Cuộc tập trận mang tên "Thần sấm phương Bắc" chính thức diễn ra ngày 14/2 ở miền Bắc Saudi Arabia dự kiến sẽ kéo dài đến hết ngày 10/3. Đây được coi là cuộc tập trận quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại khu vực xét cả về số nước tham gia và lượng vũ khí được sử dụng.
Tài khoản Twitter chính thức của chiến dịch "Thần sấm phương Bắc" cho biết cuộc tập trận được tiến hành trên một khu vực rộng lớn từ thành phố quân sự King Khalid thuộc vùng Hafr Al Batin tới Vịnh Arab.
Theo báo chí Saudi Arabia, ít nhất 20 quốc gia Arab và Hồi giáo tham gia cuộc tập trận này, bao gồm Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Kuwait, Qatar, Oman, Jordan, Senegal, Sudan, Maldives, Maroc, Pakistan, Chad, Tunisia, Comoro Islands, Djibouti, Malaysia, Ai Cập, Mauritania và Mauritius.
Các lực lượng tinh nhuệ và nhiều loại vũ khí hiện đại được huy động cho cuộc tập trận, trong đó có máy bay chiến đấu các loại, pháo binh, xe tăng, các hệ thống phòng không, cũng như các lực lượng hải quân và bộ binh.
Mục tiêu chính của cuộc tập trận là thể hiện sự sẵn sàng chiến đấu cao của các lực lượng vũ trang tham gia cũng như sự sẵn sàng và khả năng thành công trong các chiến dịch chung. Trang Twitter của chiến dịch "Thần sấm phương Bắc" đã thu hút hơn 200.000 lượt người theo dõi chỉ vài giờ sau khi được lập để thông tin về cuộc tập trận.
Cuộc tập trận "Thần sấm phương Bắc" được tiến hành chỉ vài tháng sau khi Saudi Arabia tuyên bố thành lập liên minh quân sự gồm 35 quốc gia Hồi giáo và Arab để chống lại chủ nghĩa khủng bố trong khu vực.
Theo hãng thông tấn chính thức của Saudi Arabia SPA, cuộc tập trận gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng Saudi Arabia và các đồng minh "luôn đoàn kết" để ứng phó với mọi thách thức và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
Giới phân tích khu vực cũng cho rằng việc các lực lượng vũ trang của hơn 20 quốc gia tề tựu tại miền Bắc Saudi Arabia để tham gia cuộc tập trận lớn nhất Trung Đông trong nhiều thập kỷ qua là cơ hội để các lực lượng Arab thể hiện sự sẵn sàng và đoàn kết trước các mối đe dọa an ninh tiềm tàng.
Ông Jamal Mazloum, một chuyên gia quân sự đồng thời là cựu Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược thuộc các lực lượng vũ trang Ai Cập, nhận định: "Thời điểm được lựa chọn để tiến hành cuộc tập trận có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó thể hiện sự ủng hộ đối với Saudi Arabia cũng như các chính sách của Vương quốc này nói chung."
Cựu Bộ trưởng Thông tin Kuwait Mohammad Nasser Al Sanousi đánh giá cuộc tập trận "là sự khởi đầu của một thỏa thuận liên quan đến nhiều vấn đề."
Nhà khoa học chính trị Mohammad Saleh Al Mesfir người Qatar cho rằng các nước quy tụ tại cuộc tập trận "Thần sấm phương Bắc" trong tình hình hiện nay để tái khẳng định lời kêu gọi thành lập một lực lượng quân sự Hồi giáo chống lại chủ nghĩa khủng bố ở các quốc gia Hồi giáo./.