Vĩnh Long là một trong chín tỉnh của cả nước đã và đang triển khai dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (Vlap) có hiệu quả, huy động được cả hệ thống chính trị tham gia triển khai thực hiện dự án.
Ngày 21/5, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên-Môi trường và Ngân hàng Thế giới do ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Vĩnh Long về Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015; những thách thức, tầm nhìn chiến lược của tỉnh trong giải quyết các vấn đề liên quan đến tài nguyên-môi trường; kết quả triển khai Dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (Vlap) do Ngân hàng Thế giới tài trợ; những giải pháp đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất.
Qua khảo sát tại một số địa phương, sở, ngành và nghe lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long báo cáo về các mặt thuận lợi, khó khăn, những vấn đề ưu tiên của tỉnh trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015, trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước về tài nguyên đất sét, cát sông, nước mặt, nước ngầm, về bảo vệ môi trường, đoàn công tác đánh giá cao nỗ lực của tỉnh nhất là trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai.
Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Trưởng đoàn công tác nêu rõ những năm tới, tỉnh Vĩnh Long cần sớm triển khai đưa Luật Đất đai vào cuộc sống; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quản lý đất đai, quản lý tài nguyên-môi trường; tăng cường công khai minh bạch thông tin đất đai, hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đa mục tiêu trong khuôn khổ Dự án Vlap.
Riêng về Dự án Vlap, ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ nhiệm Dự án Vlap của Ngân hàng Thế giới cho biết được thực hiện từ năm 2008, Dự án Vlap do Ngân hàng Thế giới tài trợ đã góp phần quan trọng vào cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đất đai tại Việt Nam.
Vĩnh Long là một trong chín tỉnh của cả nước đã và đang triển khai Dự án Vlap có hiệu quả, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào triển khai thực hiện dự án.
Tỉnh đã thành công trong việc huy động người dân vào việc cắm mốc ranh giới đất, giải quyết tốt các tranh chấp đất đai, cung cấp các thông tin về đất đai, xây dựng được một số dịch vụ mới trong quản lý đất đai.
Vĩnh Long cũng là một trong ba tỉnh đi đầu trong việc giám sát chặt chẽ, thường xuyên các gói thầu, giám sát quản trị đất đai để dự án sớm hoàn thiện. Tuy nhiên, để dự án sẽ hoàn thiện vào cuối năm 2015 theo đúng tiến độ, tỉnh cần đẩy nhanh việc nghiệm thu, giải ngân, quyết toán các gói thầu vì những nội dung này thực hiện còn chậm, mới nghiệm thu được 11/22 gói thầu và giải ngân dự án được 58% về vốn.
Hiện nay, trong khuôn khổ dự án Vlap, Vĩnh Long đã trang bị hệ thống mạng, thiết bị tin học cho tám văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và 107 xã, phường, thị trấn; triển khai thực hiện 22 gói thầu dịch vụ kỹ thuật; lập bản đồ địa chính 103/107 xã, phường, thị trấn với trên 132.406ha, đạt hơn 92,4% diện tích đất cần đo.
Tỉnh cũng xây dựng xong cơ sở dữ liệu đất đai, vận hành khai thác theo mô hình sơ sở dự liệu tập trung cho 5/8 huyện, thị, thành phố; khai thác vận hành cơ sở dữ liệu đất đai liên thông ba cấp (tỉnh-huyện, thị-xã, phường); qua đó từng bước làm thay đổi phương thức, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ quản lý đất đai, hướng tới việc giúp người dân tiếp cận thông tin về đất đai dễ dàng, thuận tiện; nâng cao ý thức cộng đồng, tạo sự đồng thuận cao của người dân về quản lý đất đai theo Dự án Vlap.
Trên cơ sở đó, người dân đã tự thỏa thuận cắm mốc ranh giới thửa đất đạt trên 97% tổng số thửa đất của toàn tỉnh.
Tỉnh phấn đấu hoàn thành sớm việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận ở 28 xã, thị trấn còn lại của 2 huyện Long Hồ và Mang Thít để Dự án Vlap hoàn thành đúng tiến độ vào năm 2015./.