Xây dựng Nhà hát trên Hồ Tây: Cần đảm bảo hài hòa lợi ích

Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 có phạm vi nghiên cứu trên 77ha; trong đó, diện tích lập quy hoạch trên 45ha, thuộc địa giới hành chính phường Quảng An và một phần của phường Tứ Liên.
Xây dựng Nhà hát trên Hồ Tây: Cần đảm bảo hài hòa lợi ích ảnh 1Phối cảnh tổng thể đồ án quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An. (Nguồn: UBND quận Tây Hồ)

Thời gian gần đây, dự luận báo chí và người dân rất quan tâm về việc thành phố Hà Nội dự kiến xây dựng Nhà hát trên Đầm Trị, Hồ Tây thuộc quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, việc nhà hát này được xây dựng như thế nào; quy mô, thiết kế kiến trúc ra sao và lợi ích mang lại là gì đang là việc phải bàn và còn nhiều cân nhắc, tính toán trong thời gian tới.

Lấy ý kiến người dân về nhà hát 1.800 chỗ

Vừa qua, dự án này đã đến lộ trình Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ (Hà Nội) tổ chức hội nghị lấy ý kiến người dân đối với đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An, nơi dự kiến sẽ xây dựng nhà hát có quy mô 1.800 chỗ.

Theo ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ, đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 này có phạm vi nghiên cứu trên 77ha; trong đó, diện tích lập quy hoạch trên 45ha, thuộc địa giới hành chính phường Quảng An và một phần của phường Tứ Liên.

Mục đích của quy hoạch chi tiết khu vực bán đảo Quảng An nhằm phát triển khu vực này trở thành điểm nhấn kiến trúc; một trung tâm sinh hoạt văn hóa của Thủ đô.

Theo quy hoạch, đồ án có trục cây xanh, khu vui chơi giải trí, công viên văn hóa tâm linh, công viên văn hóa nghệ thuật chuyên đề, gồm: việc xây dựng một nhà hát quy mô lớn, hiện đại, tiêu biểu cho thủ đô Hà Nội được chủ trương thực hiện theo hình thức xã hội hóa, hóa dưới sự kiểm soát của thành phố trong suốt quá trình thiết kế, thi công và vận hành công trình. Ngoài ra, trung tâm thương mại, khách sạn, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, cũng được tích hợp trong đồ án quy hoạch này.

Phạm vi ranh giới lập quy hoạch bao gồm phía Đông Bắc giáp đường Xuân Diệu; phía Tây Bắc giáp các khu đất ven đường Đặng Thai Mai và giáp hồ Thủy Sứ; phía Tây Nam giáp mặt nước Hồ Tây; phía Đông Nam giáp các khu đất ven trục không gian Đặng Thai Mai, khu biệt thự Tây Hồ.

[''Mặc áo'' mới cho ao hồ Thủ đô: Để ''lá phổi xanh'' trong lành hơn]

Cũng theo ông Nguyễn Lê Hoàng, sau khi lấy ý kiến cộng đồng dân cư, Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ sẽ cập nhật tất cả các ý kiến đóng góp, gửi chuyển lại cho đơn vị tư vấn hoàn chỉnh thêm. Trên cơ sở đó, quận sẽ báo cáo Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội thẩm định lại đồ án.

Nhiều không gian kết nối

Gọi là nhà hát nhưng nó không đơn thuần chỉ là nơi để thưởng thức âm nhạc, mà trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An được chia thành 3 khu vực gồm: không gian ngầm đường Đặng Thai Mai; không gian ngầm khu văn hóa đa năng Quảng An và không gian ngầm cụm công trình nhà hát Opera.

Các phần khớp nối với các dự án đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cấp phép nghiên cứu trong ranh giới lập quy hoạch như công viên gốm sứ, bãi đỗ xe, công viên cây xanh, công viên sinh thái.

Phân khu chức năng, hình thành trục cây xanh, khu vui chơi giải trí, công viên văn hóa tâm linh, công viên văn hóa nghệ thuật chuyên đề; trong đó có xây dựng 1 nhà hát quy mô lớn, hiện đại, tiêu biểu cho thủ đô Hà Nội.

Dự án cũng nhằm thiết lập trục kết nối từ trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây-Hồ Tây-bán đảo Hồ Tây-Sông Hồng-thành Cổ Loa. Bảo tồn, tôn tạo và khai thác các giá trị đặc trưng về văn hóa, cảnh quan, mặt nước Hồ Tây, hồ Đầm Trị... các di tích đình, đền, chùa hiện có. Bên cạnh đó cải thiện hạ tầng kỹ thuật, giao thông, bổ sung bãi đỗ xe, bảo vệ môi trường sinh thái mặt nước Hồ Tây và môi trường khu vực.

Đảm bảo quản lý chặt chẽ

Theo Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ, công trình Nhà hát Opera, được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của thành phố trong suốt quá trình thiết kế cũng như thi công và vận hành công trình.

Việc thi công nhà hát đảm bảo không ảnh hưởng đến mặt nước Hồ Tây; thi công trên cơ sở nạo vét lòng hồ, làm sạch hồ để đảm bảo hiệu ứng cho thiết kế mái vòm của nhà hát. Thiết kế của nhà hát được cân nhắc trên cơ sở đảm bảo gia tăng mỹ quan và không gian cảnh quan cho khu vực.

Xây dựng Nhà hát trên Hồ Tây: Cần đảm bảo hài hòa lợi ích ảnh 2Phối cảnh công trình nhà hát ở hồ Đầm Trị, phường Quảng An, Tây Hồ. (Nguồn: UBND quận Tây Hồ).

Tên gọi dự kiến là Nhà hát Opera Hà Nội, nằm trong mặt bằng công viên, chung với đó là các di tích, công trình thương mại, quảng trường, nhà hát... với quy mô chỗ ngồi khán phòng là 1.822 chỗ, gấp 3 Nhà hát Lớn Hà Nội, xấp xỉ nhà hát Esplanade Singapore.

Không gian chính gồm sảnh chính, khán phòng, văn phòng, phòng diễn tập và tập luyện, bảo tàng, sàn vọng cảnh.

Trong ý tưởng của các cơ quan chức năng Hà Nội và các bên liên quan, việc xây dựng Nhà hát Opera Hà Nội được ví như kiến tạo một “hòn đảo âm nhạc” giữa khung cảnh hồ Tây thơ mộng, hiện thực hóa khát vọng của Thủ đô về một công trình nhà hát xứng tầm, một biểu tượng mới của Thủ đô trong giai đoạn hiện đại.

Với kiến trúc độc đáo, công nghệ âm thanh và ánh sáng hiện đại, Nhà hát Opera Hà Nội được kỳ vọng sẽ sánh ngang với các nhà hát nổi tiếng thế giới như nhà hát Con Sò tại Sydney (Australia), nhà hát La Scala tại Milan (Italy) hay nhà hát Esplanade (Singapore)…

Công trình sẽ góp phần nâng tầm Hà Nội thành điểm đến của những sự kiện văn hóa thế giới, nơi giới nghệ sỹ nổi tiếng thế giới sẽ đến biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa.

Đây không chỉ là nơi biểu diễn nghệ thuật mà còn là điểm hẹn văn hóa, vui chơi, trải nghiệm thường xuyên của người dân và du khách. Bên ngoài nhà hát, hệ thống không gian công cộng bao gồm nhà triển lãm, khu ẩm thực trải dọc theo trục giao thông chính và kết thúc ở quảng trường trung tâm sát mép hồ.

Bên trong nhà hát, một loạt các phòng chức năng như phòng tập nghệ thuật, thư viện ở tầng trệt hay bảo tàng, nhà hàng nhỏ có tầm nhìn bao quát toàn cảnh hồ Tây được bố trí ở các tầng cao. Tại đây cũng sẽ có một bảo tàng nghệ thuật tôn vinh các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng thế giới của Việt Nam.

Công trình này được thiết kế bởi kiến trúc sư Renzo Piano (sinh ngày 14/9/1937 tại Genova, Italy). Ông là một trong số những kiến trúc sư nổi tiếng làm nên bộ mặt kiến trúc thế kỷ 20, cũng là người Italy đầu tiên vào top 100 người có sức ảnh hưởng nhất thế giới theo TIME năm 2006. Renzo Piano cũng từng đạt nhiều giải thưởng danh giá như Pritzker Prize năm 1998 - được xem như giải Nobel của ngành kiến trúc toàn cầu.

Với những ý tưởng nêu trên nếu thực thi được một cách bài bản thì hy vọng Hà Nội sẽ có những điểm nhấn mới phá cách về văn hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những kỳ vọng ấy thì không ít người dân đều mong muốn là không gian hồ Tây vốn rất quan trọng của Hà Nội bởi nét đẹp và lịch sử lâu đời gắn với cuộc sống của người dân nên quá trình nghiên cứu, thực hiện cần phải được làm bài bản, tỉ mỉ tránh phá vỡ kiến trúc.

Đặc biệt, thành phố Hà Nội cũng như các bên dự án cần tính đến giá trị văn hóa, kinh tế mang lại, nhất là lợi ích của người dân sở tại và những hộ thuộc diện phải di dời phục vụ cho mục đích của dự án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục