WWF: Chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng

Chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của người tiêu dùng thành thị diễn ra từ nay tới tháng 11/2022, tại Việt Nam, Lào và Campuchia.
WWF: Chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng ảnh 1Tê tê là một trong những loài bị bắt và tiêu thụ nhiều nhất. (PV/Vietnam+)

Để giảm thiểu nguy cơ các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguồn gốc từ động vật và lây truyền sang người, Tổ chức Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF) vừa ra mắt “Chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của người tiêu dùng thành thị,” trong đó nhấn mạnh tới hai mối đe dọa nghiêm trọng mà con người đang phải đối mặt - đó là rủi ro về sức khỏe cộng đồng và rủi ro về thiên nhiên.

Chiến dịch trên với sự tài trợ của WWF-Hoa Kỳ, do WWF-Việt Nam, Vụ Hợp tác Quốc tế và Báo Nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đồng thực hiện, sẽ diễn ra từ nay tới tháng 11/2022, tại Việt Nam, Lào và Campuchia.

Chiến dịch sẽ bao gồm nhiều hoạt động gồm trực tuyến và ngoại tuyến nhằm tiếp cận các đối tượng mục tiêu để giúp họ thay đổi hành vi tiêu thụ thịt rừng, đặc biệt những loài như cầy hương, khỉ và tê tê - những loài hay bị tiêu thụ nhiều nhất.

Tại buổi họp báo ra mắt chiến dịch, do WWF và Báo Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 21/10, ông Văn Ngọc Thịnh - Giám đốc quốc gia WWF-Việt Nam cho biết qua nghiên cứu thực tế, WWF nhận thấy Lào, Việt Nam và Campuchia là ba quốc gia cho thấy mức độ sử dụng thịt động vật hoang dã cao, đặc biệt các loài thú và chim được bày bán nhiều ngoài chợ và tiêu thụ tại các nhà hàng.

[Sôi động ‘chợ rùa trên mạng’ khiến nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng]

Nghiên cứu của WWF và GlobeScan thực hiện năm 2021 tại Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản, Trung Quốc và Hoa Kỳ cho thấy 7% tổng số người được hỏi khẳng định họ hoặc một người mà họ quen biết đã mua các sản phẩm từ động vật hoang dã tại các khu chợ. Đáng chú ý, 9% trong tổng số người trả lời đã mua chia sẻ họ có thể và sẽ mua lại các sản phẩm động vật hoang dã trong tương lai.

Trong khi đó, phần lớn các bệnh truyền nhiễm mới nổi hiện nay có nguồn gốc từ động vật và lây truyền sang người. Điển hình như hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS), hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), cúm lợn (H1N1), cúm gia cầm (H5N1) và bệnh đậu mùa khỉ. Do đó, việc buôn bán động vật hoang dã nguy cơ sẽ góp phần gây ra các thảm hoạ, đe dọa nghiêm trọng không chỉ đối với môi trường và các loài hoang dã, mà còn tới sức khỏe và an toàn của chính con người.

WWF: Chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng ảnh 2Tổ chức Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF-Việt Nam) chia sẻ tại buổi họp báo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về lý do cần thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của người tiêu dùng thành thị, ông Nguyễn Văn Tín, Quản lý Chương trình Bảo tồn các loài hoang dã thuộc WWF-Việt Nam cho biết kết quả nghiên cứu của WWF cho thấy động cơ chính khiến người dân, đặc biệt là người dân thành thị ăn thịt thú rừng là bởi họ tin đây là món ăn tươi, ngon, giúp họ chứng tỏ đẳng cấp trong xã hội, hoặc bồi bổ sức khỏe.

“Vì thế, thông qua chiến dịch lần này, chúng tôi hi vọng nhóm đối tượng mục tiêu nói riêng và công chúng nói chung hiểu ra rằng tiêu thụ thịt thú rừng không đáng để họ đánh cược sức khoẻ của chính bản thân và cộng đồng khi hành vi này có thể làm phát sinh và lan truyền các tác nhân gây bệnh từ động vật sang người,” ông Tín nói.

Đại diện WWF-Việt Nam cũng lưu ý mặc dù động vật không phải là nguyên nhân chính gây ra những đợt bùng phát dịch bệnh kể trên, nhưng khi chúng sống trong môi trường tự nhiên thì hầu hết các mầm bệnh chúng mang theo khó có thể de doạ tới con người. Trong đó, các hành vi đặc biệt nguy hiểm và có rủi ro cao nhất là hoạt động săn bắt trộm, vận chuyển, buôn bán, chế biến và ăn thịt động vật hoang dã.

Về phía quốc tế, bà Jan Vertefeuille - Cố vấn cấp cao về Vận động Chính sách của WWF-Hoa Kỳ cho biết dù chúng ta có thể không xác định được chính xác nơi mà đại dịch mới sẽ bùng phát, nhưng chúng ta đã xác định được các hành vi như ăn thịt thú rừng làm tăng nguy cơ lây truyền các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người.

“Do đó, phương pháp tiếp cận người tiêu dùng để thay đổi hành vi của họ trong chiến dịch này là rất cần thiết để thay đổi quan niệm của xã hội về tiêu dùng thịt thú rừng và ngăn chặn nguy cơ bùng phát đại dịch tiếp theo,” bà Jan Vertefeuille nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục