Những chiếc máy bay không người lái quân sự của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) sẽ đáp ứng các nhiệm vụ của quân sự và hoạt động phù hợp địa hình, thời tiết khắc nghiệt của Việt Nam. Trong căn phòng nhỏ tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel, Đại tá Đỗ Văn Lập, Giám đốc Trung tâm khí cụ bay hào hứng kể với phóng viên Vietnam+ về những chiếc máy bay không người lái đầu tiên - cũng là bước đi đâu tiên để đơn vị này thực hiện các chức năng, nhiệm vụ xứng tầm với cái tên “khí cụ bay” của nó. Theo lời ông Lập, Trung tâm được giao nhiệm vụ từ tháng 11/2011 thì đến tháng 12/2012, những chiếc máy bay không người lái hoàn chỉnh đầu tiên đã được bay thử nghiệm trên bầu trời Việt Nam. Thậm chí, máy bay còn hoạt động dọc sườn núi trong thời tiết khắc nghiệt với nhiệt độ chỉ khoảng 10 độ C, mây mù. Chỉ tay vào chiếc máy bay không người lái hạng nhẹ VT-Patrol đặt ở Trung tâm khí cụ bay, Đại tá Lập giới thiệu: “Máy bay VT Patrol với sải cánh 3,3m, trọng lượng cất cánh 26kg, bay tự động với khả năng truyền thông tin, hình ảnh theo thời gian thực. Đây là kết quả của một quá trình nghiên cứu bài bản, từ cấu hình khí động, kết cấu đến hệ thống điều khiển. Ngay đến màu máy bay cũng phải chọn lựa kỹ càng để phù hợp với nhu cầu tác chiến trong quân sự.” Quá trình thử nghiệm cũng đã giúp các chuyên viên nghiên cứu của Viettel rút ra nhiều kinh nghiệm bổ ích để hoàn thiện sản phẩm. Tiêu biểu, họ đã xác định và tiến hành khắc phục hiện tượng đóng băng ở một số bộ phận trong máy bay khi bay ở nhiệt độ dưới 15 độ C, độ ẩm trên 90%... Ngoài ra, vật liệu của máy bay cũng được họ nghiên cứu, chế tạo bằng vật liệu composite hàng không chất lượng cao để bảo đảm độ bền, nhẹ. Thực tế cho thấy, máy bay VT-Patrol có khả năng bay với vận tốc từ 100 đến 150 km/giờ, cự ly hoạt động 50km, trinh sát bằng camera quang hồng ngoại full HD có thể nhận dạng và phân biệt mục tiêu người lính trong khoảng cách 600m. [Việt Nam sáng chế thành công máy bay không người lái]
Hình ảnh trinh sát quang – hồng ngoại thu được từ VT Patrol. (Nguồn: Viettel)
Đã thành công bước đầu, thế nhưng mục tiêu của “người Viettel” không dừng lại ở đó. Định hướng sản phẩm của Viettel chính là sản xuất ra những chiếc máy bay không người lái tầm trung với thời gian bay 15-24 giờ phục vụ cho trinh sát cấp chiến dịch, chiến lược... Xa hơn nữa là các thiết bị tối tân khác như tên lửa để nhằm tăng cường khả năng phòng vệ cho đất nước. Bởi thế, ngay từ khi mới thành lập, Trung tâm khí cụ bay đã xác định phải làm chủ công nghệ lõi như chế tạo máy bay, hệ thống điều khiển tự động, khả năng bảo mật số liệu, thông tin... luôn được đặt lên hàng đầu. Hiện, hệ thống bảo mật lớp ngoài cùng của đơn vị này có thể bảo đảm an toàn thông tin, kể cả trong trường hợp chúng ta nhập khẩu một số chi tiết, thiết bị từ nước ngoài. Vẫn theo lời “cơ trưởng” của Trung tâm khí cụ bay, vấn đề cơ bản phát triển của hệ thống điều khiển là thiết kế phần cứng, phần mềm (định vị, dẫn đường theo chương trình, kiểm soát trạng thái hoạt động của máy bay, kiểm soát được quá trình bay). Những vấn đề này, người Viettel cũng đã và đang làm chủ. Hiện nay, đội ngũ các cán bộ nghiên cứu của Viettel vẫn đang hoàn tất một số công đoạn để cuối năm 2013 sẽ chính thức cho ra mắt sản phẩm máy bay không người lái phục vụ cho mục đích quân sự đầu tiên ở Việt Nam. Song song quá trình nghiên cứu sản xuất, đơn vị này cũng làm việc với một số đơn vị trong quân đội để triển khai vận hành thử nghiệm trong thực tế trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt./.
Trung Hiền (Vietnam+)