Vụ bãi rác Phước Hiệp: Kiến nghị kiểm điểm tập thể, cá nhân sai phạm

Liên quan đến vụ sai phạm tại bãi rác Phước Hiệp, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị kiểm điểm tập thể, cá nhân sai phạm tại Ban Quản lý các Khu liên hợp xử lý chất thải.
Vụ bãi rác Phước Hiệp: Kiến nghị kiểm điểm tập thể, cá nhân sai phạm ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh hoạ. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Trong kết luận vừa mới công bố về sai phạm tại Ban Quản lý các Khu liên hợp xử lý chất thải thành phố, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục cho phép hoạt động và đầu tư hoàn chỉnh bãi chôn lấp rác số 3 tại xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi (gọi tắt là bãi chôn lấp rác số 3, dự kiến đầu tư 300 tỷ đồng) nhằm tiếp nhận, xử lý chất thải khoảng 2.000 tấn/ngày.

Trước đó, năm 2015, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có chủ trương đóng cửa bãi rác số 3, chuyển rác về Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước (Bình Chánh, gọi tắt là bãi Đa Phước).

Theo Thanh tra thành phố, việc duy trì hoạt động và tiếp tục đầu tư bãi chôn lấp số 3 không những đảm bảo duy trì hoạt động của bãi, đảm bảo việc làm cho lực lượng lao động, đáp ứng khả năng bãi dự phòng khi có sự cố xảy ra đối với bãi Đa Phước nếu có mà còn tránh lãng phí ngân sách thành phố (gồm 600 tỷ đồng mà chủ đầu tư đã rót vào và 400 tỷ đồng bồi thường cho nhà đầu tư nếu bỏ bãi).

Thanh tra thành phố kiến nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân có liên quan về những sai phạm, đồng thời chấn chỉnh, kiện toàn Ban Quản lý các Khu liên hợp xử lý chất thải thành phố; giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố cho phép tổ chức đấu thầu cung ứng dịch vụ công ích theo đúng quy định nhằm tránh tình trạng độc quyền trong cung ứng dịch vụ công ích.

Thanh tra thành phố kiến nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra tổng kinh phí đầu tư thực tế của dự án xây dựng bãi Đa Phước để làm cơ sở xác định đơn giá xử lý chất thải theo đúng nội dung hợp đồng đã ký với Công ty VWS; đồng thời kiến nghị thành phố không quyết toán chi phí 153,2 triệu đồng trong việc xuất hóa đơn cho Công ty VWS.

Ngoài ra, Thanh tra thành phố kiến nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo Ban Quản lý các Khu liên hợp xử lý chất thải thành phố kiểm điểm tập thể, cá nhân về những sai phạm; có biện pháp kiểm tra, giám sát đối với việc xác nhận khối lượng vận chuyển và xử lý chất thải qua các cầu cân tại các khu liên hợp đảm bảo đúng khối lượng thực tế giao cho các nhà đầu tư, không tiếp nhận khối lượng chất thải vào các khu liên hợp đối với xe chở vượt tải trọng, đồng thời thực hiện việc bàn giao đưa vào sử dụng đối với 13 dự án cải tạo, nâng cấp các trạm trung chuyển.

Ban Quản lý các Khu liên hợp xử lý chất thải thành phố được thành lập năm 2007 nhằm giúp Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải của thành phố theo đúng quy hoạch đuợc duyệt và theo đúng quy định của pháp luật...

Qua thanh tra, cơ quan chức năng phát hiện Ban Quản lý các Khu liên hợp xử lý chất thải thành phố thiếu sót trong công tác giám sát thu gom, vận chuyển chất thải rắn; để một số xe vận chuyển thường xuyên và trong thời gian dài chở quá tải trọng cho phép từ 30 - hơn 100% so với tải trọng ghi trên giấy chứng nhận kiểm định; không có chữ ký xác nhận của tài xế vận chuyển chất thải đến khu xử lý dẫn tới kết quả cân chưa chính xác, chưa đủ cơ sở để thanh toán, gây thất thoát ngân sách, ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Tại các khu liên hợp xử lý chất thải trên địa bàn, 4 nhà đầu tư đã ký hợp đồng xử lý chất thải với Sở Tài nguyên và Môi trường là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị thành phố, Công ty cổ phần VietStar, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty VWS. Tuy nhiên, Ban Quản lý các Khu liên hợp xử lý chất thải thành phố chưa làm hết trách nhiệm đối với công tác giám sát việc xử lý chất thải rắn tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước đối với Công ty VWS.

Trong công tác xử lý nước rỉ rác, mặc dù chất thải đã được tiếp nhận xử lý từ năm 2007 tại bãi Đa Phước nhưng đến mãi cuối năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố mới ban hành quy định kiểm tra, giám sát và nghiệm thu công tác cung ứng dịch vụ.

Cũng tại bãi Phước Hiệp và Đa Phước, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện nghiệm thu và thanh toán chất thải rắn sinh hoạt cho Công ty VWS dựa trên cơ sở khối lượng tiếp nhận của đơn vị này qua cầu cân mà không tiến hành nghiệm thu chất lượng trong việc cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường theo quy trình tương tự như tại các khu xử lý chất thải khác, dẫn đến giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Công ty VWS cao hơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường Đô thị thành phố là 67.384 đồng/tấn.

Kết luận của Thanh tra thành phố cũng chỉ rõ Ban Quản lý các Khu liên hợp xử lý chất thải thành phố chỉ mới đưa ra được những cảnh báo về môi trường xung quanh các công trường và khu liên hợp xử lý chất thải mà chưa đưa ra được các giải pháp cải thiện môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Trong công tác quản lý dự án, Ban Quản lý các Khu liên hợp xử lý chất thải thành phố quản lý 14 dự án nhưng do không đủ năng lực nên dẫn tới một số dự án bị tạm ngừng, bị chậm so với kế hoạch.

Ban Quản lý các Khu liên hợp xử lý chất thải thành phố đã dùng kinh phí ngân sách để thanh toán 153,2 triệu đồng trong việc xuất hóa đơn cho Công ty VWS là không đúng quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục