Vĩnh Phúc: Đảm bảo các điều kiện an toàn chống dịch cho người lao động

Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có gần 11.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, với hơn 88.000 lao động trong nước, hơn 1.300 lao động nước ngoài đang làm việc trong các doanh nghiệp.
Vĩnh Phúc: Đảm bảo các điều kiện an toàn chống dịch cho người lao động ảnh 1Công nhân Công ty Power Logics (Vĩnh Phúc), vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Vĩnh Phúc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc triển khai đồng bộ các giải pháp, chủ động làm tốt công tác phòng, chống dịch, đồng thời nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và có đông người lao động, Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn CDL Precision Technollogy Việt Nam ( Khu Công nghiệp Bình Xuyên, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) rất chú trọng công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và sức khỏe cho người lao động tại nơi làm việc khi dịch COVID-19 bùng phát.

Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn CDL Precision Technollogy Việt Nam Lê Văn Trường cho biết, nhằm bảo vệ sức khỏe người lao động và khách hàng, từ đầu năm đến nay, công ty không lơ là trong công tác phòng chống dịch COVID-19, kể cả vào thời điểm khi dịch bệnh được kiểm soát.

Tất cả mọi người khi đến công ty đều thực hiện kê khai thông tin y tế, đo kiểm tra thân nhiệt; được nhắc nhở về việc đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn. Công ty còn thực hiện lịch chia ca ăn trưa, lắp vách ngăn tại bàn ăn cho người lao động.

Để đảm bảo môi trường làm việc sạch sẽ, thông thoáng, công ty liên tục khử trùng các khu vực, cầu thang, cửa ra vào, nhà vệ sinh; tăng tần suất vệ sinh hàng ngày. Các hình thức tuyên truyền cho người lao động như đeo khẩu trang và vệ sinh sát trùng khi làm việc được tiến hành thường xuyên. Công ty cung cấp tất cả các dụng cụ, thiết bị để kiểm tra sức khỏe cho công nhân cũng như các loại dung dịch để vệ sinh, sát trùng.

"Trường hợp phát hiện người có biểu hiên nghi ngờ, các tổ trưởng sản xuất phải lập tức báo cáo với tổ phản ứng nhanh của Công ty và đưa lên bộ phận y tế Công ty để khám, theo dõi, nếu có biểu hiện ho, sốt sẽ được đưa ngay vào phòng cách ly của công ty. Đội ngũ y tế công ty đã được tập huấn cũng như chuẩn bị đầy đủ cho công tác phòng chống dịch" - anh Lê Văn Trường nhấn mạnh.

[Đà Nẵng: Đảm bảo an toàn cho công nhân khi thực hiện "nhiệm vụ kép"]

Với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Piaggio Việt Nam (Khu Công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) thường xuyên có giao dịch với khách hàng, nên ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, các biện pháp đảm bảo về an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc, đảm bảo điều kiện làm việc tốt nhất cho người lao động luôn được đặt lên hàng đầu.

Giám đốc nhân sự Công ty Trách nhiệm hữu hạn Piaggio Việt Nam Phạm Hồng Quân chia sẻ trước những diễn biến của dịch COVID-19, hàng ngày, người lao động đều được đo thân nhiệt trước khi bước vào phân xưởng. Khi dịch bùng phát trở lại, công ty đã hủy bỏ tất cả các sự kiện đông người, các chuyến công tác trong và ngoài nước.

Đề cập về công tác tuyên truyền tới người lao động, ông Quân cho biết công ty đã phối hợp với Công đoàn chủ động tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch cho bản thân người lao động và gia đình; tuyên truyền công nhân, người lao động không được phép đăng tin không chính xác về dịch bệnh để gây hoang mang cho mọi người.

Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có gần 11.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, với hơn 88.000 lao động trong nước, hơn 1.300 lao động nước ngoài đang làm việc trong các doanh nghiệp.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn kích hoạt lại toàn bộ hệ thống, các hoạt động phòng, chống dịch.

Đồng thời, tỉnh tích cực đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc các quy định về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Các doanh nghiệp nắm chắc tình hình lao động, việc làm trong công ty, thống kê và quản lý lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam theo từng khu công nghiệp, nhất là lao động đến từ vùng dịch hoặc di chuyển qua vùng dịch; thực hiện rà soát, phân loại, thực hiện cách ly người có nguy cơ nhiễm bệnh, người trở về từ vùng dịch theo đúng quy định.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc thường xuyên cử, phân công các đoàn kiểm tra đi xuống tận nhà xưởng gặp gỡ lãnh đạo quản lý doanh nghiệp, người lao động và yêu cầu mọi người phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc bị ảnh hưởng, nhất là trong các lĩnh vực lắp ráp ôtô, xe máy; sản xuất, lắp ráp phụ tùng ôtô, xe máy; sản xuất hàng may mặc xuất khẩu; sản xuất vật liệu xây dựng và thương mại, dịch vụ.

Trước thực trạng trên, cùng với ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc đã, đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 và bảo đảm an toàn cho người lao động tại doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục