Vì sao 4 ca khúc Trịnh Công Sơn chưa được cấp phép không bị xử phạt?

Liên quan đến 4 ca khúc của nhạc sỹ họ Trịnh chưa được cấp phép phổ biến khiến dư luận bức xúc những ngày qua, đại diện Cục biểu diễn Nghệ thuật đã có trả lời chính thức chiều 12/4 tại Hà Nội.
Vì sao 4 ca khúc Trịnh Công Sơn chưa được cấp phép không bị xử phạt? ảnh 1Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và em gái Trịnh Vĩnh Trinh. (Ảnh: Gia đình cung cấp)

Liên quan đến 4 ca khúc “Nối vòng tay lớn,” “Ca dao mẹ,” “Huế - Sài Gòn – Hà Nội,” “Đêm thấy ta là thác đổ” do Trường Đại học Y dược Huế và gia đình nhạc sỹ Trịnh Công Sơn tổ chức vào đêm nhạc “Nối vòng tay lớn” (21/4) gặp khó khăn do chưa được cấp phép phổ biến khiến dư luận bức xúc những ngày qua, đại diện Cục biểu diễn Nghệ thuật, Cục bản quyền tác giả, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những giải đáp chính thức với báo chí tại buổi họp báo thường kỳ quý 1 vào chiều 12/4 tại Hà Nội.

Trước câu hỏi, "4 ca khúc của cố nhạc sỹ họ Trịnh từng được nhiều nghệ sỹ hát trong các chương trình nghệ thuật, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông lại chưa được cấp phép?" ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã thẳng thắn cho biết: “Tôi muốn lưu ý với báo chí truyền thông về việc sử dụng đúng thuật ngữ liên quan đến bốn ca khúc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn bị tạm dừng chứ không phải bị cấm. Chúng tôi, vẫn phải làm đúng quy định pháp luật, rõ ràng trong danh mục các ca khúc chưa có giấy phép phổ biến theo quy định pháp luật (Nghị định 79/2012/NĐ-CP và Nghị định 15/2016/NĐ-CP) chưa có tên các ca khúc này theo. Thực tế hiện nay còn rất nhiều ca khúc, dù được biểu diễn rộng rãi nhưng các chủ sở hữu chưa cung cấp dữ liệu qua cổng thông tin của Cục để chúng tôi thẩm định và cấp phép.”

“Quay trở lại bài hát của Trịnh Công Sơn, vì sao chưa được cấp phép mà vẫn được biểu diễn trên các sân khấu biểu diễn lớn, nhỏ bởi đó là các ca khúc được đánh giá tốt về nội dung cũng như nghệ thuật và trong các chương trình cụ thể khi trình lên Cục và các sở văn hóa, Thể thao và Du lịch ở các địa phương có thẩm quyền cho phép biểu diễn. Thực tế, sau khi trường trường đại học Y dược Huế và gia đình nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đề nghị lên Cục về đêm nhạc ‘Nối vòng tay lớn’ chúng tôi đã xem xét, thẩm định dữ liệu và cho phép biểu diễn ca khúc ‘Nối vòng tay lớn’ đêm 21/4 tại Huế,” ông Lê Minh Tuấn cho biết.

Cũng theo ông Tuấn, ca khúc “Nối vòng tay lớn” của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã được ban hành văn bản cho phép được phổ biến và lưu hành hợp pháp sáng 12/4.

Văn bản nêu rõ, xét đề nghị kèm hồ sơ ngày 28/3/2017 của Trường Đại học Y dược Huế về việc cấp giấy phép phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975; Căn cứ Biên bản thẩm định của Hội đồng nghệ thuật ngày 11/4/2017 và Đề nghị của Trưởng phòng Quản lý Băng đĩa, ca khúc “Nối vòng tay lớn” - tác giả Trịnh Công Sơn sáng tác trước năm 1975, được phép phổ biến trên toàn quốc.

Vì sao 4 ca khúc Trịnh Công Sơn chưa được cấp phép không bị xử phạt? ảnh 2Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Liên quan đến những trường hợp ca khúc khác được biểu diễn nhưng hiện chưa được cấp phép, ông Lê Minh Tuấn khẳng định: “Thủ tục hành chính hiện nay rất đơn giản, chúng tôi rất mong các tác giả, gia đình chủ sở hữu các ca khúc gửi các dữ liệu qua cổng thông tin của cục để chúng tôi tiến hành thẩm định và cấp phép.”

Về phía gia đình nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, bà Trịnh Vĩnh Trinh - em gái cố nhạc sỹ bày tỏ rằng, tất cả các thành viên không hề biết chuyện 4 ca khúc kể trên chưa hề được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép phổ biến và lưu hành, đặc biệt là ca khúc “Nối vòng tay lớn."

Theo bà Trịnh Vĩnh Trinh, trong đêm nhạc kỷ niệm 16 năm ngày mất của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn ở đường sách Thành phố Hồ chí Minh hôm 1/4, gia đình được Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cấp phép biểu diễn hơn 40 bài trong đó có "Nối vòng tay lớn" "Đêm thấy ta là thác đổ." Vì vậy, từ phía gia đình cố nhạc sỹ thấy rất băn khoăn khi những ca khúc này không được cấp phép biểu diễn tại Huế trong đêm nhạc 21/4.

Liên quan đến câu hỏi, “tại sao có sự chênh nhau khá lớn giữa danh mục những ca khúc trước năm 1975 được cấp phép phổ biến trên Cổng thông tin của Cục Nghệ thuật Biểu diễn và bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch?” ông Tuấn thừa nhận: “Chúng tôi đã biết bất cập này từ lâu nhưng sở dĩ sự không đồng nhất này nằm ở lỗi kỹ thuật, dung lượng trên cổng thông tin của Cục bé hơn của Bộ nên chúng tôi cập nhật số lượng các ca khúc bị thiếu” (!?)

Liên quan đến quyết định Cục Nghệ thuật Biểu diễn gửi các Sở văn hóa, thu hồi 5 ca khúc: “Cánh thiệp đầu xuân” (Lê Dinh - Minh Kỳ), “Rừng xưa” (Lam Phương), “Chuyện buồn ngày xuân” (Lam Phương), “Đừng gọi anh bằng chú” (Diên An), “Con đường xưa em đi” (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương) trước câu hỏi của báo chí, “nếu xác minh được bản gốc của các ca khúc trên thì có được cấp phép biểu diễn lại không?” ông Đào Đăng Hoàn – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết: “Việc xác minh và thẩm định bản gốc rất khó nói. Chúng tôi cần thời gian và sự phối hợp với các bên để thu thập dữ liệu, thẩm định. 5 ca khúc này có những sai sót cần thẩm định lại như ca từ khác với bản gốc, sai tên tác giả… Ban đầu, thực tế là có tất cả 10 bài bị cấm lưu hành. Cục đã phối hợp các Sở, thẩm định nhiều lần, cuối cùng đi đến kết luận có 5 bài đã vi phạm bản quyền."

"Tôi nghĩ rằng, rất nên thông cảm cho đất nước chúng ta, trong vấn đề quản lý văn hóa. Trong quá trình như vậy, không phải là vấn đề một sớm một chiều, bởi lịch sử của đất nước chúng ta, sau năm 1975 và trước năm 1975 còn nhiều bất cập, cần đồng bộ hóa. Tôi muốn nhấn mạnh lại, rất nhiều ca khúc được biểu diễn và có chất lượng tốt về nghệ thuật hiện nay không phải không được mà chưa được cấp phép.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục