Cầu Chương Dương là một trong những nút giao thông quan trọng, cửa ngõ khu phía Đông Thành phố, kết nối giao thương với các tỉnh phía Bắc, được đưa vào sử dụng từ năm 1985. Tuy đã có rất nhiều cây cầu, tuyến đường khác làm nhiệm vụ san sẻ gánh nặng, giảm sức ép phương tiện giao thông ra vào Thành phố, song cảnh ùn tắc tại cầu Chương Dương vào giờ cao điểm vẫn chưa thực sự được xử lý triệt để.
Vào giờ cao điểm buổi sáng, lưu lượng phương tiện từ phía Gia Lâm vào trung tâm rất lớn. Ngược lại, buổi chiều vào giờ cao điểm, làn đường đi từ trung tâm thành phố về phía Gia Lâm lại có mật độ phương tiện cao hơn. Tình trạng ùn ứ thường xuyên kéo dài khoảng 1 tiếng, sáng từ 7 giờ đến 8 giờ, chiều từ 17 giờ đến 18 giờ 30. Lực lượng của đội Cảnh sát giao thông số 1, số 5, Ban quản lý cầu và Thanh tra giao thông đều có mặt tại cầu từ 6 giờ 30 phút hàng sáng, dốc sức tham gia giải toả, phân luồng. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc vẫn không được cải thiện.
Một chiến sỹ đội Cảnh sát giao thông số 1 cho biết: “Sở dĩ xảy ra nghẽn xe là do người dân có xu hướng mua nhà ở Gia Lâm, nhưng làm việc và học tập ở trong nội thành Hà Nội, nên sáng sáng họ đổ về thành phố cùng giờ cao điểm. Hơn nữa, mặt đường Nguyễn Văn Cừ rộng 13 m, hai dốc đê Ngọc Lâm khoảng 6 m, trong khi đó mặt cầu dành cho xe máy chỉ có 5 m do đó đã tạo thành một nút cổ chai”.
Tình trạng ùn tắc giao thông ở hầm Kim Liên diễn ra khá phức tạp từ nhiều năm nay. Ùn tắc tập trung vào những khung giờ cao điểm, hướng từ Đại Cồ Việt về Phạm Ngọc Thạch. Cuối giờ chiều, hàng ngàn phương tiện cùng người tham gia giao thông chen nhau chật cứng trong hầm Kim Liên vì tắc đường. Khu vực đường Kim Liên mới nối với Phạm Ngọc Thạch, dù Đội Cảnh sát giao thông số 3 đã tăng cường 4 cán bộ chiến sỹ đứng chốt tại đây làm nhiệm vụ phân luồng nhưng ùn tắc kéo dài vẫn xảy ra. Hàng ngày, thông thường phải sau hàng giờ, với sự tăng cường lực lượng của cả hai đội Cảnh sát giao thông số 3 và số 4, tình trạng ùn tắc trên mới cơ bản được giải quyết./.