Tuổi 75 của Liên hợp quốc trong một thế giới đầy hoài nghi và chia rẽ

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonia Guterres nói rằng “trong bối cảnh sự hỗn loạn ngày càng gia tăng, lòng tin giữa các nước với nhau ngày càng suy giảm.”
Tuổi 75 của Liên hợp quốc trong một thế giới đầy hoài nghi và chia rẽ ảnh 1Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo AFP, Liên hợp quốc bước vào tuổi 75 trong bối cảnh thế giới vẫn đang đầy rẫy những bất ổn: Mỹ tiếp tục là một siêu cường thống trị nhưng đang trên đà suy yếu, trong khi cường quốc châu Á đang trỗi dậy trước một châu Âu đang ngày càng chia rẽ, và một Trung Đông bị kẹt giữa các bên.

Tại các trụ sở của Liên hợp quốc ở New York, Chiến tranh Lạnh chưa bao giờ thực sự chấm dứt. Ngay cả khi thế giới vẫn đang nỗ lực để tránh một cuộc Chiến tranh Thế giới III, các cuộc xung đột vẫn kéo dài triền miên suốt nhiều năm và nguy cơ xảy ra xung đột lan rộng vẫn còn rất cao, minh chứng là vụ căng thẳng suýt leo thang thành chiến tranh sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tiêu diệt tướng hàng đầu của Iran tại Baghdad (Iraq).

Trong một bài phát biểu mới đây, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonia Guterres đã nói rằng “trong bối cảnh sự hỗn loạn ngày càng gia tăng, lòng tin giữa các nước với nhau ngày càng suy giảm” đồng thời gọi vô số thách thức hiện nay là “một phép thử quan trọng đối với chủ nghĩa đa phương.”

[Liên hợp quốc đặc biệt quan ngại về đụng độ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria]

Ông Guterres nhấn mạnh trong một cuộc thảo luận về Hiến chương Liên hợp quốc hồi đầu tháng 1 vừa qua rằng “chúng ta đã chứng kiến sự thiết hụt lòng tin ở các đường phố trên khắp thế giới, khi người dân thể hiện sự thất vọng của mình và bày tỏ cảm nghĩ của họ rằng các thể chế chính trị đang mất kiểm soát, bất lực và không sẵn sàng thực hiện những lời hứa. Chúng ta còn chứng kiến điều đó ngay trong hoạt động của Liên hợp quốc bao gồm cả Hội đồng Bảo an, khi các nước thành viên vật lộn và không thể tìm ra được một lập trường chung hợp lý.”

Những cuộc xung đột bất cân xứng

Lời tuyên thệ của Liên hợp quốc - sẽ là một diễn đàn toàn cầu có nhiệm vụ giải quyết các xung đột - đã dần suy yếu một cách đáng kể ngay sau khi các cường quốc nổi lên từ sự đổ nát của Chiến tranh Thế giới II nêu lên ý tưởng này tại hội nghị Yalta vào tháng 2/1945.

Đối với một số người, những rạn nứt trong tổ chức này thực sự bắt đầu xuất hiện vào năm 2011 với sự kích hoạt của cuộc nội chiến Syria và vụ lật đổ nhà lãnh đạo độc tài Libya Moammar Kadhafi do các cường quốc phương Tây đạo diễn.

Đối với một số khác, đó là vụ xâm lược Iraq của liên quân Anh-Mỹ vào năm 2003, đã giáng một đòn mạnh vào hệ thống quốc tế. Chiến tranh bất cân xứng đã thế chỗ cho cán cân quyền lực đầy rủi ro từng đánh dấu thời hoàng kim của Chiến tranh Lạnh, với các vụ tấn công xảy ra trên các đường phố châu Âu, châu Á, châu Phi và Trung Quốc hiện đã trở nên quá thường xuyên, thậm chí thành những câu chuyện thường ngày nhàm chán.

Mối đe dọa cũ của sự phổ biến hạt nhân đã một lần nữa nổi lên bởi những mối nguy hiểm mới của sự ấm lên toàn cầu.

Việc Mỹ rút dần khỏi bàn cờ thế giới trong thập kỷ qua, cùng với sự bướng bỉnh của châu Âu, đã tạo điều kiện để Nga áp dụng chủ nghĩa bành trướng của mình, và nó được cho là khó mà có thể ngăn chặn ở những khu vực khủng hoảng như là Syria, Libya, Venezuela hay Triều Tiên. Richard Gowan, chuyên gia của hãng nghiên cứu Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nói với AFP: “Cách tiếp cận của Nga với Liên hợp quốc luôn có sự tính toán khôn ngoan hơn so với chính sách ngoại giao của phương Tây. Mỹ và châu Âu luôn coi Hội đồng Bảo an là một sân khấu để đưa ra những tuyên bố mang tính răn dạy lớn lao hơn là theo đuổi một nỗ lực có thể tạo ra những thỏa thuận ngoại giao thực thụ.”

Trung Quốc đã trở thành nhà tài trợ lớn thứ hai của Liên hợp quốc, sau Washington, song vẫn đang duy trì những bước đi thận trọng trên toàn thế giới.

Bertrand Badie, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chính trị (IPE) tại Paris, nói với AFP: “Trung Quốc có một chính sách ngoại giao rõ ràng hơn bao giờ hết, song mục tiêu của chính sách này là tách một chủ nghĩa đế quốc thống trị ra khỏi một sự can thiệp trong nhiều lĩnh vực, điều mà họ hoài nghi.”

So với cách đây 75 năm, hiện còn lại rất ít điểm quy chiếu.

“Thế giới của những cái tôi”

Kể từ khi thành lập, Liên hợp quốc đã có 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an với các quyền phủ quyết, và thế giới quan của hội đồng này phản ánh sự phân chia quyền lực cũ đó.

Chuyên gia Badie nhận định rằng “phía Nam không bao giờ thực sự hòa nhập vào cuộc chơi toàn cầu”, đồng thời nhấn mạnh có một “trật tự mới mà các cường quốc cũ không nhận thức được.”

Trong khi đó, Gowan cho rằng “Trong Chiến tranh Lạnh, Hội đồng Bảo an đã thông qua tương đối ít nghị quyết. Các nhà ngoại giao xuất thân từ kỷ nguyên đó không hài lòng về những nghị quyết to lớn mà Hội đồng hiện nay đã thông qua liên quan đến các chiến dịch gìn giữ hòa bình, trong đó bao trùm mọi thứ từ các vấn đề nhân đạo cho đến biến đổi khí hậu.”

Chuyên gia quan sát thấy rằng trong những ngày này, “ngay cả những quan chức của Liên hợp quốc cũng cảm thấy rằng hầu hết các nghị quyết của Hội đồng Bảo an đều quá dài dòng và phức tạp đến mức khó có thể thực thi.”

Đó là còn chưa kể đến việc các nghị quyết này không thể được thông qua, hay các điều kiện chúng đặt ra mà các nước thành viên không thể đáp ứng, chẳng hạn như các thỏa thuận về khí hậu, thỏa thuận hạt nhân Iran, và các hiệp ước giải trừ vũ khí. Badie nhận định: “Hội đồng Bảo an đã đánh mất sự tín nhiệm mà từ trước đến nay cũng chỉ mang tính hình thức. Bây giờ, thậm chí họ còn đánh mất cả tín nhiệm bề ngoài đó khi phải đối diện với sự hỗn loạn của các cuộc chơi giữa các siêu cường.”

Một đại sứ Liên hợp quốc bày tỏ sự xót xa về “một thế giới của những cái tôi luôn lợi dụng các cuộc khủng hoảng làm cơ hội để phô trương sức mạnh” trong khi ở thời Chiến tranh Lạnh đã có nhiều nỗ lực hơn để “bảo vệ những thường dân và các quyền con người.”

Thời đó, “việc đàm phán với các đối thủ thường dễ dàng hơn,” một quan chức Liên hợp quốc nhấn mạnh. Đối với Guterres, có một mối lo sợ thực sự về cái mà người đứng đầu Liên hợp quốc hồi tháng 9/2019 gọi là một “Sự rạn nứt lớn: thế giới đang chia thành hai, với việc hai nền kinh tế lớn nhất trên trái đất đang thiết lập hai thế giới chia rẽ và cạnh tranh nhau, mỗi bên có một đồng tiền chi phối của riêng mình, các quy tắc tài chính và thương mại riêng, mạng internet riêng và các năng lực trí tuệ nhân tạo riêng, và cả những trò chơi chiến lược quân sự và địa chính trị được mất ngang nhau của họ”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục