Việt Nam mong muốn các đối tác quốc tế hỗ trợ triển khai JETP

Với việc tham gia thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP), Việt Nam mong muốn nhận được tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật của các đối tác quốc tế trong quá trình triển khai thỏa thuận.
Việt Nam mong muốn các đối tác quốc tế hỗ trợ triển khai JETP ảnh 1Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp ông Simon Harford, Giám đốc Quỹ Liên minh Năng lượng toàn cầu cho con người và hành tinh - GEAPP. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 22/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp ông Simon Harford, Giám đốc Quỹ Liên minh Năng lượng toàn cầu cho con người và hành tinh (GEAPP).

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng cho biết với việc tham gia thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP), Việt Nam mong muốn nhận được tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật của các đối tác quốc tế trong quá trình triển khai thỏa thuận.

Đặc biệt, các tư vấn, hỗ trợ về các phương án xây dựng trung tâm năng lượng tái tạo điện gió ngoài khơi, hệ thống truyền tải thông minh với chi phí phù hợp thu nhập của người Việt (về quy hoạch quản trị, công nghệ, thiết kế, thi công…); chính sách tài chính xanh; thúc đẩy hình thành thị trường tín chỉ carbon để đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, như cam kết của Việt Nam về phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 và JETP.

Theo Phó Thủ tướng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần có ngay những bước đi, cơ chế hiện thực hóa ý tưởng, cam kết trong JETP về hỗ trợ công nghệ, tài chính, quản trị… cho các dự án chuyển đổi năng lượng, không phân biệt nước phát triển và nước đang phát triển.

Trước yêu cầu có những dự án năng lượng tái tạo đáp ứng tiêu chí nhà tài trợ vốn, lợi ích doanh nghiệp đầu tư với mức giá điện ở Việt Nam, Phó Thủ tướng mong muốn các đối tác quốc tế, trong đó có GEAPP, tiếp tục tư vấn, hỗ trợ Việt Nam xây dựng các chính sách, môi trường pháp lý thuận lợi trong đầu tư, đấu thầu, tín dụng, phát triển thị trường năng lượng tái tạo… đối với các dự án chuyển đổi năng lượng trong khuôn khổ JETP. Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong khu vực và trên toàn cầu.

Nêu ví dụ về chi phí đầu tư ban đầu cho điện gió ngoài khơi lớn nhưng có hiệu quả đầu tư cao và bền vững, Phó Thủ tướng cho rằng, phải có tư duy mới trong đầu tư những dự án tương tự, từ đó nhận diện rõ việc làm của Chính phủ, nhà đầu tư, các tổ chức tài trợ.

Trao đổi với lãnh đạo GEAPP về kế hoạch xây dựng mô hình trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo ngoài khơi, sản xuất điện gió và ý tưởng xây dựng trục tuyền tải năng lượng thông minh khu vực xuyên châu Á-Thái Bình Dương, Phó Thủ tướng cho rằng, cần có những nghiên cứu thiết thực, cốt lõi về dự trữ điện năng; sản xuất nhiên liệu sạch (hydrogen xanh, amoniac xanh); truyền tải điện thông minh; gia tăng nguồn năng lượng tái tạo nhưng vẫn bảo đảm cân bằng lưới điện; giải pháp vận chuyển, xuất khẩu năng lượng tái tạo…

[Thị trường tài trợ vốn xanh của Việt Nam được dự báo sẽ sôi động hơn]

Cảm ơn Phó Thủ tướng đã dành thời gian tiếp, ông Simon Harford thông tin về nội dung làm việc với một số bộ, ngành, đối tác tại Việt Nam, xác định những yêu cầu hỗ trợ cụ thể trong quá trình triển khai JETP, hiện đại hóa lĩnh vực năng lượng, hình thành mạng lưới truyền tải điện thông minh, dự trữ điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo…

Giám đốc GEAPP cho rằng chuyển đổi năng lượng là quá trình phức tạp, dài hạn, do đó, GEAPP cam kết là đối tác lâu dài, sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ các giải pháp phù hợp cũng như vận động các đối tác quốc tế về công nghệ, tài chính, quản trị để Việt Nam có thể sử dụng thêm nhiều nguồn năng lượng sạch, phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm trong những ngành nghề mới, trở thành quốc gia dẫn đầu trong khu vực về năng lượng tái tạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục