Xác định du lịch là động lực, Yên Bái đã và đang ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng, bản sắc, xanh, thân thiện với môi trường để tạo sự khác biệt, bền vững, gắn với lợi ích cộng đồng, góp phần định vị thương hiệu du lịch.
Năm 2022, tuy còn bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tỉnh Yên Bái vẫn đạt mốc trên 1,5 triệu lượt khách du lịch, vượt 44,4% kế hoạch năm, tăng 100,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách quốc tế đạt gần 30.000 lượt, doanh thu đạt 1.100 tỷ đồng, vượt 30,2% kế hoạch năm, tăng 124,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 5 tháng đầu năm nay, du lịch Yên Bái đã đón gần 1 triệu lượt khách với doanh thu gần 725 tỷ đồng, tăng 63,5% so với cùng kỳ năm trước.
Để đạt được kết quả trên, Yên Bái đã quan tâm phát huy tài nguyên du lịch bằng nhiều giải pháp hiệu quả, khả thi. Nhiều điểm du lịch, di tích lịch sử, văn hóa được đầu tư, tôn tạo, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch của tỉnh.
Ngoài cảnh quan nguyên sơ, thiên nhiên phong phú tươi đẹp, khí hậu trong lành mát mẻ của vùng núi cao, Yên Bái còn tự hào với Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại, nhiều di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cùng hương vị ẩm thực Tây Bắc độc đáo; con người Yên Bái thân thiện, mến khách…
Những yếu tố đó đã trở thành sức mạnh nội sinh thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh phát triển theo hướng xanh, bản sắc, hấp dẫn với các sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hài hòa với thiên nhiên; du lịch trải nghiệm và khám phá; du lịch tìm hiểu văn hóa dân tộc thiểu số, lễ hội truyền thống; du lịch tham quan các di tích lịch sử-văn hóa; du lịch thể thao, vui chơi, giải trí; du lịch MICE ở 4 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh là vùng du lịch như hồ Thác Bà và sông Chảy; vùng du lịch thành phố Yên Bái và phụ cận; vùng du lịch miền Tây; vùng du lịch Bắc Trấn Yên-Văn Yên.
Bốn vùng du lịch trọng điểm được xây dựng với độc đáo và khác biệt, có sự tổng hòa giá trị tài nguyên du lịch và các nguồn lực riêng có của điểm đến, tạo điểm nhấn ấn tượng thu hút du khách khi muốn đến Tây Bắc.
Các huyện, thị xã, thành phố ở Yên Bái đều đang có những cách làm riêng biệt trong việc phát triển các sản phẩm du lịch, nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm đặc trưng.
Với có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc cùng các di sản văn hóa đã được xếp hạng như ruộng bậc thang, Lễ mừng cơm mới của người Mông…, Mù Cang Chải đã xây dựng và đưa vào khai thác một số loại hình du lịch phù hợp như du lịch văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe; du lịch khám phá; du lịch lễ hội; trong đó loại hình du lịch văn hóa là trụ cột trong phát triển du lịch của địa phương.
[Yên Bái: Khai mạc các hoạt động du lịch "Mùa nước đổ" năm 2023]
Với Nghĩa Lộ - nơi có Nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại, Hội Hạn Khuống được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia cùng nhiều nét tinh hoa của văn hóa bản địa đã tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, xây dựng du lịch từ văn hóa bản địa là mục tiêu và đang được thực hiện để làm nên thương hiệu.
Từ lợi thế về cảnh quan thiên nhiên với đỉnh Tà Chì Nhù và Tà Xùa cao 2.875m so với mực nước biển, huyện Trạm Tấu đã hình thành sản phẩm du lịch khám phá, mạo hiểm tạo nên sự mới mẻ, ấn tượng cho du khách.
Huyện đặt mục tiêu chung là phát triển du lịch xanh, hài hòa, bản sắc, bền vững và trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện; xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng góp phần xây dựng Trạm Tấu là “điểm đến an toàn, thân thiện, đặc sắc, hấp dẫn, ấn tượng."
Ngoài ra, tỉnh đã hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, du lịch làm mới các sản phẩm đã có, tạo thêm các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn phù hợp với nhu cầu của thị trường, nhằm liên kết, kết nối hoạt động du lịch giữa Yên Bái với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 21 dự án thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ với tổng vốn đầu tư trên 13.171 tỷ đồng và 3,2 triệu USD.
Các dự án này được tỉnh xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và các quy hoạch có liên quan, đảm bảo mục tiêu phát triển xanh, bền vững.
Năm 2023, tỉnh đề ra mục tiêu, mỗi tuần một sự kiện, mỗi huyện phấn đấu xây dựng và duy trì một sản phẩm văn hóa-du lịch chủ đạo nhằm xây dựng thương hiệu, định vị và nhận diện sản phẩm du lịch của mỗi địa phương cũng như của tỉnh Yên Bái.
Tỉnh phấn đấu năm 2025, đón trên 1,5 triệu lượt khách, trong đó 400.000 lượt khách quốc tế, tăng trưởng bình quân đạt 14,6%/năm; doanh thu từ du lịch đạt khoảng 1.500 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 26%/năm, chiếm khoảng 7% tổng giá trị sản xuất khu vực dịch vụ./.