Bài 5: Chân dung người nông dân Mỹ gốc Việt bên bờ sông Mississippi

Hợp tác xã nông dân VEGGI của những người Mỹ gốc Việt ra đời năm 2011, sau vụ nổ tại giàn khoan dầu nước sâu của hãng BP gây sự cố tràn dầu tại Vịnh Mexico năm 2010.
Hợp tác xã VEGGI ra đời với mục tiêu tạo cơ hội sinh kế bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp đô thị.

Ở hai nửa đầu trái đất, có những nét tương đồng không thể phủ nhận giữa hai con sông Mississippi (bang Louisiana – Mỹ) và sông Cửu Long – hai vựa lúa gạo, mía đường và hải sản của mỗi quốc gia, đồng thời đóng một phần đáng kể lương thực cho phần còn lại của thế giới. Đây cũng là hai khu vực chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu do cả bàn tay con người lẫn tác động của thiên nhiên.

Nước biển xâm lấn, vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam đã mất phân nửa số diện tích rừng đước trong vòng 40 năm qua, trong khi đã có nhiều cảnh báo về tình trạng nước biển lấn dần vào khu vực duyên hải hình gót ủng bang Louisiana (phía Nam nước Mỹ).

[Thực phẩm sạch qua góc nhìn “Trang trại đến Bàn ăn” của người Mỹ]

 

Khí hậu nóng ẩm, thiên nhiên ưu đãi nhưng cũng không kém phần khắc nghiệt là điều kiện khách quan buộc con người nơi đây phải gồng mình vượt qua những khó khăn để tồn tại, để thích ứng với môi trường và đóng góp cho cộng đồng.

Một trong những con người đó là Nguyễn Khải – nông dân Mỹ gốc Việt tại thành phố New Orleans (Louisiana), đồng sáng lập viên Hợp tác xã nông dân VEGGI.

[Bài 2: “Trang trại tới Bàn ăn” góp phần tăng trưởng nền kinh tế] 

VEGGI ra đời năm 2011, sau vụ nổ tại giàn khoan dầu nước sâu của hãng BP gây sự cố tràn dầu tại Vịnh Mexico năm 2010.

Đây là vụ tràn dầu khủng khiếp nhất trong lịch sử nước Mỹ, gây ô nhiễm khoảng 7.000km chiều dài bờ biển, từ bang Texas tới tận Florida. Vụ việc đã khiến mọi hoạt động đánh bắt hải sản ở khu vực trù phú nhất của nước Mỹ tê liệt, nhiều cộng đồng ngư dân rơi vào cảnh thất nghiệp, trong đó có hàng chục ngư dân Mỹ gốc Việt tại khu vực bang Louisiana

“Vào thời điểm đó, ý nghĩ đầu tiên trong đầu tôi là phải làm gì đó giúp đỡ hàng chục đồng bào đang rơi vào cảnh mất sinh kế, khó khăn lớn nhất trong cuộc đời họ,” Nguyễn Khải chia sẻ với phóng viên TTXVN.

Bài 5: Chân dung người nông dân Mỹ gốc Việt bên bờ sông Mississippi ảnh 1Nguyễn Khải là đại diện VEGGI cùng hàng trăm nông dân và nhà sản xuất thức của hơn 150 nước tham dự Lễ hội “Thức ăn chậm” (Slow Food) Terra Madre Salone de Gusto tại Turin – Italy. (Ảnh: Trần Long/Vietnam+)

Điềm tĩnh, trầm tư và phong thái rất giản dị. Sự chín chắn của Nguyễn Khải toát lên trong cuộc trò chuyện khiến người đối diện không thể nghĩ rằng đồng sáng lập viên VEGGI mới ở tuổi 30. Hợp tác xã này ra đời với mục tiêu tạo cơ hội sinh kế bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp đô thị. Vào cuối năm 2011, VEGGI đã đào tạo cho 12 ngư dân Mỹ gốc Việt kỹ năng canh tác nông nghiệp sạch theo một chu trình khép kín hợp tác cùng tổ chức JOB1 và trường Đại học Cộng đồng Delgado.

  

[Bài 3: NOPA và 8 lợi ích từ nhà hàng mô hình “Trang trại đến Bàn ăn”] 

VEGGI cấp tài chính vi mô cho các thành viên trong cộng đồng ngư dân Mỹ gốc Việt để họ có thể xây dựng hệ thống sản xuất nông nghiệp tại chính tư gia, trồng rau quả sạch. Gặp chúng tôi, Nguyễn Khải không giấu giếm kế hoạch xin quỹ đất thành phố New Orleans để xây dựng dạng nhà chung cư cho các thành viên VEGGI nhằm tạo chỗ ăn ở ổn định cho các nông dân, tăng cường sức sản xuất.

Trong ngày ghé thăm một trong số các trang trại của VEGGI tại thành phố New Orleans, chúng tôi đã không khỏi ngỡ ngàng về một vườn rau khoảng hơn 1ha, với bạt ngàn những nông sản thuần Việt như lá tía tô, bầu bí, xà lách, củ cải… với hình ảnh thấp thoáng của người nông dân đội nón lá.

Bài 5: Chân dung người nông dân Mỹ gốc Việt bên bờ sông Mississippi ảnh 2Trang trại của VEGGI tại thành phố New Orleans. (Ảnh: Trần Long/Vietnam+)

Mùa Xuân là thời điểm trang trại này cho thu hoạch nhiều nhất, theo chia sẻ của một nông dân VEGGI. Trung bình, mỗi tuần họ thu về khoảng gần 100kg rau quả, chủ yếu là rau xà lách. Những nhà hàng Mỹ quanh khu vực rất mê các loại rau hữu cơ của VEGGI. Nguyễn Khải cho biết, cứ 2 lần/tuần, trang trại này sẽ cử từ 2-3 nông dân đi giao nông sản cho các nhà hàng cách đó khoảng 5-10 phút đi xe.

Ở đây, tất cả là những sản phẩm hữu cơ, không phân bón. Những sản phẩm của VEGGI được bán cho khoảng 20 nhà hàng trong khu vực với mức giá khá cao bởi đây là các nông sản organic.

Một tin vui đã đến với cá nhân Nguyễn Khải và VEGGI. Trong những ngày cuối tháng 9/2016, anh có vinh dự được đại diện Hợp tác xã này cùng hàng trăm nông dân và nhà sản xuất thức của hơn 150 nước tham dự Lễ hội  “Thức ăn chậm” (Slow Food) Terra Madre Salone de Gusto tại Turin – Italy.

Nguyễn Khải cùng những người nông dân tiêu biểu tham dự Terra Madre Salone de Gusto với mục tiêu gia tăng số vụ mùa nông nghiệp và các giống cây nông sản hiện có tại Mỹ và trên thế giới. Chỉ bằng cách ủng hộ nông sản địa phương, người nông dân mới thực sự tạo ra sự đa dạng sản phẩm.

“Có rất nhiều người trẻ đang muốn thay đổi hệ thống thực phẩm,” Nguyễn Khải nói về phong trào “Thức ăn chậm” và lễ hội Terra Madre, “Điều đó gợi nhắc tôi về những mục tiêu của mình, đó là rời xa kiểu thực phẩm công nghiệp và để mọi người được ăn tốt hơn.”

“Thức ăn chậm” ra đời để gìn giữ những giá trị truyền thống trong ẩm thực, tốt hơn cho môi trường, tốt hơn cho sức khỏe và đời sống. Tốt hơn cho người tham gia sản xuất. “Thức ăn chậm” khuyến khích nông nghiệp hữu cơ, tức là sản xuất nông nghiệp không sử dụng hoá chất. Thứ nhất là bởi nó sẽ đem lại chất lượng thực phẩm tốt: ngon, thơm, dinh dưỡng. Thứ hai là nó bảo về môi trường và tạo điều kiện cho môi trường sản xuất được phục hồi và cải thiện, nhờ đó mà quá trình tái sản xuất được duy trì.

[Bài 4: Trang trại cộng đồng giúp người Mỹ giải bài toán thực phẩm sạch] 

“Thức ăn chậm” – Slow Food khuyến khích bạn dùng những thực hữu cơ, dùng các nguyên liệu địa phương trong chế biến. Khuyến khích người dân quay lại những giá trị truyền thống. Bằng cách đó, chúng ta không những bảo vệ mình mà còn gián tiếp bảo vệ môi trường và tạo điều kiện để sản xuất hữu cơ được duy trì và phát triển lâu dài, trong khi tạo điều kiện lao động và thu nhập xứng đáng cho người sản xuất.

Nếu phong trào “Trang trại tới Bàn ăn” đang là giải pháp cho một nền nông nghiệp bền vững, giải bài toán thực phẩm sạch tại Mỹ thì ở châu Âu (Italy), Slow Food hoạt động như "một chiếc cầu nối" từ hạt giống tới bàn ăn. Làm hài lòng người tiêu dùng với thực phẩm chất lượng, đồng thời cam kết hỗ trợ những người sản xuất và bảo vệ môi trường./.

Hình ảnh về một trang trại của VEGGI tại thành phố New Orleans:

Bài 5: Chân dung người nông dân Mỹ gốc Việt bên bờ sông Mississippi ảnh 3Vườn rau khoảng hơn 1ha, với bạt ngàn những nông sản thuần Việt như lá tía tô, bầu bí, xà lách,  củ cải…(Ảnh: Trần Long/Vietnam+)
Bài 5: Chân dung người nông dân Mỹ gốc Việt bên bờ sông Mississippi ảnh 4Trung bình, mỗi tuần họ thu về khoảng gần 100kg rau quả, chủ yếu là rau xà lách. (Ảnh: Trần Long/Vietnam+)
Bài 5: Chân dung người nông dân Mỹ gốc Việt bên bờ sông Mississippi ảnh 5Những nhà hàng Mỹ quanh khu vực rất mê các loại rau hữu cơ của VEGGI. (Ảnh: Trần Long/Vietnam+)
Bài 5: Chân dung người nông dân Mỹ gốc Việt bên bờ sông Mississippi ảnh 6Nguyễn Khải cho biết, cứ 2 lần/tuần, trang trại này sẽ cử từ 2-3 nông dân đi giao nông sản cho các nhà hàng cách đó khoảng 5-10 phút đi xe. (Ảnh: Trần Long/Vietnam+)
Bài 5: Chân dung người nông dân Mỹ gốc Việt bên bờ sông Mississippi ảnh 7Tư gia của bác Nguyễn Vinh Thanh, 74 tuổi, người gốc Quỳnh Lưu (Nghệ An), cũng là một nông dân trong Hợp tác xã VEGGI. (Ảnh: Trần Long/Vietnam+)
Bài 5: Chân dung người nông dân Mỹ gốc Việt bên bờ sông Mississippi ảnh 8Không chỉ là một chuyên gia về các loại rau quả trồng trên mặt đất, người nông dân cần cù này còn đang vận hành một hệ thống trồng rau thủy sinh với nguồn nước được nối với bể nuôi cá. (Trần Long/Vietnam+)
Bài 5: Chân dung người nông dân Mỹ gốc Việt bên bờ sông Mississippi ảnh 9Tận dụng nguồn phân cá để tạo ra môi trường trồng rau cực kỳ hiệu quả, đảm bảo rau sạch tuyệt đối. (Ảnh: Trần Long/Vietnam+)
Bài 5: Chân dung người nông dân Mỹ gốc Việt bên bờ sông Mississippi ảnh 10Rau thủy sinh mà bác Thanh đang trồng là húng quế, thứ rau không thể thiếu cho món phở Việt trên đất Mỹ. (Ảnh: Trần Long/Vietnam+) 
Bài 5: Chân dung người nông dân Mỹ gốc Việt bên bờ sông Mississippi ảnh 11Mùi vị húng quế này không khác lắm so với húng quế ở Việt Nam nhưng theo lời bác Thanh, đây là húng quế nhập giống từ Italy, hiện được bán ở thị trường New Orleans với giá 8 USD/kg. (Ảnh: Trần Long/Vietnam+)
(TTXVN/Vietnam+)