Mỹ Tâm, em ở đâu?

Mỹ Tâm, em đang ở đâu trong làng nhạc Việt?

Mỹ Tâm - một giọng hát mạnh mẽ đầy đam mê liệu có còn ở đỉnh cao nhất và không có người thay thế như cách đây 2-3 năm?
Nếu là 3 năm, thậm chí 2 năm trước, câu trả lời chắc chắn là Tâm đang ở top, đỉnh cao nhất, không có người thay thế.

Theo tiết lộ của một bầu show, cách đây 2 năm, “giá” để Tâm xuất hiện tại phòng trà là 45 triệu và đi tỉnh là 60 triệu - một kỷ lục chưa ai “phá” nổi.

Bây giờ, Tâm vẫn giữ giá cátsê cao nhất (khoảng 50 triệu/show) không chịu lùi một phân, nhưng các bầu đã bắt đầu tìm một ngôi sao khác, nóng bỏng hơn, thời thượng hơn và biết chấp nhận “làm mềm” giá hơn - điều này cũng có nghĩa Tâm đã có người thay thế!

Nhưng liệu đó có phải là câu trả lời dễ dàng của Mỹ Tâm - một bản lĩnh “lạnh lùng” hiếm có, một ngôi sao “đóng cửa” với scandal, một giọng hát mạnh mẽ đầy đam mê đang ở độ chín của tuổi đời và tuổi nghề?

Hành trình của người truyền lửa

Một buổi tối thứ năm có mưa của năm 1998, quán "Nhạc sĩ" vắng khách. Nhạc sĩ Nguyễn Hà - biên tập âm nhạc của hãng đĩa Vafaco, một “đại gia” trong làng âm nhạc bấy giờ, bất ngờ nhận ra một giọng hát có sức truyền cảm lạ thường.

Một cô ca sĩ vô danh, lúc đó đang là sinh viên năm thứ nhất khoa Thanh nhạc hệ Trung cấp chính qui Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, trang phục biểu diễn thường là quần jeans và áo sơ mi giản dị và bài hát thì đang được xem là “đặc quyền” của một giọng ca hạng “diva” của Hà Nội (bài “Nhớ mùa thu Hà Nội” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn).

Nhưng khán giả buổi tối ấy đã không thể đừng được tiếng vỗ tay sau từng câu hát. Ngay lập tức, Nguyễn Hà nhận ra phẩm chất của một ngôi sao mới, đó là sức truyền lửa tới đám đông.

Không lâu sau đó, tháng 1/1999, Mỹ Tâm trở thành một trong ba ca sĩ độc quyền của Vafaco (cùng với Nguyên Vũ và Anh Đức) với bản hợp đồng kéo dài 18 tháng, theo mô hình quản lý ca sĩ chuyên nghiệp đầu tiên của showbiz Việt.

Đáng tiếc là vì nhiều lý do, cú đột phá chuyên nghiệp của Vafaco không mang lại thành công như nhiều người mong đợi.

Riêng trường hợp Mỹ Tâm, sau khi hết hạn hợp đồng (giữa năm 2000), cô có bày tỏ một chút thất vọng về tốc độ rùa bò của những dự án độc quyền ở Vafaco. 18 tháng độc quyền nhưng không có một album solo nào được thực hiện. Mãi tới năm 2001 Mỹ Tâm mới có album riêng đầu tay, do Fafilm và Phương Nam phim sản xuất.

Tất nhiên sự thất vọng này có nhiều lý do, có cả những lý do lãng nhách, không đâu. Một mặt, thời điểm ấy, chính Vafaco, nhà sản xuất âm nhạc với cơ chế hoạt động nhà nước nhưng lại mang khát vọng hướng ra thị trường, đang say sưa khai thác các ngôi sao “top hit” Lam Trường, Phương Thanh, Thu Phương..., cũng chưa hình dung cụ thể về chiến lược độc quyền của mình. Thực ra thì ngay cả đến thời hiện tại, nghĩa là 10 năm sau cú đột phá của Vafaco, độc quyền vẫn là một câu chuyện dài kỳ đầy phiêu lưu và mạo hiểm của showbiz Việt.

Thêm một chuyện không hay xảy ra với “Nhé anh” - bản “hit” đầu tay của gương mặt mới Mỹ Tâm, khi ca khúc này bị coi là nghi can đạo nhạc.

Có lẽ sự cố này khiến Nguyễn Hà, linh hồn của bộ máy sản xuất âm nhạc ở Vafaco lúc ấy, thêm quyết tâm rời “sân khấu” ca nhạc, lùi vào “hậu trường”, bỏ sáng tác để chuyên tâm vào sản xuất âm nhạc tại cơ quan mới là Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh.

Mỹ Tâm ở lại Vafaco lúc đó cũng sẽ chẳng đi tới đâu và cô quyết định đầu quân về Trung tâm ca nhạc nhẹ Sài Gòn ngay sau khi kết thúc hợp đồng độc quyền.

Từ đây, Tâm nhanh chóng bước lên bậc thang của sự nổi tiếng sau khi đoạt Huy chương đồng Liên hoan Giọng ca vàng châu Á (Thượng Hải, Trung Quốc) với hai bản pop-ballad “Mãi yêu” (do chính Tâm sáng tác) và bản “I love you” (cover lại ca khúc của Celine Dion).

Nhưng “Nhé anh” và những ngày tháng miệt mài trong phòng thu của Vafaco và phòng thu Nguyễn Hà, có thể nói, là những viên gạch đầu tiên vô cùng quan trọng trên con đường dài sau này của Mỹ Tâm.

Đánh giá cao sự mộc mạc, mạnh mẽ, đầy cảm xúc của tuổi trẻ trong giọng hát Mỹ Tâm và xem đó chính là sức mạnh hấp dẫn công chúng trẻ, Nguyễn Hà không uốn nắn Mỹ Tâm thành giọng hát phô diễn kỹ thuật (dù Tâm thừa sức làm điều ấy khi cô là thủ khoa khoa Thanh nhạc, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh), mà cố gắng giữ sự mộc mạc, chân thành của cảm xúc, gần gũi với công chúng trẻ.

Sau này, khi “hành trang” âm nhạc dày thêm, không chỉ “Nhé anh”, mà còn “Mãi yêu”, “Yêu dại khờ”, “Tóc nâu môi trầm”, “Cây đàn sinh viên”, “Ước gì”, “Ban mai tình yêu”, “Nụ hôn bất ngờ”, “Niềm tin chiến thắng”...

Điều lôi cuốn đặc biệt của Mỹ Tâm vẫn là sự nhiệt tình trong cảm xúc, sự mạnh mẽ của cá tính và cả sự... đơn giản của kỹ thuật lẫn nghệ thuật - con đường đưa cô lên đỉnh cao của âm nhạc đại chúng, kéo dài suốt từ năm 2002 đến 2005 với fanclub đông đảo (được cho là khoảng 40.000 người), mức cátsê cao nhất và những hợp đồng tài trợ béo bở nhất với Sunsilk, Honda, Pepsi...

Sở hữu một chất giọng dày, khỏe khoắn và đặc biệt là lối hát “thẳng thắn”, “mạch lạc” ngay cả với những giai điệu mượt mà, đối với những lỗ tai thích “sến” một tí, thì có vẻ giọng hát của Tâm hơi “thô”, hơi “vô cảm”. Nhưng đó là vẻ thô của một viên ngọc, không thật tinh tế, nhưng quan trọng là nó “thật” và hoàn toàn không “sến”.

Phong cách biểu diễn của Mỹ Tâm cũng vậy. Ngay cả giờ đây, khi Tâm tha thướt và lộng lẫy trong những bộ đầm sang trọng, thì hình ảnh đẹp nhất, để lại nhiều cảm xúc nhất cho các fan của cô có lẽ vẫn là một Mỹ Tâm “quần jeans trễ, áo thun, ôm cây đàn guitar” với vẻ đẹp khỏe khoắn tự thân, không điệu đà, không “thẩm mỹ”, lối trình diễn giản dị, gần gũi nhưng lại có sức mạnh khuấy động đám đông, đặc biệt là giới học sinh, sinh viên.

Những bản “hit” của Mỹ Tâm trong thời kỳ “nóng bỏng” nhất của cô gắn với sáng tác của nhóm nhạc sĩ trẻ KTX Hoài An, Nguyễn Nhất Huy, Võ Thiện Thanh..., đều là những bản tình ca trong sáng, gây không khí, dễ cộng hưởng, không cầu kỳ về học thuật.

Vì đơn giản, Tâm là người “truyền lửa” và thời điểm nào, giới trẻ (sinh viên, học sinh) cũng cần một thần tượng như vậy cho họ.

Những cú chao đảo

Năm 2004, Mỹ Tâm thực hiện liveshow hoành tráng nhất của mình (cho đến tận bây giờ, tính đến “Sóng đa tần” cuối năm 2008) “Ngày ấy và Bây giờ” tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội với rất nhiều kỳ vọng.

Cô cùng lúc hóa thân thành người mẫu, thành vũ công, thành pianist, thành “diva” hát bên dàn nhạc giao hưởng... và sức mạnh tự thân vốn có bị che lấp bởi những tìm tòi mới có phần tham lam, rối rắm.

Chính báo chí, những người đặt áp lực “diva” lên vai Mỹ Tâm, giờ này, lại cũng là người “cười” vào khát vọng “diva” của cô. Liveshow lớn nhất cũng có thể là cú chao đảo lớn nhất của Mỹ Tâm trên “đường đua” showbiz.

Khi rời xa sự mộc mạc, chân thành, Tâm mất đi phần nào sức mạnh mà nhờ nó cô đã chinh phục được đám đông. Song với bản lĩnh và cá tính được xem là “lạnh lùng” hiếm có trong giới nữ ca sĩ, một cái đầu thông minh và quyết đoán, Mỹ Tâm đã nhanh chóng lấy lại thế cân bằng sau những chao đảo.

Thời điểm chia tay nhà quản lý Thái Huân vốn gắn liền với thời kỳ thành công nhất, quyền lực nhất của Mỹ Tâm trên thị trường ca nhạc, cũng chính là thời điểm Mỹ Tâm có những quyết định táo bạo và quan trọng cho những bước đi tiếp theo của mình.

Năm 2006, Mỹ Tâm chọn nền công nghiệp âm nhạc giải trí Hàn Quốc, nơi đang tạo nên những làn sóng giải trí mới ở châu Á và toàn thế giới, trong đó đặc biệt có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam, cho những dự án mới.

3 album “Vút bay” (2006) được làm toàn bộ tại Hàn Quốc, “Trở lại” và “Nhịp đập” (2008) làm tại Việt Nam và liveshow “Sóng đa tần” tại 4 thành phố lớn là sự trở lại không quá ồn ào nhưng đầy ấn tượng của Mỹ Tâm.

Cô đã mở rộng thế giới pop “mộc mạc” của mình bằng sự kết hợp và pha trộn nhiều thể loại âm nhạc trẻ trung, thời thượng, hấp dẫn giới trẻ, từ R&B, ballad, dance, hip hop, house dance... nhưng không đi sâu vào nó với ảo tưởng trở thành những giọng ca R&B thực thụ hay khám phá những dòng nhạc dance cao cấp như không ít đồng nghiệp của cô đang lao vào.

Bản chất, Mỹ Tâm vẫn là ca sĩ nhạc pop, khán giả của cô ở Việt Nam có rất đông. Có lẽ Mỹ Tâm đã hiểu được điều ấy để có những quyết định khá chính xác và khôn ngoan khi không hề có nhà quản lý hay một êkíp chuyên nghiệp bên cạnh.

Nhưng điểm mạnh lại cũng có thể là điểm yếu của Mỹ Tâm. Nếu âm nhạc của Tâm cởi mở và có sức lôi cuốn, khuấy động đám đông bao nhiêu thì cuộc sống của chính cô lại khép kín bấy nhiêu.

Cương quyết “giữ giá” và hạn chế xuất hiện dường như cũng đang đi ngược lại với tinh thần âm nhạc của cô.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Hà, người phát hiện và vẫn âm thầm dõi theo bước đi của Mỹ Tâm nhiều năm qua, nếu sống cởi mở hơn, hòa nhập hơn với cuộc sống và mọi người xung quanh, sức lôi cuốn mạnh mẽ trong âm nhạc và con người của Mỹ Tâm mới thực sự được “bung phá”. Và khi ấy, không dễ gì có một sự thay thế./.
(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục