Thời nay, khi bàn xoay thủ công dần được thay thế bằng những chiếc máy công nghiệp để phù hợp với tốc độ phát triển nhanh chóng của thị trường, thì có một người vẫn kiên trì giữ nguyên phương thức làm gốm thủ công truyền thống, đó chính là nghệ nhân ưu tú Phạm Anh Đạo, người con của làng gốm Bát Tràng.
Người đúng như tên gọi, nghệ nhân Phạm Anh Đạo giống như một đường thẳng tăm tắp, anh cứ mộc mạc, chân thành và quá đỗi giản đơn trong cách nghĩ, cách sống. Hàng ngày, anh Đạo vẫn mải mê vê vuốt đất trên chiếc bàn xoay cũ kỹ mà do cơ chế thị trường đã chẳng người làng Bát Tràng nào còn làm nữa.
Năm còn bé, sau trận sốt cao, Phạm Anh Đạo gần như mất đi thính giác. Vì thế lớn lên ngôn ngữ của anh cũng kém. Anh gần như không biết bày tỏ bằng lời nói mà tất cả dường như đã dồn cả vào gốm, mọi biểu đạt đều bằng ngôn ngữ gốm.
Nhưng khi mà người người, nhà nhà chuyển sang làm gốm công nghiệp cho hiệu suất cao, thì những thợ thủ công như anh Đạo sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi năng suất lao động thấp, giá thành sản phẩm cao, đặc biệt không phải ai cũng hiểu hết được giá trị của gốm thủ công. Vì thế có giai đoạn gia đình Đạo đứng trước thách thức lớn khi phải đấu tranh giữa việc giữ gìn truyền thống với tạo sinh kế.
Sau khoảng thời gian sóng gió ấy, giới nghệ sỹ, họa sỹ bắt đầu biết gốm của anh nên đã tìm đến kết hợp làm các chương trình triển lãm. Gốm của Đạo trở thành toan vẽ cho những cuộc chơi thử nghiệm đầy ấn tượng của các họa sỹ. Dần dà mọi người nhận ra sự khác biệt của gốm Đạo và bắt đầu yêu mến gốm Đạo, nhờ đó gia đình có nguồn thu ổn định.
Gần 2 thập kỷ gắn bó với “nghệ nhân gàn dở” của làng gốm Bát Tràng, nhìn lại chặng đường gian nan, vất vả đã vượt qua cùng chồng, giờ đây chị Mỹ Trinh đã có thể thở phào và tiếp tục vững tin vào chặng đường đồng hành phía trước của mình với nghệ nhân Phạm Anh Đạo./.