An Giang: Học sinh vùng đầu nguồn biên giới sẵn sàng đón năm học mới

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Phú (tỉnh An Giang), 95 điểm trường của huyện hiện có 895 phòng học với gần 31.000 học sinh, trong đó hơn 10% là học sinh người dân tộc Chăm.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang Trần Thị Ngọc Diễm tặng giấy khen của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm học 2023-2024. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang Trần Thị Ngọc Diễm tặng giấy khen của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm học 2023-2024. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Là tỉnh biên giới đầu nguồn châu thổ Cửu Long, điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng với sự cố gắng và quan tâm của chính quyền các cấp, chung tay của cộng đồng, đến nay, thầy trò ở An Giang đã sẵn sàng bước vào năm học mới.

Nỗ lực vận động học sinh đến trường

Thầy và trò Trường Tiểu học D Phú Hữu (điểm phụ, ấp Phú Thành, xã Phú Hữu, huyện An Phú) những ngày qua rất tất bật vệ sinh khuôn viên trường học, trang trí lớp, phòng chức năng để đón năm học mới.

Từ giữa hè, nhà trường đã chủ động rà soát, lập danh sách cụ thể học sinh và phụ huynh; phối hợp với Đồn Biên phòng Đồng Đức (Bộ đội Biên phòng An Giang) và chính quyền địa phương vận động các em đến trường.

Năm học 2024 - 2025, Trường Tiểu học D Phú Hữu huy động 366 học sinh ở các ấp Phú Thành, Phú Quới ra lớp.

Hằng năm, trường tiếp nhận hàng chục học sinh người Campuchia gốc Việt sinh sống dọc biên giới sang học tập. Nhờ dân vận tốt, việc tuyển sinh đầu cấp đạt kế hoạch, tỷ lệ chuyên cần của học sinh luôn đạt cao trong những năm gần đây.

Thầy Nguyễn Văn Hậu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học D Phú Hữu thông tin ngay từ giữa hè, nhà trường đã phối hợp với Đồn Biên phòng Đồng Đức (Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) cùng chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể đến từng ấp, vào từng nhà để vận động học sinh trở lại trường học sau kỳ nghỉ hè. Nhà trường cũng vận động nhà hảo tâm tặng quà (đồ dùng học tập, bảo hiểm y tế…) vào dịp khai giảng.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Phú, 95 điểm trường của huyện hiện có 895 phòng học với gần 31.000 học sinh, trong đó hơn 10% là học sinh người dân tộc Chăm.

Để chuẩn bị cho năm học 2024-2025, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, từ khi nghỉ hè, 100% trường học ở huyện đã huy động mọi nguồn lực, phối hợp với các lực lượng thanh niên, phụ nữ… tiến hành sửa chữa, tân trang, làm mới, vệ sinh khuôn viên trường, lớp, bàn, ghế, trang thiết bị giảng dạy.

Phòng phối hợp với các trường tăng cường huy động học sinh đến lớp, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, thực hiện tốt “Tháng hành động sự nghiệp giáo dục,” cũng như điều kiện khai giảng năm học mới.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Phú Võ Hoàng Lâm cho biết vận động học sinh đến trường là việc làm quan trọng và cần sớm phối hợp triển khai.

Đặc biệt, vào mùa lũ, các trường học bị ngập sâu, những vùng bị ảnh hưởng thiên tai phải có phương án đưa đón học sinh an toàn, nhất là tại điểm Trường Tiểu học A Vĩnh Hậu và Trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông.

Nhờ đó, tình trạng học sinh bỏ học những năm gần đây giảm đáng kể. Phòng đã chỉ đạo các trường học chuẩn bị sách giáo khoa cho học sinh đầu năm học mới; thông báo rộng rãi, công khai danh mục sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương để phụ huynh nắm thông tin lựa chọn phù hợp.

Hơn 73,2 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất

Năm học 2024-2025, An Giang có khoảng 714 trường học các cấp và 9 cơ sở giáo dục có giảng dạy hệ Giáo dục thường xuyên với hơn 402.000 học sinh.

Chuẩn bị cho năm học mới, nhiều cơ sở giáo dục đã được đầu tư cơ sở vật chất với tổng kinh phí hơn 73,2 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương và các nguồn khác.

TTXVN_0409hocsinhAnGiang.jpg
Trao học bổng Vừ A Dính cho học sinh dân tộc Chăm có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Các trường học huy động hơn 11,9 tỷ đồng để bổ sung trang thiết bị dạy học, duy tu, sửa chữa cơ sở vật chất, trao học bổng cho học sinh, trang bị sách giáo khoa cho học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn…, giúp các em có điều kiện học tập.

Đến cuối tháng 8/2024, hầu hết các trường học ở An Giang đã hoàn thành sửa chữa, cải tạo, vệ sinh trường lớp; trang trí cờ hoa, dọn dẹp khuôn viên sạch đẹp chuẩn bị cho lễ khai giảng.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang Trần Thị Ngọc Diễm cho biết Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ; chuẩn bị sách giáo khoa, điều kiện học tập của học sinh; tổng vệ sinh khuôn viên trường, lớp học, sẵn sàng đón học sinh.

Các Phòng Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục tập trung triển khai “Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục năm 2024” gắn với từng hoạt động cụ thể đầu năm học của địa phương, đơn vị.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương tăng cường huy động học sinh ra lớp, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn.

Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới (tay chân miệng, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ, bạch hầu…).

Các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát về khoản thu của cơ sở giáo dục; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu” đầu năm học.

Các sở, ngành, địa phương tích cực phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt giải pháp xây dựng trường học thân thiện, an toàn, lành mạnh; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bạo lực học đường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục