Việt Nam coi trọng vai trò trung tâm của Liên hợp quốc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam coi trọng vai trò trung tâm của Liên hợp quốc và luôn xem Liên hợp quốc là một trong các ưu tiên của chính sách đối ngoại.
Việt Nam coi trọng vai trò trung tâm của Liên hợp quốc ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc, Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc(UNDP) tại Việt Nam. (Ảnh Thống Nhất/TTXVN)

Nhân kỷ niệm Ngày Liên hợp quốc 24/10, chiều 24/10 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ các Trưởng đại diện các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam do Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra dẫn đầu.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Ngài Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, cùng toàn thể các Trưởng đại diện, cán bộ nhân viên Liên hợp quốc tại Việt Nam nhân kỷ niệm Ngày Liên hợp quốc 24/10; đồng thời gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới ngài Tổng thư ký Antonio Guterres cùng các Lãnh đạo khác của Liên hợp quốc.

[Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình LHQ - sứ mệnh quốc tế cao cả]

Nhấn mạnh Việt Nam coi trọng mối quan hệ với Liên hợp quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại tháng 9 vừa qua, Thủ tướng đã dự phiên họp thường niên Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 và rất ấn tượng về bài phát biểu của ngài Tổng thư ký với nhiều nội dung quan trọng như ngăn ngừa xung đột và ngoại giao phòng ngừa, ứng phó biến đổi khí hậu, bình đẳng giới. 

Thay mặt trưởng đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Điều phối viên Kamal Malhotra trân trọng cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp, đồng thời nhấn mạnh về mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên hợp quốc thời gian qua.

Ông Kamal Malhotra đánh giá cao Việt Nam là một trong những nước đi đầu thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững.

Ngài Điều phối viên cũng bày tỏ vui mừng năm 2018 là năm đầu tiên Việt Nam và Liên hợp quốc thực hiện Kế hoạch chiến lược chung mới và tin tưởng hai bên sẽ thực hiện tốt chiến lược này.

Để thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, Điều phối viên Kamal Malhotra mong muốn phối hợp tổ chức diễn đàn cấp cao giữa Liên hợp quốc và Việt Nam để thống nhất về các nguồn tài chính và cơ chế triển khai.

Cho biết cải cách hệ thống phát triển của Liên hợp quốc là một trong những ưu tiên của Tổng thư ký, Ngài Điều phối viên bày tỏ vui mừng khi Việt Nam đã hỗ trợ đầy đủ cho hệ thống cải cách phát triển của Liên hợp quốc như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc và trong cuộc gặp với Tổng thư ký Liên hợp quốc vào tháng trước tại NewYork.

Tại cuộc gặp, đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam chúc mừng thành tựu kinh tế xã hội Việt Nam đạt được thời gian qua, đồng thời bày tỏ ủng hộ Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu, cải cách nền kinh tế theo hướng kinh tế xanh, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; hợp tác trong lĩnh vực văn hóa xã hội, chăm sóc sức khỏe trẻ em. 

Các tổ chức của Liên hợp quốc cũng đánh giá cao và ủng hộ các cam kết của Việt Nam về bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa đại dương.

Tán thành với Ngài Điều phối viên và đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc về các vấn đề nêu ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam coi trọng vai trò trung tâm của Liên hợp quốc và luôn xem Liên hợp quốc là một trong các ưu tiên của chính sách đối ngoại, là đối tác quan trọng hàng đầu. Việt Nam đánh giá cao vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong xây dựng hệ thống luật pháp quốc tế, gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột, ứng phó với các thách thức toàn cầu. Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động, đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào công việc chung của Liên hợp quốc trên cả 3 trụ cột chính là hòa bình, phát triển và thúc đẩy quyền con người.

Nhìn lại chặng đường hợp tác Việt Nam-Liên hợp quốc hơn 40 năm qua, Thủ tướng đánh giá cao sự hỗ trợ của các tổ chức Liên hợp quốc. Các hỗ trợ này đều phù hợp với các ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, được sử dụng có hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị hai bên cần thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững, các thỏa thuận, cam kết toàn cầu; giải quyết những vấn đề mới đặt ra như ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước và tài nguyên nước tại lưu vực sông Mekong.

Với thế mạnh về tư vấn chính sách, Thủ tướng đề nghị các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam có những hỗ trợ trực tiếp cho Việt Nam để xây dựng mô hình tốt trong các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của Việt Nam. Trong đó UNICEF hỗ trợ về xây dựng luật pháp, chính sách thân thiện hơn đối với trẻ em; WHO xây dựng hệ thống y tế hiện đại; ILO tiếp tục hỗ trợ bảo đảm công bằng xã hội, việc làm xanh, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, bảo hiểm xã hội, chính sách tiền lương.

Về phần mình, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác với Liên hợp quốc, tạo điều kiện cho các tổ chức phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác.

Việt Nam ủng hộ những nỗ lực cải tổ hệ thống phát triển Liên hợp quốc và tự hào là một trong những nước đi đầu trong Sáng kiến Thống nhất hành động của Liên hợp quốc và nơi có Ngôi nhà xanh chung Liên hợp quốc thân thiện với mội trường đâu tiên trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục