Xét xử phúc thẩm vụ thất thoát hơn 6.300 tỷ đồng tại Ngân hàng Đại Tín

Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín (tiền thân của Ngân hàng Xây dựng VNCB) hơn 6.300 tỷ đồng.
Xét xử phúc thẩm vụ thất thoát hơn 6.300 tỷ đồng tại Ngân hàng Đại Tín ảnh 1Các bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Ngày 22/10, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng,” “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín (tiền thân của Ngân hàng Xây dựng VNCB) hơn 6.300 tỷ đồng.

Trước đó vào ngày 31/5, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Hứa Thị Phấn (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ, cố vấn cấp cao của Ngân hàng Đại Tín) 30 năm tù, các bị cáo còn lại nhận mức án từ 2 năm tù treo đến 28 năm tù.

Sau bản án sơ thẩm, 11/28 bị cáo kháng cáo, trong đó bà Hứa Thị Phấn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm.

Trong đơn kháng cáo, bà Hứa Thị Phấn cho rằng bản án sơ thẩm đã xét xử oan sai cho bà và chưa xem xét toàn bộ chứng cứ lẫn bản chất sự thật.

[Vụ thất thoát 6.300 tỷ đồng tại Ngân hàng Đại Tín: Tuyên án 28 bị cáo]

Ngoài các bị cáo kháng cáo, 15/214 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng kháng cáo. Trong đó, nguyên đơn dân sự là Ngân hàng Thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xây dựng Việt Nam (CB Bank) đề nghị xem xét lại nội dung liên quan đến trách nhiệm dân sự đối với các khoản nợ tín dụng phát sinh giữa CB Bank với Công ty cổ phần đầu tư Phương Trang; xem xét lại tính pháp lý của hợp đồng mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (phường 6, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh).

Theo bản án sơ thẩm, lợi dụng việc nắm giữ 84,92% vốn điều lệ của Ngân hàng Đại Tín, bị cáo Hứa Thị Phấn đã chi phối Hội đồng quản trị, Ban Điều hành và hai chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang để thực hiện mọi hoạt động trái pháp luật phục vụ cho mục đích của mình.

Với vai trò chủ mưu, Hứa Thị Phấn đã chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện các hành vi nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (phường 6, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) bán cho Ngân hàng Đại Tín chiếm đoạt 1.105 tỷ đồng; hạch toán thu-chi khống đẩy dư nợ cho Nhóm Phương Trang, vi phạm luật kế toán gây thiệt hại cho ngân hàng 5.256 tỷ đồng.

Các bị cáo nguyên là lãnh đạo Ngân hàng đã không thực hiện đúng các quy định pháp luật trong các lĩnh vực tín dụng, thẩm định giá, kế toán, hạch toán, từ đó tiếp tay, tạo điều kiện cho Hứa Thị Phấn phạm tội, kéo theo đó là hàng loạt nhân viên ngân hàng cũng vì thực hiện chỉ đạo của cấp trên mà vướng vào lao lý.

Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử nhận định toàn bộ số tiền thiệt hại, Hứa Thị Phấn đã sử dụng hết nên buộc Hứa Thị Phấn bồi thường toàn bộ thiệt hại là hơn 6.362 tỷ đồng cho CB Bank.

Ngoài ra, Hội đồng xét xử tuyên buộc Công ty Phương Trang phải có trách nhiệm thanh toán khoản nợ gốc mà Công ty Phương Trang thực nhận là hơn 3.936 tỷ đồng cùng lãi phát sinh đến thời điểm khởi tố vụ án, tổng cộng 6.406 tỷ đồng.

Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Hứa Thị Phấn tiếp tục vắng mặt như tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào tháng 5/2018.

Phiên tòa phúc thẩm dự kiến xét xử liên tục đến ngày 31/10./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục