Giáo sư Nguyễn Gia Bình: Lực lượng bảo trì thiết bị y tế cực kém

Vị Chủ tịch Hội Hồi sức – Cấp cứu và Chống độc thẳng thắn: “Tôi không biết các vị lãnh đạo nghĩ gì, nhưng tôi là người làm chuyên môn, tôi đã đi nhiều nơi và thấy lãng phí thiết bị y tế vô cùng."
Giáo sư Nguyễn Gia Bình: Lực lượng bảo trì thiết bị y tế cực kém ảnh 1Chẩn đoán cho bệnh nhân bằng thiết bị y tế hiện đại. (Ảnh: TTXVN)

Liên tiếp những sự việc liên quan đến trang thiết bị y tế vừa qua như việc Kiểm toán Nhà nước công bố những con số cho thấy có một sự lãng phí trong công tác quản lý trang thiết bị y tế trên toàn quốc không hề nhẹ.

[Sự cố y khoa ở Hòa Bình: Hóa chất cực độc đưa vào ở khâu nào?]

Tiếp ngay sau đó là sự cố chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình xảy ra cuối tháng Năm khiến 8 người tử vong gây ra sự bàng hoàng, thảng thốt trong đội ngũ nhân viên y tế cũng như những người làm công tác quản lý. Và vấn đề này tiếp tục "nóng" hơn trong tháng Sáu tại những phiên họp của quốc hội.

Những vụ việc này cho thấy việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị y tế hiện nay bộc lộ nhiều vấn đề và vẫn còn nhiều “lỗ hổng.”

Lỗi cả hệ thống

Trang thiết bị y tế là các loại thiết bị, dụng cụ, vật liệu, vật tư cấy ghép, thuốc thử… được sử dụng riêng lẻ hay phối hợp với nhau phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Phân tích về công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng trang thiết bị y tế hiện nay, giáo sư Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai), Chủ tịch Hội Hồi sức – Cấp cứu và Chống độc Việt Nam thẳng thắng: “Tôi không biết các vị lãnh đạo nghĩ gì, nhưng tôi là người làm chuyên môn, tôi đã đi nhiều nơi và thấy lãng phí thiết bị y tế vô cùng. Công tác bảo trì, bảo dưỡng hiện nay của chúng ta không ổn một chút nào.”

Giáo sư Bình chỉ rõ, thứ nhất, các máy móc càng ngày càng nhiều, nhưng lực lượng bảo dưỡng, bảo trì, cung cấp các thiết bị y tế toàn bộ hệ thống hiện nay cực kém. Nguyên nhân quan trọng nhất hiện nay là không có kinh phí trong vấn đề này.

“Tôi đã đi nhiều nơi, cả nước tôi thấy nhiều khi sửa chữa những cái nhỏ nhỏ hay đến kỳ bảo dưỡng, đặc biệt là các cơ sở ở vùng sâu vùng xa quan tâm mua thiết bị y tế rất nhiều, mưa xong hết thời gian bảo hành hỏng luôn. Vậy ai trả tiền cho việc đó? Hiện nay không ai tính việc trả tiền đó cả. Nhân công nào làm việc đó, có có thì cũng rất yếu,” bác sỹ Bình cương quyết.

Vị Chủ tịch Hội Hồi sức – Cấp cứu và Chống độc Việt Nam dẫn chứng, ở Bệnh viện Bạch Mai luôn yêu cầu đơn vị bán máy phải đến đây hàng năm, đến kiểm tra thường xuyên để biết sắp sửa phải thay cái gì nhằm có kế hoạch mua. Khi bảo dưỡng máy móc, nếu chỉ hỏng cái nhỏ mà không phát hiện ra dẫn đến việc máy móc hỏng toàn bộ. Thiết bị đơn giản có thể dễ tìm mua, nếu là thiết bị lớn phải gửi về hãng, để họ đặt hàng từ nước ngoài. Sau một thời gian họ mua được phụ tùng đó về thì máy móc đã hỏng thêm.

Máy móc hiện nay chưa quá nhiều nhưng công tác bảo trì, bảo dưỡng cho máy hoạt động chính xác và kéo dài tuổi thọ hiện nay rất yếu và mang tính chất cả hệ thống. Đây là điều đáng ngại, mặc dù chúng ta đã có cơ chế, phân công trách nhiệm phòng vật tư phải đảm bảo trang thiết bị.

"Tôi nhìn thấy rất nhiều máy móc lãng phí. Qua thực tế đi cơ sở, tôi thấy có nhiều Monitor theo dõi bệnh nhân có giá khoảng 120 triệu nhưng các hãng họ chỉ có thời hạn trong 6 tháng, 1 năm… thì sau đó họ bắt buộc phải thay,” giáo sư Bình nhấn mạnh.

Giáo sư Nguyễn Gia Bình: Lực lượng bảo trì thiết bị y tế cực kém ảnh 2Giáo sư Nguyễn Gia Bình. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Bảo dưỡng thiết bị y tế công: Cả một vấn đề

Theo thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cả nước hiện có 1.336 bệnh viện; trong đó có 38 bệnh viện tuyến trung ương, 492 bệnh viện tuyến tỉnh, 629 bệnh viện tuyến huyện... Ở tuyến dưới, hiện cả nước có khoảng 12.000 trạm y tế phường, xã.

Như vậy, có thể thấy, để toàn bộ các hệ thống y tế trên hoạt động thường xuyên thì số lượng máy móc và thiết bị y tế không hề nhỏ, đòi hỏi công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế càng phải được cẩn thận và chuẩn hóa.

Bởi chỉ một sai sót, sơ xuất nhỏ là đã làm ảnh hưởng mang tính chất dây chuyền cướp đi sinh mạng của nhiều bệnh nhân. Giáo sư Bình chỉ rõ, các bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên là những người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Vì vậy, để cho họ làm tốt công việc cần phải có hệ thống đằng sau phục vụ tốt.

Chẳng hạn như về nguồn điện, có bệnh viện đang nguồn nọ đổi sang nguồn kia dẫn đến việc máy móc hỏng, mất hàng tỷ đồng. Như vậy, việc nguồn điện, nguồn nước có đảm bảo không? Đó là những vấn đề đơn giản, còn đằng sau đó là bộ máy nhân viên các phòng vật tư hiện nay sửa chữa nhỏ, thay thế phụ tùng hoặc sửa chữa những máy đơn giản. Thực tế, các máy của y khoa ngày càng phức tạp, thì nó cũng đòi hỏi các điều kiện bảo dưỡng, bảo trì, thay thế phụ tùng hết sức ngặt nghèo.

Giáo sư Nguyễn Gia Bình nói về công tác bảo trì thiết bị y tế.

Giáo sư Bình cho hay: “Tôi nhận thấy, cả hệ thống y tế Việt Nam, trừ những máy xã hội hóa thì trách nhiệm của bên cung cấp máy họ làm rất tốt, họ thường xuyên đến bảo dưỡng bảo trì thay thế phụ tùng đúng lịch, hoặc có sự cố nào thì người ta đến sữa chữa ngay lập tức. Còn các máy của các bệnh viện mua, đặc biệt là của các cơ sở y tế công lập thì hiện nay đó quả thực là cả một vấn đề. Lý do là gì?”

Theo giáo sư Bình, nguyên nhân là do chưa có đội ngũ chuyên nghiệp để sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, vì máy móc ngày càng hiện đại, mỗi một hãng có quy trình riêng, không phải là ai cũng làm được. Vì vậy, số lượng người làm về việc bảo dưỡng, bảo trì máy móc thiếu. Bên cạnh đó, khi thay thế phụ tùng thì phải có cơ chế. Với cơ sở y tế tư nhân, người ta gọi điện máy hỏng, cần sửa chữa thay thế ngay… thì họ đến nhanh, với nhà nước thì còn nhiều vấn đề.

Đơn cử như với trường hợp của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, họ phải làm đề xuất lên phòng ban, vài ngày sau trình lên giám đốc duyệt, duyệt xong phải có kinh phí. Sau đó mới báo cho bên cung cấp phụ tùng sửa chữa bảo dưỡng.

Như vậy, với quy trình hiện nay rất lâu và vẫn chưa quy trách nhiệm rõ ràng. Vì vậy, chúng tôi đi nhiều nơi và thấy máy móc thiết bị y tế rất lãng phí. Đó là một tình trạng thực tế và rõ ràng đó là một sự lãng phí chưa sử dụng hết được.

Giáo sư Bình nhấn mạnh: “Tôi không đổ lỗi cho ai, nhưng chúng ta phải tìm ra giải pháp gì để làm sao đối với người bệnh được phục vụ 24/24 giờ, đối với nhân viên trực tiếp 24 giờ thì hệ thống hậu cần đằng sau nó phải liên tục được đảm bảo như vậy”./.

Kết quả kiểm toán 11 tỉnh, thành phố cho thấy:

1.225 trang thiết bị hỏng hoặc hiệu quả sử dụng thấp với nguyên giá 371,836 tỷ đồng. Trong đó, số trang thiết bị hỏng không khắc phục được 649 thiết bị (68,554 tỷ đồng); trang thiết bị hỏng chưa được sửa chữa 120 thiết bị (151,763 tỷ đồng); trang thiết bị chưa hoặc ít sử dụng 456 thiết bị (151,519 tỷ đồng).

Theo Kiểm toán Nhà nước, đáng lưu ý có nhiều thiết bị được đầu tư mới nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc mới đưa vào sử dụng đã hỏng.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục