Từ dịch bệnh viêm phổi ở Vũ Hán đến nguy cơ an ninh quốc gia

Dịch bệnh khiến số người thiệt mạng tăng cao có thể gây ra mối rủi ro trực tiếp đối với an ninh quốc gia vì điều này có nguy cơ làm suy yếu, hủy hoại đáng kể một tỷ lệ dân số.
Từ dịch bệnh viêm phổi ở Vũ Hán đến nguy cơ an ninh quốc gia ảnh 1Điều trị cho bệnh nhân nhiễm chủng virus corona mới tại bệnh viện ở thành phố Trùng Khánh, miền Tây Nam Trung Quốc ngày 1/2/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trang mạng eurasiareview.com đưa tin chủng virus corona mới (2019-nCoV) ảnh hưởng tới hàng nghìn người Trung Quốc là một bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người và các trường hợp có loại virus này đã được ghi nhận trên phạm vi toàn cầu.

Trước nguy cơ lây lan nhanh chóng của dịch bệnh này, vấn đề an ninh sức khỏe toàn cầu trở thành vấn đề an ninh quốc gia.

Cho đến nay, đa phần các trường hợp mắc virus này đều được xác định tại Trung Quốc.

[Dịch viêm đường hô hấp cấp: Số ca tử vong tại Trung Quốc tăng lên 360]

Tuy nhiên, hàng chục ca khác đã xuất hiện ở nhiều nước khác trên thế giới và giới chức y tế đã phải thiết lập các trạm kiểm soát dịch bệnh trên khắp thế giới.

Thế nhưng, do những triệu chứng không bộc lộ trong thời kỳ ủ bệnh nên nhiều trường hợp có thể sẽ lọt qua hệ thống giám sát.

Một điều chắc chắn là những bệnh dịch truyền nhiễm không thể kiểm soát được và vẫn có thể phát triển bất chấp những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của chúng.

Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự bùng phát nhiều loại dịch bệnh như dịch cúm lợn (H1N1), cúm gia cầm (H7N9), bệnh bò điên, hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).

Tuy nhiên, 2019-nCoV lại mạnh hơn tất cả các loại virus nói trên.

Sự bùng phát các bệnh truyền nhiễm và những mối đe dọa của chúng đối với an ninh và an toàn con người là không mới. Ví dụ, dịch Ebola hồi năm 2014-2015 ở châu Phi đã khiến hơn 11.000 người thiệt mạng.

Ngoài gây thiệt mạng về người, sự bùng phát và lây lan dịch bệnh virus corona có thể gây ra những hệ quả to lớn về thương mại và việc đi lại đối với nước bị ảnh hưởng.

Những tác động về mặt kinh tế mà những bệnh truyền nhiễm này gây ra có thể mang tính hủy hoại.

Chỉ riêng việc các hải cảng đóng cửa đã gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD cho Bắc Kinh, nhất là trong dịp Năm mới 2020.

Nếu như tổng thiệt hại kinh tế đối với 3 quốc gia Tây Phi chịu ảnh hưởng dịch Ebola là 2,8 tỷ USD thì con số này sẽ cao hơn rất nhiều đối với Bắc Kinh trước dịch virus mới nói trên.

Vì vậy, việc thảo luận vấn đề an ninh con người, vốn trái ngược với những ý tưởng về an ninh truyền thống trước đây, là điều hoàn toàn hữu ích trong việc hiểu được cách thức mà cộng đồng quốc tế đối phó với bệnh truyền nhiễm như 2019-nCoV hiện nay.

Tác động rõ nét nhất mà dịch bệnh gây ra sự bất ổn cho một quốc gia hay một khu vực chính là số người thiệt mạng.

Dịch bệnh khiến số người thiệt mạng tăng cao có thể gây ra mối rủi ro trực tiếp đối với an ninh quốc gia vì điều này có nguy cơ làm suy yếu, hủy hoại đáng kể một tỷ lệ dân số.

Một mối nguy hại khác là khi dịch bệnh nhắm vào những thành phần dân số vốn là nguồn lực cho sản xuất và thực hiện công tác quốc phòng cho đất nước bị ảnh hưởng.

Những bệnh truyền nhiễm có thể gây ra sự hủy hoại đáng kể về mặt xã hội thông qua nỗi sợ hãi và lo sợ (dựa trên thông tin xác thực hoặc thông tin bị ém nhẹm).

Ngoài ra, việc mất đi những người nắm giữ các vị trí chủ chốt trong xã hội do mắc bệnh, sự phân biệt đối xử giữa các nhóm người bị ảnh hưởng, và sự mất đi của đa số (hoặc toàn bộ) các nhóm nhân khẩu cụ thể, cũng là những nhân tố gây bất ổn xã hội và làm rạn nứt xã hội.

Vì vậy, nhìn chung, 2019-nCoV là một cuộc thử thách tiếp theo đối với hệ thống kiểm soát dịch bệnh toàn cầu, nơi mà mỗi nước sẽ cần phải sẵn sàng thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cũng như nguy cơ dịch bệnh phát triển sang một giai đoạn mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục