Từ ngày 22 đến ngày 30/9 tại Geneva (Thụy Sĩ) đã diễn ra khóa họp Đại hội đồng thường niên lần thứ 54 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) với sự tham dự của các đoàn đại biểu đến từ 187 quốc gia thành viên và các tổ chức quốc tế liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Sau hơn một tuần làm việc, các đại biểu tham dự Đại hội đã tập trung thảo luận và đưa ra các quyết định quan trọng liên quan đến sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ thế giới và hoạt động của WIPO.
Thay mặt đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trần Văn Tùng, đã có gặp gỡ với Tổng giám đốc WIPO Francis Gurry nhằm thể hiện một số quan điểm của Việt Nam về định hướng xây dựng hệ thống sở hữu trí tuệ thế giới trong thời gian tới.
Tại khóa họp lần này, Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn đại diện của Việt Nam bên cạnh Văn phòng Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva được Đại hội đồng bầu làm Chủ tịch Ủy ban Điều phối WIPO (CoCo) và đã chính thức đảm nhiệm vai trò tại phiên họp CoCo ngày 26/9.
Trên cương vị Chủ tịch tại kỳ họp lần thứ 70 của ủy ban quan trọng hàng đầu WIPO này, Đại sứ Nguyễn Trung Thành đã điều hành một số chương trình nghị sự chính như xem xét báo cáo thường niên về nhân sự; Bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc và Trợ lý Tổng giám đốc; Sửa đổi để có thể thông qua quy chế và các quy định đối với nhân viên; Cân nhắc đề xuất của Mỹ đối với Chương trình nghị sự bổ sung dưới tiêu đề "Ủy ban Điều phối WIPO cung cấp tư vấn cho Liên hội Lisbon về triệu tập một Hội nghị ngoại giao để thông qua một Hiệp định Lisbon sửa đổi tên gọi xuất xứ và chỉ dẫn địa lý vào năm 2015."
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Geneva, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đã đánh giá sơ bộ kết quả hoạt động của WIPO, trong đó đề cao vai trò của WIPO trong việc thúc đẩy hệ thống sở hữu trí tuệ thế giới.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết hợp tác kỹ thuật giữa Việt Nam và WIPO đang ngày càng phát triển.
WIPO đã giúp Việt Nam trong việc xây dựng các thể chế, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo cán bộ quản lý tài sản trí tuệ, giúp Việt Nam tham gia vào Hiệp ước Lahay, giúp xây dựng các trung tâm phát triển tài sản trí tuệ...
Đây là những việc làm rất thiết thực với hy vọng các hoạt động hợp tác, phối hợp gắn bó giữa hai bên sẽ thêm hiệu quả hơn.
WIPO là diễn đàn toàn cầu để thúc đẩy các chính sách sở hữu trí tuệ, dịch vụ, thông tin và hợp tác.
Là một cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc, WIPO hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý quốc tế cân bằng về sở hữu trí tuệ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội./.