Việt Nam tiên phong chi trả cho dịch vụ môi trường

Việt Nam đã thu được 77 tỷ đồng khi tiên phong thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng ở hai địa phương Lâm Đồng và Sơn La.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực tiên phong trong việc thực hiện chi trả các dịch vụ môi trường.

Năm 2009, Việt Nam cũng là nước đầu tiên ở Đông Nam Á thực hiện thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng ở hai tỉnh Lâm Đồng và Sơn La, thu được 77 tỷ đồng góp vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng Việt Nam.

Thông tin này được công bố tại Hội nghị quốc tế Katoomba Đông Nam Á 2010 nhóm họp tại Hà Nội trong hai ngày 23-24/6. Đây là cơ hội để các nhà lãnh đạo Việt Nam và quốc tế chia sẻ kiến thức về thị trường và những cơ hội mới liên quan tới chi trả dịch vụ môi trường (PES) tại Việt Nam cũng như các quốc gia khác ở châu Á.

Nhiều đại biểu cho rằng, việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường giúp từng người dân của cộng đồng có thể được hưởng lợi trực tiếp từ dịch vụ họ mang lại. 

Nói cách khác, những người cung cấp dịch vụ môi trường cần phải được chi trả hoặc bồi hoàn cho những gì họ làm để duy trì chức năng của hệ sinh thái, và những người sử dụng dịch vụ môi trường nên chi trả cho những dịch vụ này.

Theo đó, các sáng kiến tiên phong trong thị trường bảo vệ nguồn nước, hấp thụ carbon từ nguồn tài nguyên rừng và biển của mỗi quốc gia sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị.

Những sáng kiến này sẽ góp phần làm giảm phát thải carbon toàn cầu, tránh được biến đổi khí hậu nghiêm trọng và giúp bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên.

Tại Việt Nam, hiện chính phủ và các tổ chức quốc tế đang nỗ lực áp dụng các công cụ thị trường và bồi hoàn tổn thất đa dạng sinh học do xây dựng cơ sở hạ tầng gây ra... Thông qua hội nghị này, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được những đóng góp quý báo từ các quốc gia khác trong khu vực về lĩnh vực này để triển khai có hiệu quả, cải thiện môi trường sống./.

Hội nghị Katoomba tổ chức tại Việt Nam lần này thu hút trên 400 đại biểu đến từ hơn 30 quốc gia bao gồm các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các tổ chức tài chính lớn, nhà đầu tư, các tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự và các cộng đồng địa phương trong khu vực và trên toàn thế giới.
Cẩm Thơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục