Nỗi ám ảnh về ngọn đồi đổ sập giữa lòng Hạ Long

Bài 3: Nỗi ám ảnh về ngọn đồi đổ sập giữa lòng Hạ Long

Dưới chân đồi nơi xảy ra thảm họa sập 3 căn nhà khiến 8 người tử vong, vẫn còn 2 hộ dân khác sinh sống. Ngày ngày họ phải đối mặt với hàng trăm mét khối đất có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào
Bài 3: Nỗi ám ảnh về ngọn đồi đổ sập giữa lòng Hạ Long ảnh 1Ngọn đồi Tên Lửa, nơi xảy ra thảm họa lở đất làm 8 người trong một gia đình thiệt mạng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Dưới chân đồi Tên lửa, nơi xảy ra thảm họa sập 3 căn nhà khiến 8 người tử vong, vẫn còn 2 hộ dân khác sinh sống. Ngày ngày họ phải đối mặt với hàng trăm mét khối đất từ phía đồi hai bên hông có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Tài sản, tính mạng của 7 con người khác thuộc phường Cao Thắng, thành phố Hạ Long cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Sống trong sợ hãi

Từ nhiều ngày nay, gia đình ông Đặng Văn Toàn (tổ 44, khu 4 phường Cao Thắng, Hạ Long) đã không dám ngủ lại trong chính căn nhà của mình. Sự cố khiến 3 căn nhà gần đó đổ sập hoàn toàn trong đêm 27, rạng sáng 28/7 đã tạo thành một “quả bom” đất đá và phế liệu lơ lửng treo ngay phía sau nhà ông.

Dẫn chúng tôi vượt qua mặt sân ngập kín cát, bùn, người đàn ông 62 tuổi vừa chỉ tay vào khối đất đá khổng lồ nằm ngay trên nền của 3 căn nhà đã sập trước đó, ngao ngán nói: “Các căn nhà sập nằm ngay sau lưng và chỉ cách gia đình tôi chưa đầy 30m. Đáng nói hơn, vị trí này nằm trên đồi cao, lại án ngữ ngay dòng nước khe từ đồi đang chảy dọc qua hông nhà tôi.”

Bài 3: Nỗi ám ảnh về ngọn đồi đổ sập giữa lòng Hạ Long ảnh 2Ông Toàn lo lắng nhìn 'quả bom đất' có thể đổ ụp xuống căn nhà mỏng manh của ông bất cứ lúc nào. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sau sự cố, hàng nghìn mét khối cát đá, thậm chí cả bê tông cột kèo cũng đang nằm dồn lại ngay đỉnh dốc. Nghiêm trọng hơn, vào thời điểm ​phóng viên VietnamPlus có mặt, mặc dù mưa đã ngớt hoàn toàn nhưng nước từ trên đồi Tên Lửa vẫn không ngừng chảy xuống tạo thành một con suối khá lớn khoét sâu xuống sân nhà ông Toàn. Chính lượng nước này đã liên tục kéo đất đá trượt dần xuống, lăn ào ào xuống hông căn nhà cấp 4 cũ kỹ.

“Lực lượng chức năng sau khi đưa các thi thể nạn nhân ra ngoài thì lại để nguyên lại hiện trường mà không hề kè che chắn lại khiến cho chúng tôi vô cùng hoang mang. Giờ chỉ cần một trận mưa nữa thôi, chúng tôi không biết được chuyện gì sẽ xảy ra,” bà Nguyễn Thị Minh, vợ ông Toàn lo lắng.

Cũng chịu nguy cơ tương tự, hộ gia đình 4 người của anh Nguyễn Mạnh Hiền đã buộc phải xin đi ở nhờ nhà hàng xóm để tránh nguy cơ bị vùi lấp dưới đống đất đá khổng lồ đang chờ chực đổ sụp phía sau lưng.

"Quả bom" sau nhà

Ngồi bần thần nhìn “quả bom” lơ lửng cách nhà chỉ chừng 400m, anh Hiền nhớ lại: “Rạng sáng ngày xảy ra vụ sập 3 căn nhà, tôi trực tiếp cùng nhiều bà con lên hiện trường để cố gắng giải cứu các nạn nhân. Vào thời điểm này, đất bị mưa lớn làm cho nhão nhoét nên liên tục trượt, sụt xuống khoảng trống phía dưới cũng là vị trí nhà của chúng tôi.”

Thêm vào đó, việc lực lượng cứu hộ huy động máy xúc tới để đào bới càng khiến khối đất phía trên bị xới tung và rỗng chân. Do đó, nguy cơ xảy ra trượt, sạt lở càng trở nên nhãn tiền hơn bao giờ hết.

Chỉ tay vào một “bờ kè” được dựng tạm bằng mấy bao cát xếp chồng lên nhau ngay sát lưng nhà, anh Hiền cho hay: Mặc dù lực lượng cứu hộ đã dựng “rào chắn” để ngăn đất đá và nước từ trên cao khỏi xói vào nhưng bức tường này vẫn đang có dấu hiệu bị nước xâm thực nghiêm trọng.

“Cả hai gia đình chúng tôi hiện đều khẩn thiết mong các cơ quan chức năng tiến hành dọn dẹp hiện trường nơi 3 căn nhà bị sập để chúng tôi sớm an tâm trở về nhà mình. Đi ở nhờ cũng chỉ được ngày một, ngày hai thôi,” anh Hiền tâm sự.

Bài 3: Nỗi ám ảnh về ngọn đồi đổ sập giữa lòng Hạ Long ảnh 3Dù căn nhà đã được kè bảo vệ nhưng nước vẫn cứ xâm thực dần dần. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nguy cơ từ nhiều phía

Không chỉ phải nơm nớp về “quả bom” khổng lồ lơ lửng ngay sau lưng, hai hộ dân tại tổ 44, khu 4 phường Cao Thắng, thành phố Hạ Long còn lo sợ đất đá từ hai bên mé đồi ngay cạnh sẽ tiếp tục sập xuống đúng với kịch bản đã diễn ra với 3 căn nhà xấu số cách đó không xa.

Về mặt địa hình, hai căn nhà của ông Toàn và anh Hiền nằm kẹp chính giữa hai quả đồi lớn. Vị trí nền móng các hộ án ngữ ngay trong một lòng khe tự nhiên mà hai bên là hai vách đất khổng lồ. Vì thế, mỗi khi có mưa lớn, nước sẽ xói qua khu vực này, đồng thời đổ trực tiếp từ hai triền cao xuống.

Thực tế, trong trận mưa lụt lịch sử cuối tháng Bảy vừa qua, cả hai hộ dân kể trên đều phải đối diện với nguy cơ nhãn tiền này.

Vẫn chưa hết bàng hoàng, ông Toàn kể lại: Đêm xảy ra sự cố, ông cùng vợ con đang ngủ tại nhà thì nghe thấy tiếng đất đá đổ rầm rầm. Lúc đầu, ông nghĩ là bờ kè phía sau nhà bị sập nên hoảng hồn tỉnh dậy.

“Lúc này, nước đã tràn vào ngập ngang đầu gối. Tôi sợ quá, gọi vợ con rồi lao ra để cố thoát ra nhưng nước từ khắp các phía tiếp tục đổ xuống, cuốn theo gạch đá chặn toàn bộ cánh cửa duy nhất dẫn ra sân,” quẹt ngang gương mặt còn lấm bùn đất, ông Toàn nhớ lại.

Chính việc căn nhà nằm ở vị thế trũng giữa các vách đồi dựng đứng khiến cho lượng mưa dồn lại phía sân nhà ông trở nên cực lớn, tạo thành áp lực khóa chặt 3 người vào bên trong. Chỉ đến khi hàng xóm xúm đến phá cửa từ bên ngoài, ông và vợ con mới thoát ra an toàn, lành lặn.

Bài 3: Nỗi ám ảnh về ngọn đồi đổ sập giữa lòng Hạ Long ảnh 4Căn nhà nằm ngay dưới chân đồi, đất đá đã chôn vùi chiếc cổng ra vào. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bà Minh, vợ ông dẫn chúng tôi lên một vị trí cao hơn để nhìn ra những mối nguy cơ đang thường trực đe dọa họ. Ngay bên trên phía phải căn nhà này là đồi thuộc địa phận phường Hà Lầm. Mặc dù đã được kè đá, nhưng sau trận mưa lịch sử, một phần kè đã bị xói lở nghiêm trọng. Để tránh đất đá rơi xuống, người dân và chính quyền đã buộc phải dùng bạt phủ để che kín khu vực này.

Trong khi đó, cách mé trái không xa, ngay cạnh nhà anh Hiền lại là một quả đồi đất khác cũng đang có dấu hiệu sạt lở vì mưa tương tự.

Anh Hiền cho biết thêm thông tin: Vài tháng trở lại đây, một số hộ dân sống trên đỉnh đồi có sử dụng máy múc, máy ủi để san phẳng đất làm nhà. Anh cho rằng, có thể do các hộ dân này tự ý đào khoét đất đồi, không có thiết kế các đường rãnh thoát nước mùa mưa, nên nguy cơ sạt lở rất cao.

Bằng mắt thường, chúng tôi có thể nhận thấy hai căn nhà đang có dấu hiệu bị nước ngấm và nứt khá nghiêm trọng. Những vệt nứt chạy dài theo các bức tường ngày càng lan ra.

“Hiện tại, chúng tôi chỉ dám về trông coi nhà chứ không dám ngủ lại. Toàn bộ sinh hoạt của gia đình đều hoàn toàn đảo lộn,” bà Minh cay đắng nói.

Đáng chú ý, thời điểm chúng tôi có mặt tại gia đình nhà ông Toàn và anh Hiền là sau khi sự cố đồi Tên Lửa xảy ra hơn 1 tuần. Thế nhưng, toàn bộ khu vực hiện trường vẫn còn ngổn ngang chưa hề được giải tỏa. Thậm chí, đường dẫn vào tổ 44 khu 4 hiện vẫn bị lớp bùn đất dày hàng mét án ngữ.

Bài 3: Nỗi ám ảnh về ngọn đồi đổ sập giữa lòng Hạ Long ảnh 5Ông Toàn ngồi bần thần nghĩ đến viễn cảnh đôi vợ chồng già có thể bị chôn vùi bởi hàng trăm tấn đất đá. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hơn lúc nào hết, hai hộ dân đang mong ngóng chính quyền có những động thái thiết thực nhằm đảm bảo sự an toàn cũng như giúp họ sớm ổn định cuộc sống sau thảm họa mang tên Đồi Tên Lửa.

Trong đợt mưa lũ lịch sử cuối tháng Bảy, đầu tháng ​Tám, ngành than tại Quảng Ninh cũng đã hứng chịu những tổn thất hết sức nặng nề. Tuy nhiên, những người thợ vẫn quyết tâm bám trụ và cứu mỏ tới những giờ phút cuối cùng.

13 công nhân cũng là 13 anh hùng chỉ chịu rời hầm lò khi nước đã tràn vào. Câu chuyện của họ là minh chứng rõ rệt của tinh thần vượt khó nói chung của người dân tỉnh Đông Bắc Quảng Ninh trong lũ dữ.

Bài 4: Phút sinh tử và 13 người hùng thầm lặng ở mỏ Mông Dương 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục