An Giang không đón du khách từ vùng có dịch bệnh do virus nCoV

An Giang chỉ đạo Sở Y tế tỉnh phối hợp với các huyện, thị xã có cửa khẩu, đường bộ, đường thủy giám sát chặt các hành khách nhập cảnh đối với các trường hợp đi từ vùng dịch.
Tất cả các cư dân biên giới khi nhập cảnh vào Việt Nam đều phải qua kiểm tra hệ thống may soi thân nhiệt từ xa. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Tất cả các cư dân biên giới khi nhập cảnh vào Việt Nam đều phải qua kiểm tra hệ thống may soi thân nhiệt từ xa. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Sáng 31/1, ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành và các địa phương trên địa bàn tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra giám sát và phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV); trong đó, An Giang sẽ không đón khách du lịch từ vùng có dịch nCoV đến du lịch trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Y tế tỉnh tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm việc giám sát, phát hiện sớm các trường hợp lây nhiễm, cách ly triệt để, theo dõi các trường hợp có tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm; phối hợp với các huyện, thị xã có cửa khẩu, đường bộ, đường thủy như Tịnh Biên, Châu Đốc, An Phú, Tân Châu giám sát chặt các hành khách nhập cảnh đối với các trường hợp đi từ vùng dịch, quản lý các trường hợp bệnh, phòng, chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế, không để xảy ra các trường hợp người bệnh và cán bộ y tế bị lây nhiễm dịch bệnh này.

Sở Y tế tỉnh chỉ đạo các trung tâm y tế, bệnh viện trên địa bàn chủ động ứng phó, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân khi có yêu cầu, tiếp tục hoàn thiện phương án để sẵn sàng ứng phó khi cần thiết; chỉ đạo thực hiện nghiêm việc khử trùng, tẩy độc tại các cửa khẩu, đường bộ, đường thủy và thông tin kịp thời diễn biến tình hình dịch, đưa ra các khuyến cáo về các biện pháp phòng bệnh phù hợp với tình hình dịch bệnh. 

Tỉnh cũng yêu cầu Sở Y tế có kịch bản ứng phó với từng tình huống dịch trước ngày 7/2/2020; bảo đảm cơ số thuốc, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch; sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch; có hướng dẫn, chỉ đạo quy trình, phác đồ điều trị, hạn chế thấp nhất tử vong.

Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng yêu cầu ngành Du lịch theo dõi chặt chẽ hoạt động của du khách, tình hình dịch bệnh nCoV tại các điểm du lịch của tỉnh, đặc biệt trong Lễ hội Mắm An Giang-Nam Bộ diễn ra trong tháng 2/2020 tại thành phố Châu Đốc; chỉ đạo các công ty du lịch hủy các tour, gói du lịch, không tổ chức các đoàn khách du lịch tới các tỉnh, thành phố đang có dịch, có người mắc bệnh và không đón khách du lịch từ vùng có dịch đến tỉnh.

Ngành Du lịch quản lý và theo dõi chặt chẽ lịch trình, tình hình sức khỏe và khuyến nghị hạn chế di chuyển du khách Trung Quốc hiện đang ở trong tỉnh (nếu có); chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các cơ sở y tế địa phương tổ chức cách ly, quản lý du khách khi phát hiện trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh.

Công an tỉnh phối hợp với ngành Y tế thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch ngay tại cửa khẩu; bảo đảm an ninh cho việc cách ly y tế bắt buộc các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh; chia sẻ các thông tin về hành khách nhập cảnh với ngành y tế; tổ chức xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp tung tin không đúng về tình hình dịch, gây hoang mang trong cộng đồng.

Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với ngành Y tế thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch tại cửa khẩu, đặc biệt tại các đường mòn, lối mở, đò ngang, đò dọc, chia sẻ các thông tin về hành khách nhập cảnh với ngành Y tế; chuẩn bị sẵn sàng triển khai bệnh viện dã chiến trong trường hợp dịch lan rộng; chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong các đơn vị Quân đội.

Tỉnh An Giang cũng yêu cầu Sở Ngoại vụ tỉnh phối hợp với Sở Y tế cung cấp thông tin và khuyến cáo các công dân trong tỉnh không nên đến các khu vực đang có dịch khi không cần thiết; Sở Giao thông vận tải tỉnh triển khai thực hiện tốt các khuyến cáo phòng, chống dịch cho các hành khách trên các phương tiện vận tải; xem xét thực hiện việc phòng bệnh trên các phương tiện vận tải hành khách.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe của những người lao động, làm việc xuất phát, trở về từ các khu vực đang có dịch tại Trung Quốc (nếu có) và không tổ chức đưa lao động trong tỉnh đến các khu vực đang có dịch.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh phối hợp với các đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại trường mầm non, phổ thông, cơ sở giáo dục đào tạo, nhóm trẻ gia đình, kịp thời phát hiện sớm ca bệnh thông tin đến cơ sở y tế để xử lý kịp thời...

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quyết liệt sẵn sàng ứng phó với các tình huống phòng chống dịch, hạn chế thấp nhất tử vong; bảo đảm cung cấp đủ phương tiện, vật tư, thuốc, trang thiết bị, kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn...

[Virus corona có thể lây từ người sang người trong vòng 15 phút]

Tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn triển khai công tác phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona.

Theo đó, Sở Y tế tỉnh triển khai nhiệm vụ, lập kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện phòng chống dịch bệnh; thiết lập số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin khai báo y tế, các thông tin về bệnh nhân nghi ngờ mắc hoặc mắc bệnh do chủng mới virus Corona và các thông tin khác liên quan đến dịch bệnh trên địa bàn.

Đồng thời, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng thuốc điều trị, trang thiết bị, sinh phẩm y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn, phương tiện vận chuyển cấp cứu để chủ động phòng chống dịch bệnh ngay từ khi có ca bệnh đầu tiên.

Các bệnh viện trên địa bàn tỉnh chủ động xây dựng phương án tổ chức khu vực cách ly, tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân, phòng chống lây nhiễm.

Sở Y tế Vĩnh Phúc tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các huyện, thành phố thực hiện các biện pháp chống dịch; bảo đảm trang thiết bị chẩn đoán, theo dõi và điều trị; tập trung nguồn lực và chuyên môn kỹ thuật để điều trị bệnh nhân.

Tỉnh thiết lập đường dây nóng của các cơ quan y tế trên địa bàn tỉnh để tiếp nhận thông tin khai báo y tế, các thông tin về bệnh nhân nghi ngờ mắc hoặc mắc bệnh do chủng mới của virus Corona; thành lập đội phản ứng nhanh, nòng cốt là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm y tế các huyện, thành phố.

Tỉnh thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp tỉnh; kiểm tra, thẩm định lại cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân; xây dựng phác đồ điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thiết lập đường dây nóng. Tỉnh yêu cầu đội ngũ y tế xã, y tế thôn bản tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng, chống và các triệu chứng của bệnh cho người dân.

Sở Y tế báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh định kỳ để kịp thời có phương án kiểm soát dịch bệnh tại Vĩnh Phúc, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Sở chủ động triển khai các biện pháp chuyên môn kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế từ tỉnh đến thôn, bản về kỹ năng phát hiện, giám sát người nhiễm bệnh, khoanh vùng dập dịch, xử lý môi trường nơi có người bệnh, phương pháp điều trị, hạn chế tới mức thấp nhất tử vong do chủng mới virus Corona.

Tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền về diễn biến tình hình dịch bệnh, đặc điểm, mức độ nguy hiểm của bệnh và các biện pháp phòng chống để người dân không hoang mang, lo sợ và chủ động phòng chống bệnh hiệu quả.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục