25% dân số thế giới sống ở các thành phố đang nỗ lực "xanh hóa"

REN21 cho biết tính đến cuối năm ngoái, hơn 1.300 thành phố trên thế giới đã đặt mục tiêu thúc đẩy năng lượng tái tạo hoặc công bố các chính sách hướng tới mục tiêu này.
25% dân số thế giới sống ở các thành phố đang nỗ lực "xanh hóa" ảnh 1Các tuabin gió trong một trang trại phong điện ở bang Sachsen, Đức. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Số lượng đô thị đang nỗ lực thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo đã tăng mạnh trong năm 2020.

Nếu tính theo đầu người, con số này tương đương 25% dân số thành thị trên thế giới, tức một tỷ người.

Trong báo cáo công bố ngày 18/3, Mạng lưới chính sách năng lượng tái tạo cho thế kỷ 21 (REN21) cho biết tính đến cuối năm ngoái, hơn 1.300 thành phố trên thế giới đã đặt mục tiêu thúc đẩy năng lượng tái tạo hoặc công bố các chính sách hướng tới mục tiêu này.

Bên cạnh đó, số lượng thành phố ban bố lệnh cấm hoặc hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch như dầu diesel và khí đốt cũng tăng gấp 5 lần lên con số 43. Nếu tính cả những thành phố mà lệnh cấm chưa có hiệu lực, con số này là hơn 60. Trong số đó, 35 thành phố nằm ở bang California của Mỹ.

[Năng lượng tái tạo của Việt Nam phát triển nhanh nhất Đông Nam Á]

Theo REN21, nỗ lực "xanh hóa" được ghi nhận nhiều nhất chủ yếu ở các thành phố Bắc Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, tiến bộ đạt được ghi nhận trên toàn thế giới, với việc khoảng 830 thành phố ở 72 quốc gia đã đề ra các mục tiêu thúc đẩy năng lượng tái tạo ở ít nhất một lĩnh vực.

Trao đổi với báo giới, giám đốc điều hành của REN21 Rana Adib cho rằng các thành phố có vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, bà Adib lưu ý đại dịch COVID-19 đã tạo thêm sức ép lên các thành phố đang tìm cách giảm ô nhiễm môi trường và chuyển sang sử dụng năng lượng sạch khi giờ đây vấn đề sức khỏe của người dân được ưu tiên hàng đầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục