45 cá nhân và tập thể được trao giải báo chí về văn hóa ứng xử

Giải báo chí về chủ đề “Văn hóa ứng xử” đã được trao cho các tác phẩm bám sát thực tiễn cuộc sống, phản ánh sâu sắc, toàn diện những tấm gương người tốt, việc tốt trong xã hội.
Lầu đầu tiên Giải báo chí về Văn hóa ứng xử được tổ chức. (Ảnh: Thanh Tùng/Vietnam+)
Lầu đầu tiên Giải báo chí về Văn hóa ứng xử được tổ chức. (Ảnh: Thanh Tùng/Vietnam+)

Ngày 18/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Thông tin Truyền thông phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nhà báo Việt Nam trao Giải báo chí về chủ đề “Văn hóa ứng xử” cho các tập thể, cá nhân có tác phẩm xuất sắc.

Phát động từ ngày 1/1/2019, ban tổ chức đã nhận được 358 tác phẩm ở 5 thể loại báo in, báo điện tử, báo hình, báo nói và ảnh báo chí, của gần 70 tác giả, nhóm tác giả đến từ hơn 60 cơ quan báo chí và đông đảo cộng tác viên trên toàn quốc.

Qua hai vòng sơ khảo và chung khảo, ban tổ chức đã lựa chọn 37 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất và 8 cơ quan báo chí tích cực tham gia và đạt nhiều giải.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh đây là lần đầu tiên Giải báo chí về văn hóa ứng xử được tổ chức, là hoạt động có ý nghĩa trong việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước.

45 cá nhân và tập thể được trao giải báo chí về văn hóa ứng xử ảnh 1Nhà báo Vũ Xuân Cường, Báo Tin tức, nhận giải Nhì, thể loại báo điện tử. (Ảnh: Thanh Tùng/Vietnam+)

Tham dự giải là các tác phẩm thuộc các thể loại bài phản ánh, phóng sự, điều tra, bút ký, chương trình tọa đàm và ảnh báo chí tuyên truyền về văn hóa ứng xử, được đăng, phát trên các loại hình báo chí gồm báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình. Nội dung các tác phẩm tham gia giải đảm bảo tính chân thực, người thật, việc thật, có tính chính xác, khách quan, có định hướng tư tưởng, chính trị, có tính phát hiện. Phương pháp thể hiện sáng tạo, hấp dẫn. Đối tượng phản ánh là những tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, những kinh nghiệm hay, mô hình tốt trong văn hóa ứng xử, trên các lĩnh vực văn hóa ứng xử trong gia đình, trường học, bệnh viện, công sở, nơi công cộng...

“Nhiều tác phẩm đã bám sát thực tiễn cuộc sống, phản ánh sâu sắc, toàn diện những tấm gương người tốt, việc tốt, những cách làm hay, những điển hình tiên tiến để biểu dương, nhân rộng; đấu tranh phê phán những thói hư, tật xấu trong xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, báo chí thực sự đã góp phần to lớn tạo sự đồng thuận, sự đoàn kết, ủng hộ của toàn dân, khơi dậy, phát huy tinh thần và truyền thống nhân ái trong toàn xã hội,” Thứ trưởng phát biểu tại lễ trao giải.

Đây là lần đầu tiên giải thưởng này được tổ chức. Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cũng đề nghị duy trì giải thưởng trong các năm tiếp theo và phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong xây dựng văn hóa, con người Việt Nam thời gian tới.

Ở thể loại báo in, nhóm tác giả Kiều Duy Chánh, Cù Xuân Trường, Nguyễn Thị Thanh Thủy, Hồ Hải Hà, báo Hànộimới, được trao giải Nhất với loạt 4 bài: “Văn hóa công sở-Văn hóa người Hà Nội.”

Thể loại báo điện tử, nhóm tác giả Báo Lao động giành giải Nhất với chùm bài “Vinh danh những người tuyến đầu chống dịch COVID-19.”

Tác giả Vũ Xuân Cường, Báo Tin tức, Thông tấn xã Việt Nam, đạt giải Nhì với chùm bài “Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội trước thông tin giả tràn lan và giải pháp ngăn chặn.” Tác giả Lê Thanh Tùng, Thông tấn xã Việt Nam, nhận được giải Ba cho chùm ảnh “Người mẹ tri thức của những đứa trẻ nhiễm ‘H’.”

45 cá nhân và tập thể được trao giải báo chí về văn hóa ứng xử ảnh 2Một tác phẩm trong chùm ảnh về Cô giáo Đinh Thị Thủy của phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam Lê Thanh Tùng.

Chùm ảnh khắc họa chân dung cô giáo Đinh Thị Thủy, sinh năm 1969, giáo viên Trường Tiểu học Yên Bài B (xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội) đã có 14 năm giảng dạy tại một lớp học đặc biệt của Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 2, lớp học dành cho trẻ mồ côi bị bỏ rơi đang mang trong mình virus của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Vượt qua những ngăn cản, kỳ thị từ gia đình, xã hội, bằng tấm lòng yêu thương vô bờ bến và sự kiên nhẫn, cô giáo Đinh Thị Thủy đã đồng hành cùng nhiều thế hệ học sinh nhiễm "H" để truyền dạy kiến thức cho các em. Phóng viên Thanh Tùng chia sẻ đây là giải thưởng ý nghĩa đối với cá nhân anh và thật xúc động khi ngày Nhà giáo Việt Nam sắp tới gần. "Giải thưởng tiếp tục là một sự ghi nhận những cống hiến của cô giáo Đinh Thị Thủy nói riêng, và những người giáo viên nói chung," anh cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục