, và chính thực trạng này đã khiến Thụy Điển phải hứng chịu một "dấu mốc buồn," đó là ghi nhận số ca tử vong trong quãng thời gian nửa đầu các năm cao nhất trong vòng 150 năm,

Từ chiến lược "ngược dòng" tới bước đi thận trọng của Thụy Điển ảnh 2Tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 tại một viện dưỡng lão ở Nykoping, Thụy Điển, ngày 27/12/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2020, quốc gia Bắc Âu này có 51.405 ca tử vong, cao hơn 15% (6.500 ca tử vong) so với cùng kỳ năm 2019. Đây là số trường hợp tử vong cao nhất tại Thụy Điển tính trong 6 tháng đầu năm kể từ năm 1869, khi nạn đói hoành hành và cướp đi sinh mạng của 55.431 người dân nước này.

Trên bán đảo Scandinavia, cùng thời điểm, nước láng giềng Phần Lan ghi nhận số ca tử vong thấp hơn 10 lần so với Thụy Điển. Số ca tử vong tại Thụy Điển theo tỷ lệ dân số cũng cao gấp 5 lần so với Na Uy và hơn 2 lần so với Đan Mạch.

Điều đáng nói hơn, các nghiên cứu thực hiện cuối tháng 4/2020 cho thấy với cách thức ứng phó dịch bệnh "ngược dòng" của Thụy Điển, chỉ có 7,3% dân số ở thủ đô Stockholm đã phát triển các kháng thể cần thiết để chống lại virus SARS-CoV-2, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 70-90% cần thiết để có thể tạo miễn dịch cộng đồng.

Trước những diễn biến này, không chỉ các nhà khoa học hàng đầu Thụy Điển công khai chỉ trích chiến lược chống dịch “lỏng lẻo” và kêu gọi thay đổi, mà người dân cũng bày tỏ bất bình, đặc biệt khi người cao tuổi là đối tượng phải “trả giá.”

Một thống kê công bố tháng 5/2020 cho thấy khoảng 40% các bệnh nhân COVID-19 ở Thụy Điển là từ 70 tuổi trở lên và 90% ca tử vong do COVID-19 là thuộc nhóm đối tượng này.

Chuyên gia về virus người Thụy Điển Lena Einhorn cho rằng chính phủ cần thừa nhận quan điểm "miễn dịch cộng đồng" tự nhiên, không thực hiện biện pháp cách ly để kiểm soát dịch là một thất bại, bởi họ từng tuyên bố mục đích chính là bảo vệ người cao tuổi.

Hơn nữa, mục tiêu "ưu tiên kinh tế" trong chiến lược chống dịch này cũng không đạt được. Tháng 6/2020, Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển Magdalena Andersson cảnh báo nền kinh tế nước này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Dịch bệnh kéo dài không chỉ khiến số người thất nghiệp tại Thụy Điển tiếp tục tăng, mà còn khiến số người thất nghiệp trong dài hạn tăng nhanh hơn.

Trên thực tế, bước thay đổi trong chiến lược chống dịch của Thụy Điển cũng không diễn ra nhanh chóng và dễ dàng, hay như đánh giá của các chuyên gia, những điều chỉnh thường chậm hơn tốc độ lây lan của virus.

Ví dụ khi dịch đã lây lan cho khoảng một nửa số cơ sở chăm sóc người cao tuổi ở Stockholm, chính phủ mới ban hành quy định tạm ngừng đến thăm các viện dưỡng lão. Ngay cả trong thời kỳ dịch bệnh nghiêm trọng nhất, Thụy Điển vẫn không áp đặt lệnh phong tỏa, cũng không yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng, mà chỉ khuyến nghị người dân nên ở nhà và tránh di chuyển khi không cần thiết.

Giáo sư Jan Lötvall tại Đại học Gothenburg cho rằng chính những thông điệp không rõ ràng từ các cơ quan y tế và nhà chức trách Thụy Điển đã khiến người dân không hiểu đúng về mức độ nghiêm trọng của tình hình.

"Bước ngoặt" thay đổi chỉ xuất hiện khi làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 thứ hai tấn công Thụy Điển vào mùa Thu năm 2020 nghiêm trọng hơn so với dự báo. Thụy Điển nằm trong số những nước có số ca mắc tính theo đầu người cao nhất ở châu Âu, buộc Thủ tướng Stefan Lofven phải thừa nhận rằng dường như giới chuyên gia nước này đã đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của virus và khả năng xảy ra làn sóng dịch thứ hai.

Kể từ tháng 11/2020, Thụy Điển đã dần dần thắt chặt các biện pháp phòng dịch, trong đó có lệnh cấm bán rượu sau 20h hằng ngày và cấm tập trung quá 8 người nơi công cộng, giới hạn số người được phép có mặt cùng lúc tại các trung tâm thể thao, bể bơi, trung tâm mua sắm, đồng thời khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, đây vẫn được coi là những “biện pháp nhẹ nhàng.”

Chỉ tới khi số ca tử vong do COVID-19 ở Thụy Điển vượt 10.000 ca hồi tháng 1 năm nay, một đạo luật chống dịch COVID-19 mới được thông qua, trao cho chính phủ quyền áp đặt những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong nước. Cũng từ đầu năm nay, người dân Thụy Điển mới bắt buộc phải đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Thụy Điển hiện đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ ba, tỷ lệ số ca mắc trên 100.000 dân thuộc hàng cao nhất châu Âu. Số ca mắc trên cả nước kể từ khi dịch bùng phát đã vượt con số 1 triệu (khoảng 10% dân số), cao hơn rất nhiều so với 3 nước láng giềng Scandinavia (dao động từ 90.000-270.000 ca).

Số trường hợp tử vong là hơn 14.300, gấp nhiều lần so với khoảng 2.500 ca tử vong ở Đan Mạch và dưới 1.000 ca ở Na Uy và Phần Lan, những quốc gia ngay từ đầu đã áp dụng các quy định chống dịch nghiêm ngặt và đều đã tránh được làn sóng lây nhiễm thứ ba.

Đó có lẽ là lý do dẫn tới việc Chính phủ Thụy Điển thận trọng chưa nới lỏng các biện pháp hạn chế như phần lớn các nước châu Âu khác.

Giới chuyên gia nhìn nhận sự đảo ngược về chiến lược chống dịch của Thụy Điển ở thời điểm hiện nay xuất phát từ những “bài học phũ phàng” khi chính phủ của Thủ tướng Stefan Lofven chậm trễ hành động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục