Thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 12.000 ca mắc sốt xuất huyết

Theo thống kê, tại Thành phố Hồ Chí Minh, đến ngày 13/8, tổng số ca mắc sốt xuất huyết là 12.291 ca, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2016.
Thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 12.000 ca mắc sốt xuất huyết ảnh 1Bỏ muối vào từng lư hương, bình cắm hoa trên các ngôi mộ ở các nghĩa trang để diệt ấu trùng bọ gậy, diệt muỗi. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Chiều 16/8, tại buổi làm việc với đại diện Sở Y tế và 24 quận, huyện trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu ngành y tế phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm kéo giảm dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.

Theo bà Nguyễn Thị Thu, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều cuộc kiểm tra, giám sát cấp Ủy ban Nhân dân thành phố, Sở Y tế, Ủy ban Nhân dân 24 quận, huyện về công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Kết quả cho thấy dịch bệnh sốt xuất huyết tăng trong thời gian qua do một số yếu tố khách quan như mưa nhiều, có nhiều dự án đang tồn đọng, ô nhiễm môi trường...

Qua kiểm tra, 24 quận, huyện đều đã vào cuộc quyết liệt. Tuy nhiên, tình hình ô nhiễm môi trường, nhất là tại hàng loạt điểm tập kết rác, trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt, là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh sốt xuất huyết tăng cao.

Bà Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh nếu không quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng chống thì dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới. Các sở ngành, địa phương cần tập trung tổng lực với mục đích kéo giảm ca bệnh sốt xuất huyết, không để dịch bệnh bùng phát, không được chủ quan trong công tác này.

Sở Y tế phải phối hợp với các sở, ngành, 24 quận, huyện triển khai các giải pháp không để dịch bệnh lây lan, trong đó Sở Tài nguyên và Môi trường cần làm tốt trách nhiệm bảo vệ môi trường, nhất là ở các điểm tập kết rác, trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt.

Các địa phương tăng cường tuyên truyền cho các hộ gia đình tích cực diệt lăng quăng, ngủ màn, ăn chín uống sôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ gìn vệ sinh môi trường tại địa phương. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân 24 quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nếu để tình hình dịch bệnh gia tăng và lây lan tại địa phương.

Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam nằm trong vùng lưu hành sốt xuất huyết của châu Á-Thái Bình Dương.

Hiện cả nước có 72.727 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó khu vực miền Nam có số ca mắc bệnh cao nhất, lên đến 39.473 ca.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, đến ngày 13/8, tổng số ca mắc sốt xuất huyết là 12.291 ca, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2016.

[Viện trưởng Viện Pasteur: Các địa phương nên công bố dịch]

Theo ghi nhận, 18/24 quận, huyện có số ca sốt xuất huyết nhập viện tăng so với cùng kỳ, trong đó Quận 12 tăng 133%, huyện Cần Giờ tăng 125%, huyện Hóc Môn tăng 83%.

Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tăng cao trong thời gian qua, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã mở rộng ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS), trong đó 100% phường, xã ứng dụng GIS trong xác định vị trí ca bệnh và thời gian xuất hiện ca bệnh. Sở thành lập 3 đoàn kiểm tra, giám sát các quận, huyện trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, Sở Y tế đã xây dựng đề án mạng lưới cộng tác trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố.

Nhằm ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết tăng cao trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Thành Đoàn triển khai kế hoạch liên tịch về kiểm soát điểm nguy cơ nơi công cộng, đất trống, khu quy hoạch và chiến dịch diệt lăng quăng tại các địa phương.

Sở cũng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên truyền tại các trường học, cơ sở giáo dục các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết; trong đó huy động thầy cô giáo và học sinh tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, loại bỏ lăng quăng ở các vật chứa nước tại trường học và gia đình.

Bên cạnh đó, Sở Y tế chỉ đạo 24 Trung tâm Y tế quận, huyện phối hợp với địa phương đẩy mạnh hoạt động của đội diệt lăng quăng tại tất cả các khu phố, ấp; triển khai mô hình cộng tác viên trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết khi được Ủy ban Nhân dân thành phố thông qua đề án.

Về lâu dài, ngành y tế thành phố đề xuất có giải pháp đối với nơi quy hoạch treo - địa điểm có nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết; cải thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống thu gom rác thải sinh hoạt tại các địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục