Xây dựng kè biển Hội An - kinh nghiệm quý trong chống sạt lở bờ biển

Chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp làm du lịch ở Quảng Nam đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng, triển khai nhiều giải pháp công trình để cứu bờ biển Cửa Đại trước nguy cơ bị sóng biển tàn phá.
Xây dựng kè biển Hội An - kinh nghiệm quý trong chống sạt lở bờ biển ảnh 1Phương tiện cơ giới thi công đê ngầm chống sạt lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Hơn một tháng qua, chị Kiều Thị Sinh và nhiều hộ bán nước giải khát, làm dịch vụ cho thuê đồ tắm, dịch vụ ăn uống ở biển Cửa Đại, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) phấn khởi vì khách tham quan du lịch đã trở lại ngày càng nhiều hơn, các hoạt động dịch vụ sôi động hẳn lên.

“Tuy chưa bằng thời cao điểm du lịch nhưng hiện tại mỗi ngày, tôi có thu nhập trên 300.000 đồng, gấp 3 lần so với cách đây vài năm khi bãi biển Cửa Đại đóng cửa trước nạn xâm thực ngày càng dữ dội. Bãi biển Cửa Đại bây giờ thật sự là tài sản, sinh kế của chúng tôi," chị Sinh chia sẻ.

Nguồn tài nguyên quý giá đã trở lại

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An Nguyễn Thế Hùng cho biết hơn 10 năm trở lại đây, bờ biển Cửa Đại trở thành nơi hứng chịu những tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, sạt lở ngày càng sâu vào đất liền.

Với nhiều nỗ lực cứu bờ biển xinh đẹp trước nguy cơ bị sóng biển tàn phá, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, người dân và cộng đồng doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng, triển khai nhiều giải pháp công trình để cứu bờ biển Cửa Đại.

Những nỗ lực của chính quyền thành phố Hội An và cộng đồng cư dân địa phương cũng chỉ là giải pháp trước mắt vì sự tác động của sóng biển là quá lớn. Vì vậy, trong năm 2021, từ nguồn vốn do Trung ương phân bổ hơn 300 tỷ đồng, tỉnh Quảng Nam triển khai công trình chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An.

Đơn vị thi công đã tập trung tối đa nhân lực, thiết bị xây dựng tuyến đê ngầm chắn sóng dưới mặt nước biển từ 0,5-1m, dài gần 1,6km, sử dụng hơn 100.000 khối đá, gần 8.000 khối bêtông và bổ sung thêm hơn 600.000m3 cát để tái tạo bãi biển dài gần 2km. Công trình hoàn thành sớm hơn kế hoạch gần 5 tháng, bãi biển Cửa Đại đã bắt đầu hồi sinh.

“Bãi cát biển Cửa Đại hiện nay rất đẹp, hy vọng giải pháp công trình này sẽ phát huy hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ sạt lở bờ biển Hội An một cách tốt nhất, góp phần trả lại nguồn tài nguyên quý giá cho thành phố. Tình trạng nước biển xâm thực gây xói lở giảm dần sẽ góp phần khôi phục và phát triển kinh tế cho địa phương cùng người dân, các hoạt động du lịch sẽ diễn ra tốt hơn," Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An Nguyễn Thế Hùng tin tưởng.

Hình mẫu trong nỗ lực phòng chống sạt lở bờ biển

“Mục sở thị” kè mềm trên biển, kỹ sư Đào Hồng Ngọc, chỉ huy xây dựng công trình cho biết bờ kè ngầm chắc chắn, cắm sâu xuống đáy biển, đỉnh kè thấp hơn mặt nước biển từ 0,5-1m. Bờ kè làm bằng đá. Các lớp đá trải dài từ trong ra ngoài, từ nhỏ đến lớn, lớp ngoài cùng là các khối harô, mỗi khối nặng 5 tấn.

Bờ kè có tác dụng giảm sóng vào bờ và cuốn trôi cát ra biển. Đây là kỹ thuật tiên tiến trên thế giới được áp dụng để xây kè mềm, tạo và nuôi bãi cát biển Cửa Đại, thành phố Hội An.

Đến nay, công trình đã hoàn thành sớm hơn 5 tháng, các hoạt động vui chơi giải trí trên bãi biển đã trở lại.

Kiên trì thực hiện các giải pháp đồng bộ với hy vọng giải quyết căn cơ tình trạng sạt lở bờ biển Hội An, ông Nguyễn Ngọc Tân, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết từ những thành công ban đầu và dựa trên cơ sở khuyến cáo của các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về giải pháp kỹ thuật, tỉnh đang làm việc với Cơ quan Phát triển Pháp để thống nhất giải pháp thiết kế, tài trợ vốn để tiếp tục triển khai xây dựng 4,5km tuyến đê biển còn lại trong thời gian tới.

Xây dựng kè biển Hội An - kinh nghiệm quý trong chống sạt lở bờ biển ảnh 2Các khối bêtông bên ngoài bề mặt một đoạn đê ngầm ở biển Cửa Đại. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Trước mắt, trong năm 2022, tỉnh tiếp tục phân bổ hơn 210 tỷ đồng để kéo dài tuyến đê ngầm dài thêm 550m về phía Bắc, kết hợp bơm cát tái tạo và nuôi bãi. Bãi biển được bồi trúc không những đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch mà còn bảo vệ các công trình xây dựng phía bên trong.

Trong chuyến khảo sát tại bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An trước mùa mưa bão năm nay, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai yêu cầu tỉnh Quảng Nam đánh giá hiệu quả đê biển Cửa Đại qua những mùa mưa bão tiếp theo để rút kinh nghiệm, đồng thời triển khai các công trình bảo vệ bờ biển một cách hiệu quả nhất. Đây là một trong những công trình được xem là hình mẫu tiêu biểu để các địa phương khu vực ven biển tham khảo, thực hiện trong việc chống xói lở, tạo bãi bờ biển.

“Đây là công trình chịu sự tác động rất lớn của sóng biển, do vậy cần phải có hệ thống theo dõi, quan trắc để nắm bắt diễn biến, trên cơ sở đó sẽ có thêm những giải pháp đồng bộ để bảo vệ công trình và khai thác hiệu quả. Với những giải pháp kỹ thuật được áp dụng vào quá trình xây dựng kè ngầm và bãi biển Cửa Đại, tin rằng đây sẽ là những kinh nghiệm quý giá, những hình mẫu từ thực tiễn để áp dụng trong việc xây dựng bờ kè biển trong khu vực có điều kiện bị sóng biển tác động gây sạt lở giống như bờ biển Cửa Đại," Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài kỳ vọng.

Biển Cửa Đại đã có những tín hiệu tích cực cho thấy quá trình khôi phục bờ đúng như kỳ vọng chính quyền và người dân Hội An trong việc tái tạo nguồn tài nguyên quý giá vốn có. Với những giải pháp kỹ thuật hiện đại được áp dụng, người dân hy vọng bờ biển Cửa Đại sẽ vững vàng trong mùa mưa bão, góp phần phát triển du lịch trong những năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục